Trò chơi truyền hình góp phần quảng bá du lịch
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 15/04/2023
Dòng gameshow mang nét riêng
Đang phát sóng trên HTV7 vào cuối tuần, Ước mơ bốn bể là nhà là chương trình truyền hình thực tế mong muốn quảng bá cảnh đẹp và những nét văn hóa độc đáo tại các địa phương trên khắp Việt Nam. Cụ thể, các thành viên tham gia Ước mơ bốn bể là nhà sẽ khám phá những vùng đất mới, đắm mình vào thiên nhiên xanh mát, hóa thân thành người dân bản địa để trải nghiệm các nghề truyền thống như đan gùi của dân tộc Mạ, hái chè, tìm hiểu nghề nuôi tằm... và thưởng thức các món đặc trưng của vùng, miền.
Vừa kết thúc mùa đầu tiên vào cuối tháng 2/2023 là gameshow 2 ngày 1 đêm với 6 nam nghệ sĩ nổi tiếng cùng trải qua những thử thách vui nhộn, trong đó lồng ghép thế mạnh du lịch của ba miền đất nước, như di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, ẩm thực đặc trưng. Hệ thống trò chơi, thử thách cũng được thiết kế để phát huy tính bản địa gắn liền với văn hóa của từng nơi mà các nghệ sĩ tham gia đi qua.
Hai gameshow này nối dài danh sách các chương trình truyền hình thực tế dạng trải nghiệm vừa giải trí, vừa gắn với quảng bá du lịch và ẩm thực Việt. Như Chạy đi chờ chi (Việt hóa từ Running man của Hàn Quốc) - chương trình thử thách vận động, dã ngoại nhưng khai thác góc quay là những điểm đến du lịch nổi tiếng, món ăn đặc sản vùng miền làm nên nét riêng. Vietnam why not - Đi Việt Nam đi với các đội chơi di chuyển đến những địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước và thực hiện các thử thách gắn với văn hóa bản địa. Chương trình này được sự phối hợp của Tổng cục Du lịch trong việc kích cầu du lịch nội địa. The Journey - Chuyến đi nhớ đời là cuộc tranh tài của ba đội chơi để hoàn thành hành trình với nhiều thử thách dựa trên đặc điểm địa lý, văn hóa bản xứ bằng ô tô qua 6 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam. Thực khách vui vẻ giúp khán giả biết thêm nhiều địa danh, những cảnh đẹp tiềm ẩn, món ngon đặc trưng, thói quen sinh hoạt, nuôi trồng... của nhiều địa phương. Muốn ăn phải lăn vào bếp cũng là chương trình thực tế về hành trình khám phá văn hóa ẩm thực các vùng miền đầy ắp bất ngờ, hài hước và kịch tính.
Đó là những gameshow ra đời gần đây, trước đây còn có nhiều gameshow dạng này như Ấn tượng Việt Nam, Cuộc đua kỳ thú (Amazing Race), 12 cá tính - Hành trình xuyên Việt, Bố ơi! Mình đi đâu thế, Khám phá Việt Nam, Lữ khách 24h....
Một cảnh trong gameshow The Journey - Chuyến đi nhớ đời |
Thu hút khán giả nhưng khó sản xuất
So với các dòng gameshow âm nhạc, hài hước, tìm kiếm tài năng, thì gameshow trải nghiệm gắn với quảng bá du lịch, ẩm thực không chiếm số lượng nhiều. Dù vậy, dòng gameshow này luôn được chào đón, bởi tạo cho người xem cảm giác thích thú, mới lạ giữa hàng loạt giải trí đơn thuần đã bão hòa. Chẳng hạn, Cuộc đua kỳ thú từng "chiếm sóng" vì không chỉ những màn ganh đua, vượt qua thử thách của thí sinh mà khán giả còn được du lịch qua màn ảnh nhỏ với vịnh Hạ Long, ghềnh Đá Dĩa, hồ Xuân Hương... cùng những nét đẹp trong đời sống văn hóa người Việt. Có nhiều tập được lên top 1 trending trên YouTube.
