TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ các dự án

Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 03/04/2023

Sáng 3/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu TP.HCM có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng các phó chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố tham dự.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định cả nước đang triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực đạt các mục tiêu đề ra theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong bối cảnh hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa khắc phục được hết; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm; lạm phát của các nước tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, cầu giảm, thị trường thu hẹp, nhất là các thị trường lớn của Việt Nam; giá một số mặt hàng chiến lược, nguyên vật liệu đầu vào không ổn định, nhất là giá dầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua và trong quý I/2023, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, chúng ta đã cơ bản đạt được các mục tiêu lớn: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, tăng cường, mở rộng đối ngoại và hội nhập. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Liên Hiệp Quốc vừa công bố xếp hạng chỉ số hạnh phúc toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc.

-7468-1680511788.jpg

Thủ tướng cũng nêu những khó khăn, thách thức còn nhiều như: sự hồi phục của doanh nghiệp sau Covid-19 còn còn nhiều khó khăn liên quan tới tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính rườm rà, thị trường bị thu hẹp. Các thị trường bất động sản, vốn, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để các thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững. Việc khắc phục các vấn đề liên quan tới cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cần nỗ lực, quyết liệt hơn nữa. Phản ứng chính sách của các bộ, ngành, địa phương cần kịp thời, hiệu quả hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để phục hồi tốt hơn. Việc giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn.

“Công tác cải cách hành chính cần được đẩy mạnh hơn và kỷ luật, kỷ cương hành chính cần được tăng cường hơn nữa. Thời gian qua, đã rất nỗ lực để triển khai 3 nhóm công việc lớn: các vấn đề tồn đọng, kéo dài cần nhiều thời gian để giải quyết như các dự án thua lỗ, ngân hàng yếu kém; các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều hơn, nặng nề hơn với đòi hỏi ngày càng cao hơn khi quy mô nền kinh tế lớn hơn, dân số đông hơn; xử lý, ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ”, Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khách quan về kết quả, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhận định tình hình, xác định các nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, nỗ lực khắc phục hạn chế, bất cập, vượt qua các khó khăn, thách thức, tập trung toàn lực để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi cho biết, thực hiện Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, TP.HCM đã tổ chức mua sắm tập trung được 1.481 tỷ đồng. Các bệnh viện mua sắm dược, vật tư y tế, cơ bản giải quyết được các khó khăn và đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, còn một vài bệnh viện lúng túng trong thực hiện nhiệm vụ này. Sở Y tế TP.HCM đã tập huấn, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện công tác này trong thời gian tới.

Về tình hình phát triển kinh tế, theo ông Mãi, TP.HCM đã dự báo, nhận diện khó khăn, thách thức từ sớm và chủ động ban hành kế hoạch cũng như triển khai các nhiệm vụ, giải pháp từ cuối năm 2022. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội quý I/2023 của TP.HCM nằm trong dự báo nhưng giảm sâu hơn dự báo.

Trong đó, kết quả tích cực khi có 5/9 ngành dịch vụ - du lịch tăng trưởng khá. Số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp FDI tăng khá so với bình quân cả nước; thu ngân sách đạt 26,6% dự toán năm. Trong quý I/2023, UBND TP.HCM cùng các sở, ngành đã tập trung tiếp xúc với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế TP.HCM cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc tăng trưởng quý I/2023 thấp (chỉ 0,7%), TP.HCM có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp ngưng hoạt động cao (trên 22%), có 17,6% doanh nghiệp dự kiến sẽ cắt giảm lao động trong thời gian tới. Nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn và thiếu nguồn nhân lực phù hợp.

-6069-1680511788.jpg

Ông Mãi cho biết, TP.HCM đã nghiên cứu, phân tích các yếu tố dẫn đến tăng trưởng thấp trong quý I/2023. Đó là tình hình sản xuất công nghiệp, dịch vụ, ngành xây dựng và bất động sản gặp khó khăn; tổ chức tháo gỡ khó khăn về các dự án bất động sản dù hoạt động rất tích cực nhưng kết quả tháo gỡ chưa được nhiều.

Hoạt động kinh tế dịch vụ bị ảnh hưởng, đặc biệt là hoạt động ngân hàng đạt hiệu quả chưa cao. Bởi lãi suất cao, các điều kiện tiếp cận tín dụng thắt chặt khiến doanh nghiệp cần vốn nhưng rất khó đáp ứng được các điều kiện... Do đó, cần phân tích sâu hơn để có giải pháp đảm bảo khung tín dụng đến đúng địa chỉ cho sản xuất kinh doanh. Việc tháo gỡ vướng mắc của các sở ngành cũng như những vấn đề liên quan đến các bộ ngành còn nhiều khó khăn.

Với tình hình đó, TP.HCM đã họp phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp, cố gắng cải thiện tình hình, dù dự báo trong quý II/2023 còn nhiều khó khăn. Theo ông Mãi, việc đầu tiên TP.HCM làm là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy tiến độ các dự án. Cùng với đó, tập trung thúc đẩy đầu tư, trong đó đảm bảo đầu tư công diễn ra đúng tiến độ. Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn cũng như giải quyết thủ tục.

Ông Mãi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ cho thành phố trong việc phân tích, tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để củng cố tăng trưởng; có những chính sách hỗ trợ đặc biệt về xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch và cung ứng nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Ông Mãi cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

T.Hải