Tiềm năng việc làm từ xu hướng chuyển dịch năng lượng

Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 13/04/2023

Không chỉ đẩy phần lớn khu vực trên thế giới đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung và gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người, khủng hoảng năng lượng toàn cầu còn khiến giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ấy cũng góp phần khiến nhiều quốc gia nỗ lực phát triển các nguồn năng lượng tái tạo...

Giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh được xem là "cú huých" cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, khi số việc làm trên toàn thế giới trong lĩnh vực này giai đoạn 2020-2021 đã tăng thêm 700.000, nâng tổng số lên 12,7 triệu việc làm, tiếp nối đà tăng trưởng trong 10 năm qua. Sau sự bùng nổ ấy là vô số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan trên toàn cầu những năm qua - chỉ báo phản ánh cái giá nặng nề của biến đổi khí hậu cũng như là chất xúc tác thôi thúc thế giới chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, phát thải ít carbon. Bên cạnh đó, việc đột ngột giảm khả năng tiếp cận nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng là lý do thúc đẩy xu hướng năng lượng sạch. 

Đà phát triển số lượng việc làm trong ngành năng lượng qua các năm

Đà phát triển số lượng việc làm trong ngành năng lượng qua các năm

Bùng nổ "việc làm xanh" nhờ năng lượng tái tạo

Theo báo cáo thường niên năm 2022 về năng lượng tái tạo và thị trường việc làm của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), ngày càng nhiều nền kinh tế đầu tư cho năng lượng sạch, qua đó tạo ra hàng loạt việc làm trong lĩnh vực này. 

Về mặt chính sách, nhiều quốc gia đã "bật đèn xanh" cho việc phát triển năng lượng tái tạo để mở rộng quy mô của năng lượng gió và mặt trời, đơn cử đạo luật giảm lạm phát (IRA) - luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử Mỹ được Quốc hội nước này thông qua. Tại châu Á, Trung Quốc đã công bố kế hoạch năng lượng sạch 5 năm trước thời hạn đề ra năm 2030, trong khi Ấn Độ chi 2,6 tỷ USD thành lập quỹ dành cho năng lượng sạch - khuyến khích chế tạo các bộ phận cần thiết để sản xuất năng lượng mặt trời ở trong nước.

Cùng với đó, phải kể đến sự phát triển khoa học - công nghệ hỗ trợ chống biến đổi khí hậu, như công nghệ thu giữ carbon, carbon dioxit và lưu trữ chúng trong lòng đất, hay công cụ viễn thám phát thải khí nhà kính ứng dụng trí tuệ nhân tạo cùng máy học như Climate TRACE.

Tổng hợp với sự hợp tác của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), báo cáo từ IRENA cho biết sự bùng nổ của năng lượng tái tạo có thể khiến số "việc làm xanh" trên toàn cầu lên hơn 38 triệu vào năm 2030 và thậm chí đạt 42 triệu trước năm 2050.Trong đó, ngành quang điện mặt trời (PV) đến nay vẫn chiếm phần lớn tỷ lệ việc làm (hơn 30%) ngành năng lượng tái tạo, với 4,3 triệu việc làm. Thủy điện và nhiên liệu sinh học chiếm 2,4 triệu việc làm mỗi loại và năng lượng gió 1,3 triệu. Phần còn lại thuộc về các lĩnh vực khác như địa nhiệt và năng lượng đại dương (thủy triều, sóng).

Hiện Trung Quốc vẫn là nền kinh tế có nhiều việc làm trong ngành năng lượng tái tạo nhất thế giới, chiếm 42%. Tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) và Brazil, với 10% mỗi nước, trong khi Mỹ và Ấn Độ đứng sau, ở mức 7%. Theo IRENA, dù gần 2/3 số "việc làm xanh" mới là ở châu Á, ngày càng nhiều nước hưởng lợi từ việc làm được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và chìa khóa để duy trì động lực hướng tới công nghiệp hóa năng lượng sạch cũng như tăng cường khả năng xuất khẩu công nghệ năng lượng xanh là phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa.

