Tăng giá điện, doanh nghiệp thêm "nghẹt thở"

Trong nước - Ngày đăng : 07:00, 09/04/2023

Trong khi cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam và TP.HCM đang dấy lên nhiều nỗi lo về các quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) khiến họ có nguy cơ bị phạt nặng hoặc phải ngưng sản xuất thì Bộ Công Thương lại đề xuất tăng giá điện khiến sức khỏe DN vốn đang yếu, nay lại thêm... nghẹt thở.
Tăng giá điện, doanh nghiệp thêm

Chỉ trong hai ngày, xuất hiện trên các hội nhóm, nhiều doanh nhân đã không giấu nỗi bức xúc, thậm chí có cả bất bình, khi cả cộng đồng DN Việt Nam đang khó khăn, phải gồng mình để vượt qua những tác động kinh tế không mấy khả quan từ thế giới và nhiều yếu tố khác thì một số quy định, kiểm tra, thanh tra, đề xuất mới lại khiến DN như cạn kiệt sức khỏe, có DN còn cho rằng họ đang... đứng hình vì không biết xoay sở ra sao?

Phản ánh với Doanh Nhân Sài Gòn, nhiều DN cho rằng có quá nhiều bất cập và quy định phi lý, không cần thiết của quy định PCCC, như quy định cầu thang từ tầng trệt nếu dùng kết cấu thép bắt buộc phải sơn chống cháy đạt tiêu chuẩn chống cháy 60 phút, dù lối lên lửng chỉ khoảng 3m... Hay rất nhiều thủ tục phiền toái, khó khăn khác như việc thẩm tra hoàn thiện công trình để hoàn tất nghiệm thu khiến DN cứ bị hành xoay vòng không biết thế nào là đúng?

Thật buồn khi ở một thời đại kinh tế hội nhập mà DN cứ liên tục bị hành, bị làm khó vì hết quy định phi lý này đến bất cập khác. Song điều đáng nói là lâu nay, cứ mỗi khi một cơ quan quản lý nào muốn đưa ra những quy định, đề xuất đều xem DN như một đối tượng phải làm và thực thi, không cho họ thời gian chuẩn bị, lộ trình, không cho họ được nói lên những vướng mắc. Chưa kể, còn rất nhiều trách nhiệm của người thực hành và cơ quan quản lý chưa hề đi sát với DN.

Đành rằng, nói như một cán bộ PCCC, nhiều DN đang làm sai quy định PCCC nên để an toàn cho cộng đồng và DN, cơ quan chức năng PCCC phải thanh kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều DN vẫn chưa có lời đáp, đó là có quá nhiều bất cập và phi lý trong quy định, đã có cơ quan quản lý nào hiểu và giải quyết cho DN trước khi yêu cầu họ phải nộp tiền phạt? Có chăng bất cập tồn đọng nhiều năm qua còn là lợi của ai đó phía sau?

Link bài viết

Giữa lúc sức khỏe DN còn đang yếu và rất yếu, một lộ trình, một hướng dẫn, một quy chuẩn phù hợp chính là giải pháp, vừa có tính áp dụng, vừa động viên tinh thần doanh nhân, DN để họ thêm sức mạnh vượt qua khó khăn, chứ không chỉ là những quy định bắt buộc làm một cách lãng phí, vô lý và vô cảm.

Cũng trong lúc DN đang đứng ngồi không yên, lo đến mất ăn mất ngủ, làm thế nào để duy trì sản xuất, nuôi công nhân, thì mới đây Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Các DN ở những ngành sử dụng nhiều điện càng thêm lo lắng bởi giá điện tăng sẽ kéo theo nhiều chi phí đầu vào tăng lên trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.

