TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp số
Công nghệ - Ngày đăng : 01:00, 11/04/2023
Để hiểu rõ hơn những giải pháp phát triển kinh tế số, Doanh Nhân Sài Gòn đã trao đổi với ông Võ Minh Thành - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM về vấn đề này.
* Thưa ông, để phát triển kinh tế số, TP.HCM đã làm được những gì?
Ông Võ Minh Thành - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM |
- Ngày 18/3/2022, TP.HCM chính thức giới thiệu cổng thông tin chuyển đổi số tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity.gov.vn. Đây là kênh tổng hợp thông tin liên quan đến kế hoạch, chương trình chuyển đổi số, các hoạt động và kết quả chuyển đổi số của thành phố.
Năm 2021, TP.HCM thành lập Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển đổi số (DX Center) có nhiệm vụ thúc đẩy sự hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số. DX Center dựa trên quá trình đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, tận dụng các nguồn lực sẵn có và phát huy các nguồn lực tiềm năng để kết nối hệ sinh thái chuyển đổi số, hỗ trợ DN chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Sở Thông tin và Truyền thông đang phối với Hội Tin học TP.HCM, (HCA), DX Center hình thành mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số từ các trường, viện, hiệp hội DN, các nhà khoa học.
DN cũng có thể tham khảo thông tin về các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông tại website https://smedx.vn/nen-tang-so. Tại trang web này, DN có thể đăng ký sử dụng các nền tảng chuyển đổi số, bao gồm các nhóm quản trị DN, các nghiệp vụ cụ thể (kế toán, tổng đài...), an toàn, an ninh mạng...
TP.HCM đã có chương trình tôn vinh sản phẩm chuyển đổi số thông qua các chương trình bình chọn sản phẩm tiêu biểu, chủ lực, thông qua giải thưởng công nghệ thông tin - truyền thông, giải thưởng đổi mới sáng tạo.
Thành phố đã tổ chức truyền thông các chương trình, đề án phát triển DN số, sản phẩm công nghệ thông tin thông qua chương trình Chính phủ điện tử IT TODAY.
Về phát triển hạ tầng số, TP.HCM chú trọng tăng cường vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng di động (3G, 4G, hướng đến 5G) và mạng băng rộng cố định cáp quang, phát triển nền tảng số, bản đồ số, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tạo hạ tầng mới cho phát triển kinh tế số.
* Theo quan sát của ông, các nước thúc đẩy phát triển kinh tế số như thế nào?
- Chính phủ nhiều nước hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin kinh tế số cho DN để DN chủ động tìm giải pháp phát triển kinh doanh, phát triển thị trường. Họ còn tạo ra cộng đồng, mạng lưới DN lớn để hỗ trợ lẫn nhau và đáp ứng nhu cầu của nhau trong chuyển đổi số.
* Trong khi chờ đợi khung pháp lý, Sở Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp gì để hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo và DN số, thưa ông?
- Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, trước hết, chúng tôi phối hợp với các hiệp hội DN tổ chức những khóa tập huấn, hội thảo chuyên đề để giúp DN nắm bắt quy định pháp lý và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, kịp thời lắng nghe và giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh liên quan đến chuyển đổi số. Thứ hai là cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, kết nối với các nhà đầu tư. Thứ ba là điều chỉnh các văn bản pháp quy để tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp số, bao gồm việc giảm thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và tiết kiệm thời gian.
TP.HCM chú trọng tăng cường vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ viễn thông băng rộng di động (3G, 4G, hướng đến 5G) và mạng băng rộng cố định cáp quang, phát triển nền tảng số, bản đồ số, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tạo hạ tầng mới cho phát triển kinh tế số.
Theo tôi, bản thân DN cũng cần tìm hiểu cẩn thận các quy định hiện hành về chuyển đổi số, kinh tế số để tránh vi phạm, tìm kiếm và tận dụng các cơ hội hỗ trợ và đầu tư từ các tổ chức tài trợ, Chính phủ hoặc các nhà đầu tư; không ngừng sáng tạo, cải tiến sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội; xây dựng chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm và dịch vụ số một cách bài bản.
* Trong tọa đàm "Hoàn thiện pháp lý thúc đẩy kinh tế số” do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức ngày 21/3/2023 vừa qua, các chuyên gia và DN đều thống nhất nên có một đầu mối cấp trung ương đứng ra giải quyết và hỗ trợ xử lý các vấn đề của DN khởi nghiệp sáng tạo, DN số để thúc đẩy kinh tế số phát triển trong thời gian chờ đợi hoàn thiện hành lang pháp lý. Ông có ý kiến gì về đề xuất này?
- Đề xuất về việc có một đầu mối cấp trung ương đứng ra giải quyết và hỗ trợ xử lý các vấn đề của DN khởi nghiệp sáng tạo, DN số là một ý hay để thúc đẩy kinh tế số phát triển trong thời gian chờ đợi hoàn thiện hành lang pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được xem xét cẩn trọng trước khi quyết định, bởi việc tập trung về một đầu mối sẽ cần nguồn lực để tiếp nhận, xử lý và đúng chuyên môn, khả năng phân tích để xác định và giải quyết đúng nhu cầu, vấn đề của DN. Vì vậy, trước mắt, theo chúng tôi vấn đề tạo một đầu mối trung ương cần lấy ý kiến cộng đồng DN trước khi thực hiện thí điểm để có thể đưa ra quyết định chính thức.
* Cảm ơn ông!
Một số quy định do UBND TP.HCM ban hành nhằm hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, DN số: Quyết định số 2393 ngày 3/7/2020 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số của TP.HCM. Kế hoạch số 593 ngày 28/2/2022 về triển khai chương trình chuyển đổi số của TP.HCM. Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh năm 2022. Quyết định số 1185 ngày 6/4/2021 về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2020-2030. Quyết định số 672 ngày 1/3/2021 về việc phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025. Quyết định 4328 ngày 24/11/2020 về phê duyệt đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. |