-6977-1681199071.jpg

4 trụ cột của năng lượng sạch

Theo báo cáo, thị trường việc làm trong ngành năng lượng tái tạo hiện có 4 trụ cột là quang điện mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydro và nhiên liệu sinh học dạng lỏng. Phổ công việc trong ngành cũng rất đa dạng, từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt và vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, điện sinh học, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, cho đến quản lý và phân phối năng lượng tái tạo, tư vấn giải pháp năng lượng sạch.

Đối với quang điện mặt trời, các quốc gia châu Á hiện chiếm 79% số việc làm trên thế giới, tăng khoảng 300.000 trong giai đoạn 2020-2021, đạt 4,3 triệu. Phần còn lại ở châu Mỹ (7,7%), châu Âu (6,8%) và các khu vực khác trên thế giới (4,9%).

Đáng chú ý, sản xuất điện mặt trời toàn cầu phần lớn ở Trung Quốc - nơi được hỗ trợ bởi những ưu đãi đáng kể từ chính phủ cũng như tổ chức nghiên cứu và phát triển sâu rộng. Dù vậy, hơn 65% tổng sản lượng quang điện mặt trời năm 2020 của Trung Quốc lại được chuyển ra nước ngoài. Ở chiều ngược lại, từ năm 2017-2021, hơn 80% tấm quang năng lắp đặt tại EU là hàng nhập khẩu, trong khi mức nhập khẩu của Mỹ và Ấn Độ lần lượt là 77% và 75%.

Thị trường việc làm trong ngành năng lượng tái tạo hiện có 4 trụ cột là quang điện mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hydro và nhiên liệu sinh học dạng lỏng. Phổ công việc trong ngành cũng rất đa dạng, từ thiết kế, sản xuất, lắp đặt và vận hành hệ thống năng lượng mặt trời, gió, thủy điện, điện sinh học, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, cho đến quản lý và phân phối năng lượng tái tạo, tư vấn giải pháp năng lượng sạch.

Không chỉ đứng đầu về quang điện mặt trời, Trung Quốc cũng là nơi chiếm gần một nửa tổng số việc làm trong ngành năng lượng gió. Theo số liệu năm 2021, thế giới có 1,4 triệu việc làm trong ngành năng lượng gió, Trung Quốc chiếm 48%, tiếp theo là châu Âu (25%) và châu Mỹ (16%). Nơi đứng đầu về việc phát triển công nghệ và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng ngoài khơi là châu Âu với 4 nước thuộc khu vực này (dẫn đầu là Đan Mạch và Đức). 

Về năng lượng hydro, thế giới có xấp xỉ 2,3 triệu người làm việc trong lĩnh vực này và 2/3 số việc liên quan đến sản xuất. Hiện Trung Quốc và Ấn Độ cung cấp hơn một nửa số việc làm trong ngành năng lượng hydro toàn cầu. Cá biệt có Ethiopia đóng góp gần 2% việc làm trong lĩnh vực này, do có đập thủy điện lớn nhất châu Phi - Grand Ethiopian Renaissance. 

Cuối cùng, nhiên liệu sinh học dạng lỏng có thể được xem là thế mạnh của châu Mỹ Latinh, khi nơi này chiếm 44% tổng số việc làm trong ngành này. Trong đó, Brazil là nhà tuyển dụng lớn nhất, theo sau là châu Á (36%), với các quốc gia có số lượng lớn người lao động là Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Ethanol chiếm đa số trong sản lượng nhiên liệu sinh học trên thế giới, tiếp theo là dầu diesel sinh học và dầu thực vật được khử lưu huỳnh bằng hydro. Mỹ và Brazil là hai nhà sản xuất ethanol lớn nhất, còn Indonesia là nhà sản xuất dầu diesel sinh học lớn nhất.

Theo IRENA, về dài hạn, các quốc gia cần đầu tư trung bình 210 tỷ USD/năm vào năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và để phát triển công nghệ, cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, để góp phần hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Bảo Quân