Gameshow 2 ngày 1 đêm thành công nhờ hội tụ đầy đủ yếu tố hài hước kết hợp với thử thách khám phá, vận động và những cảnh đẹp đất nước cùng thông điệp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Sở hữu dàn khách mời được khán giả yêu mến thử thách trong chương trình mang đậm bản sắc văn hóa Việt cùng những cảnh quay phô diễn vẻ đẹp của các danh thắng, mỗi tập Vietnam why not - Đi Việt Nam đi phát sóng trên YouTube đều thu hút từ 1,5 đến hơn 2 triệu lượt xem, góp phần lan tỏa hình ảnh văn hóa, đất nước, con người trên dải đất hình chữ S ra thế giới.
Gameshow giải trí vốn là loại hình thu hút người xem. Nắm bắt cơ hội ấy, một số quốc gia như Hàn Quốc đã đẩy mạnh quảng bá văn hóa, du lịch thông qua gameshow. Running man (phiên bản gốc của Chạy đi chờ chi) đã truyền bá văn hóa Hàn Quốc thông qua việc cho dàn khách mời mặc quốc phục Hanbok, giới thiệu văn hóa ẩm thực và ghi hình ở những địa điểm du lịch nổi tiếng. Vì thế mà nhiều khán giả nước ngoài quyết tâm du lịch Hàn Quốc sau khi xem gameshow của họ.
Việc một số nhà sản xuất ở Việt Nam chọn gameshow trải nghiệm kết hợp quảng bá du lịch nên được khuyến khích, ủng hộ. Chạy đi chờ chi, 2 ngày 1 đêm, Cuộc đua kỳ thú... có định dạng mua từ nước ngoài, nên yếu tố văn hóa, điểm đến, ẩm thực địa phương tạo nên nét riêng, hấp dẫn với phiên bản thuần Việt. Các gameshow này được đầu tư chuyên nghiệp cùng với dàn nghệ sĩ nổi tiếng tham gia là kênh quảng bá du lịch hiệu quả cho các địa phương.
Một cảnh trong gameshow 2 ngày 1 đêm |
Tuy tỷ lệ thành công về mặt khán giả rất lớn, nhưng để sản xuất gameshow trải nghiệm gắn với quảng bá du lịch, ẩm thực là không dễ. Chỉ riêng việc phải đi qua nhiều địa phương, trải nghiệm nhiều hoạt động bất kể ngày đêm đòi hỏi rất nhiều về lực lượng hậu kỳ, quay phim. Như The Journey - Chuyến đi nhớ đời đã phải huy động hơn 150 người với 50 chiếc xe, đi liên tục 17 ngày đêm qua 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, vì thế kinh phí sản xuất rất lớn. Là gameshow mang đến cho người xem nhiều điều thú vị, mới mẻ, sáng tạo, độc đáo, ở thời điểm chuẩn bị lên sóng mùa 1, nhà sản xuất đã có kế hoạch cho The Journey - Chuyến đi nhớ đời mùa 2, nhưng ở thời điểm này chưa có thông báo gì.
Từng đạt tỷ suất người xem cao và duy trì qua 7 mùa song sau mùa năm 2019, Cuộc đua kỳ thú không còn được sản xuất nữa. Vietnam why not - Đi Việt Nam đi (tập cuối mùa 1 kết thúc vào tháng 1/2021) cũng chưa hẹn ngày quay trở lại. Có lẽ do những khó khăn từ quá trình thực hiện, cộng với ảnh hưởng bởi Covid-19 và tình hình kinh tế chung, không tìm được đủ nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp nên những gameshow trải nghiệm gắn với quảng bá du lịch chưa được chú trọng sản xuất.
Dù vậy, hiệu ứng khán giả rất tốt dành cho Ước mơ bốn bể là nhà đang phát sóng cho thấy, nếu nhà sản xuất quyết tâm thì khó khăn nào cũng vượt qua.