Mặc dù Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hòa lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi ích người dân, DN sản xuất và mục tiêu kiểm soát lạm phát, nhưng với nhiều DN sản xuất, nguy cơ tăng giá điện đang là nỗi lo lớn. Lấy ví dụ, một năm, một DN A chi khoảng hơn 2 tỷ đồng tiền điện, có tháng cao điểm là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đầu ra khó khăn, giờ có thêm bất kỳ tác động nào làm tăng chi phí sản xuất sẽ đẩy DN vào cảnh khó khăn hơn.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiền, Trường Đại học UBIS Thụy Sỹ, việc giá điện tăng 7% sẽ gây ra nhiều tác động không mấy tốt đến nền kinh tế, dù GDP không vì thế mà bị ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên, đối với các DN công nghiệp nặng, vốn sử dụng điện năng làm nhiệt lượng chủ chốt, sẽ gặp không ít khó khăn. Giá điện cao hơn khiến chi phí sản xuất tăng cao trong bối cảnh đầu ra tê liệt, sẽ dẫn đến hệ quả là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm suy giảm. Các DN lại phải đối đầu với thử thách nặng nề hơn. Nếu tăng giá điện đồng nghĩa DN phải tăng giá bán, như vậy thì sản phẩm không tiêu thụ được, không cạnh tranh được, mà giữ giá bán thì tiệm cận ranh giới thua lỗ, ngưng sản xuất thì công nhân thất nghiệp, ngân sách thất thu.

Một doanh nhân chia sẻ trong một tâm tư rất buồn, anh nói: “Tôi đang tìm mọi cách để duy trì vượt qua khó khăn, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ngay cả lãnh đạo TP.HCM cũng đang tìm giải pháp gỡ khó cho DN nhưng với đề xuất này, rõ ràng DN sẽ đi từ khó khăn này đến khó khăn khác. Biết bao giờ khỏe và mạnh được?”.

Vị doanh nhân này cho biết thêm: “Nếu giá điện tăng, chúng tôi cũng không thể tính ngay vào giá thành sản xuất, tăng giá sản phẩm đầu ra, bởi tìm đơn hàng đã khó mà còn tăng giá thì chẳng ai muốn hàng của chúng tôi”. Trong khi DN vẫn đang mong Nhà nước và TP.HCM chung vai sát cánh, tạo mọi ưu tiên giúp DN xoay xở để hạ giá thành sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, thì việc đề xuất tăng giá điện là chưa phù hợp. Trước những khó khăn, nhiều DN bày tỏ mong muốn Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ DN cắt giảm chi phí, trong đó có hỗ trợ chi phí về tiền điện.

Phát biểu trên một tờ báo điện tử, TS. Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh giá điện ở mức nào lại là câu hỏi khó và cần được tính toán kỹ lưỡng. Nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng Luật Giá mà phải đảm bảo bù đắp chi phí kinh doanh cho ngành điện thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện tại. Nhưng mức này có thể sẽ có những tác động khá mạnh. Tính ra với 15% thì sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5%, chưa kể tác động đến vòng 2. Từ đó tác động lên các ngành, ví dụ như giá điện sẽ đẩy giá thành sản xuất thép tăng khoảng 0,9%; giá thành sản xuất xi măng tăng khoảng 2,25%; ngành dệt may tăng khoảng 1,95%... đây là những ngành sử dụng nhiều điện.

Để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát, có thể tiến tới chia lộ trình điều chỉnh giá thành hai đợt. Nếu mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng 7-8% sẽ đẩy lạm phát vòng 1 của mỗi đợt lên khoảng 0,2%. Trong trường hợp cuối năm, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát vẫn kiểm soát tốt và kinh tế phục hồi thì có thể thực hiện điều chỉnh giá đợt 2.

Trước những quy định còn bất cập và nhiều phi lý như PCCC, hiểu được nỗi khổ của DN, nói đúng hơn và lo cho sức khỏe của DN đang cạn kiệt và e không còn sức chống chịu, Chính phủ vừa kịp thời chỉ đạo tháo gỡ. Chưa vội mừng thì nay đề xuất mới của Bộ Công thương như một gáo nước lạnh vào các DN. Với phân tích rất thấu đáo của TS Nguyễn Tiến Thỏa vừa nêu, có thể xem là một góp ý rất thiết thực và cần thiết, không thể bỏ qua.

Lữ Ý Nhi