Bớt ăn tiêu... bớt "cao siêu"

Du lịch - Ngày đăng : 04:00, 16/04/2023

Hàng ngàn công nhân mất việc. Báo chí nói đủ hết, nào là thiếu đơn hàng xuất khẩu, nào là biến động kinh tế thế giới.
Bớt ăn tiêu... bớt

Đô thị đáng sống như Đà Nẵng mà người thất nghiệp nhiều nhất trong 10 năm qua. Như vậy rất nhiều người đang phải thay đổi lối sống, chi tiêu gia đình, mua sắm.

Điều tra cho biết, 60% người lao động không có tiền tích lũy, thất nghiệp một tuần là đói. Hàng ngàn người làm mướn từ các đô thị lớn lại bỏ về quê, âm thầm, lặng lẽ, không chạy xe máy rầm rộ như dạo đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Dù Nhà nước và doanh nghiệp có biện pháp cứu trợ, nhưng nhiều người bảo nhau, bớt ăn tiêu, bớt... cao siêu. Phải lo chuyện sống thiết thực hơn. Doanh nghiệp người ta cũng tìm lối thoát, phát triển thị trường ngách, làm hàng giá thấp số lượng lớn...

TP.HCM những nơi sầm uất như quận 1 hay khu Phú Mỹ Hưng dán đầy quảng cáo cho thuê mặt bằng mà vắng người hỏi. Dân lao động không ít người rút bảo hiểm một lần cho sớm, cho lẹ.

Trong đời sống, người ta tự nhiên "soát lại" cung cách. Ngay cả bên Tây cũng khó vậy, như vụ sụp ngân hàng ở Mỹ, ở Thụy Sĩ, các nước giàu có lạm phát cao, Paris - thành phố "quyền lực nhất thế giới về du lịch" do có ăn ngon, gì cũng đẹp, thời trang cao cấp, nay đang ngập trong rác vì công nhân vệ sinh đình công... đó là chưa nói nỗi khổ đau nơi có chiến tranh.

Hãng Reuters còn đưa tin khảo sát toàn cầu cho thấy sự "sụp đổ mức lạc quan" về sự giàu do mất lòng tin. Sự "chi tiêu trả thù sau đại dịch" của du khách đã diễn ra không như kỳ vọng.

Đến các Big Tech - những gã khổng lồ công nghệ cũng bị cho là sẽ... "qua đời", nhường cho Low Tech - công nghệ thấp, đổi mới linh hoạt, tạo giá trị cao. Công nghệ được coi như "thánh thần" cũng không miễn nhiễm thất bại trước thế giới VUCA: biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity), mơ hồ (Ambiguity). 

Trong sinh hoạt, thói mua sắm bốc đồng đã giảm bớt. Không hiểu "những người chi tiêu xa xỉ nhất thế giới" mà báo Straits Times miêu tả dạo nào ở nước Hàn, giờ ra sao. Báo ấy viết rằng họ là những người "vì mua nhà thì quá đắt nên chi tiêu đồ hiệu". Đủ loại túi Chanel đi học, các mẹ trẻ thích trang sức Divas Dream, áo khoác Moncler hàng ngàn đô Mỹ...

Chi tiết trên hãng tin Mỹ CNN: 35% số người Nhật được hỏi trả lời rằng "không muốn đi du lịch nữa", dù hộ chiếu Nhật Bản "quyền lực nhất thế giới". Năm 2022, số người Nhật du lịch nước ngoài đã giảm 27 triệu. Họ thích ở nhà giải trí trực tuyến hơn, nhất là những người trước đây "đi vì rẻ”. Nghe tin này, các hãng du lịch và dịch vụ chắc lạnh người.

Thôi, không biết hết lối sống ở các nước giàu, chỉ biết nước mình và mình đang khó, bớt bớt cái ăn ngon, bớt bớt tiêu xài theo ý thích nhất thời, bớt bớt áo quần mới chưa mặc cứ treo mãi trong tủ vì vừa mua đã thấy không thích...

Phải sống thực tế hơn để nỗ lực vượt qua khó khăn. Chưa nói đến thất nghiệp, phải đi kiếm việc làm.

Số người thất nghiệp cho thấy thêm cả chất lượng lao động: người thôi việc chẳng cần bàn giao - vì có gì đâu, chỉ là lao động giản đơn, có nghỉ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nhà máy. Thế thì lại phải học thôi. 

Khó nhiều thứ, phải sống theo cách mới. Thử thách đến rồi. Người lao động thay đổi, Nhà nước thay đổi chính sách để giải quyết khó khăn. Doanh nhân đang thay đổi mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, trân quý những cái đơn giản, thân thiện môi trường vì người dùng đã ở mức đòi hỏi những thương hiệu có trách nhiệm. 

Quảng Yên