Công an TP.HCM: Tháo gỡ vướng mắc phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp

Trong nước - Ngày đăng : 07:59, 14/04/2023

Trước nhiều phản ánh của doanh nghiệp về thực tế khó khăn, vướng mắc trong quy định  phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an TP.HCM đã có văn bản tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Công an TP.HCM: Tháo gỡ vướng mắc phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp

Theo đó, tại văn bản số 1678/CATP-PC07 của Công an TP.HCM do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo,  đã yêu cầu thủ trưởng Công an TP. Thủ Đức và 21 quận huyện triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

Một: Tại các cơ sở kinh doanh, các cơ sở karaoke, vũ trường phải đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn (tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt) đưa vào hoạt động thì không xem xét là cải tạo để thực hiện thẩm duyệt theo Nghị định 136/2020 và không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD. Sau khi khắc phục xong, cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động, chủ cơ sở cần báo cáo công an quận, huyện, TP.Thủ Đức kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

Hai: Với các cơ sở không thuộc đối tượng thẩm duyệt của Nghị định 35/2003, Nghị định 47/2012, Nghị định 79/2014 và Nghị định 36/2020 thì chủ cơ sở phải sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của công an quận, huyện và TP.Thủ Đức để bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Sau khi khắc phục cần báo cáo cho công an để kiểm tra kết quả khắc phục.

-3224-1681375501.jpg

PCCC đang là lĩnh vực được các ngành quan tâm hiện nay

Ba: Trong thẩm duyệt thiết kế về PCCC, các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh. Cơ quan chức năng không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, doanh nghiệp và vẫn bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC.

Bốn: Về giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC, không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy, mẫu cấu kiện ngăn cháy theo từng dự án, công trình. Các chủ đậu tư có thể tự do lựa chọn các phương tiện PCCC được nhà sản xuất công bố đã được thử nghiệm, kiểm định mẫu đạt chất lượng theo quy định.

Năm: Về kiểm định sơn chống cháy, với các dự án, công trình thi công sơn chống cháy đã được kiểm định cho công trình theo quy định tại Nghị định số 79/NĐ-CP thì chấp thuận để nghiệm thu về PCCC.

Sáu: Với các dự án, công trình đã thi công chống cháy nhưng chưa được kiểm định, có thể cho phép thi công bổ sung bằng lớp sơn chống cháy hoặc thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng, đã có kiểm định mẫu để bảo đảm giới hạn chịu lửa; sử dụng các giải pháp bổ sung, thay thế như các dự án, công trình chưa thực hiện thi công sơn chống cháy...

Đối với việc kiểm định cửa chống cháy, thạch cao chống cháy, kính chống cháy, mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường.

Được biết, sau vụ cháy ở Bình Dương hồi tháng 9/2022, quy định về an toàn phòng cháy được siết chặt hơn. Theo Nghị định 136 có hiệu lực từ đầu năm 2021 và các Thông tư hướng dẫn ban hành rải rác đầu năm 2022, danh mục dự án công trình phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC của DN cũng tăng hơn trước dẫn đến rất nhiều DN cho rằng quy định cứng nhắc về PCCC khiến họ không xây, sử dụng được nhà xưởng hoặc thậm chí phải đóng cửa.

Các DN cho rằng, trong sản xuất kinh doanh, an toàn là yêu cầu đặt lên hàng đầu, nhưng cũng phải tính đến lộ trình hợp lý, và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam như trong công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh nguy cơ mất an toàn vì cháy nổ, còn những nguy cơ khác hiển hiện ngay trước mắt là DN chậm tiến độ, công nhân mất việc, kinh tế thất thu, vì thế, rất cần các hướng dẫn kịp thời, cụ thể để DN có những bước đi từng bước hợp lý. 

Tâm An