TP.HCM: 40% hồ sơ nộp phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy không đạt yêu cầu
Trong nước - Ngày đăng : 08:00, 17/04/2023
Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm - Trưởng phòng PCCC và CNCH Công an TP.HCM (PC07), vấn đề PCCC hiện đang được các cấp, các ngành và dư luận đặc biệt quan tâm. Các cơ quan quản lý Nhà nước đã ra nhiều văn bản để triển khai vấn đề này. Riêng ngày 11/4/2023 vừa qua, có 3 văn bản về lĩnh vực PCCC, đó là Văn bản 1397/BXD-KHCN của Bộ Xây dựng về ý kiến thống nhất một số nội dung hướng dẫn QCVN 06:2022/BXD; Văn bản 1091/C07-P3,4,7 về tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực PCCC; Văn bản 1678/CATP-PC07 của CATP về triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC.
Ông Tâm cũng cho biết, hiện tại, có 981 doanh nghiệp (DN), cơ sở đang hoạt động về tư vấn, thiết kế, thi công, kinh doanh trong lĩnh vực PCCC, nhưng chỉ có 267 DN đủ điều kiện (chiếm 27,22%), còn lại 663 cơ sở không đủ điều kiện (chiếm tỷ lệ 67,58%). Trong đó, không đảm bảo điều kiện của người đứng đầu là 262 cơ sở, không đảm bảo điều kiện về nhân sự là 600 cơ sở, không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất là 35 cơ sở. Ngoài ra, còn có 51 cơ sở không hoạt động (chiếm 5,2%).
Thời gian qua, trong số các hồ sơ nộp để phê duyệt thiết kế PCCC, có đến 40% hồ sơ nộp lần đầu thiết kế không đạt yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn khiến cơ quan Cảnh sát PCCC phải hướng dẫn chủ đầu tư khắc phục. Nguyên nhân tập trung chủ yếu vào 4 lý do:
Thứ nhất, do năng lực thiết kế của chủ đầu tư (CĐT) và đơn vị tư vấn thiết kế còn hạn chế, chưa kịp thời cập nhật các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, cách hiểu và vận dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa đúng.
Thứ hai, CĐT phó mặc trách nhiệm, uỷ quyền hoặc thậm chí “khoán trắng” cho các đơn vị tư vấn thiết kế.
Thứ ba, việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Công an về thiết kế bổ sung các hệ thống PCCC, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mất thêm thời gian để sửa hồ sơ thiết kế.
Thứ tư, tình trạng CĐT, đơn vị tư vấn thiết kế vẫn tư tưởng “xin cho phép áp dụng một số giải pháp thay thế nhằm mục đích giảm chi phí khi thi công”.
Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Tâm, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp về, đó là áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thời điểm chuyển tiếp; tính toán thiết kế kết cấu chịu lửa; giải pháp ngăn cháy; giải pháp thoát nạn; trang bị phương tiện PCCC; giải pháp chống tụ khói.
Ông Tâm cũng cho biết thêm, PC07 đã lập tổ tham mưu ban giám đốc Công an TP.HCM hướng dẫn người dân, chủ cơ sở karaoke, vũ trường... tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn. Tổ tham mưu gồm có 8 thành viên, sẽ tiếp nhận thông tin, giải đáp thắc mắc của người dân bằng 2 cách.
Thứ nhât, người dân, DN liên hệ trực tiếp tại bộ phận một cửa giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở số 254-258 Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Hoặc tổ công tác phòng PC07 sẽ xuống cơ sở hướng dẫn trực tiếp các nội dung thực hiện.
Thứ hai, người dân, DN gọi điện qua số điện thoại đường dây nóng: 0693.187.183 và 0789.258.114 (ngoài giờ hành chính), hoặc gửi email qua địa chỉ: pccc.ca@tphcm.gov.vn.
Ông Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng phòng PCCC và CNCH Công an TP.HCM chia sẻ tại Hội nghị |
Ông Huỳnh Ngọc Quan - Phó trưởng phòng PC07 nêu quan điểm, thời gian qua, dư luận bức xúc quá nhiều với vấn đề PCCC, vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước phải đồng hành, cùng DN tháo gỡ khó khăn, không thể thờ ơ nhìn các DN phải đóng cửa vì vướng ở khâu PCCC.
“Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC giúp đảm bảo an toàn cho con người và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải để kéo nền kinh tế đi xuống. Từ năm 2020 đến giờ, hàng loạt các văn bản, quy chuẩn ra đời làm thay đổi các yêu cầu về PCCC, nhiều quy chuẩn chúng tôi còn không theo kịp, chưa kịp đọc đã thay đổi. Vì thế, hôm nay hội nghị sẽ giúp giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho DN về PCCC”, ông Quan nhấn mạnh.
Ông Quan nói thêm, theo báo cáo, số lượng công trình được thẩm duyệt đạt tiêu chuẩn PCCC ở TP.HCM hiện tại rất ít, chưa đến 50% hồ sơ nộp vào. Có những hồ sơ 5 lần nộp đều trả về vì không đạt tiêu chuẩn. Nguyên nhân chính của các hồ sơ bị trả về là do đội ngũ tư vấn thiết kế yếu, chưa cập nhật những quy định mới về PCCC. Đặc biệt, theo quy định, việc điều chỉnh thiết kế chỉ được 1 lần, chứ không được 2 lần, vì thế, các đơn vị tư vấn phải hết sức cẩn trọng.
“Trong thời gian tới, quy định về PCCC sẽ có nhiều thay đổi. Chúng tôi đang đề xuất lên Bộ Công an, cơ quan PCCC sẽ chỉ làm những gì liên quan đến PCCC, còn quy định về đất, kết cấu công trình thì thuộc Bộ Xây dựng. Được biết, hiện tại đã có Hiệp hội PCCC và CNCH Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, những gì còn vướng mắc của các DN trong lĩnh vực PCCC sẽ được Hiệp hội lên tiếng phản ánh để tháo gỡ khó khăn, giúp DN ổn định và phát triển”, ông Quan chia sẻ.
Tại hội nghị, đại diện PC07 cũng giải đáp các thắc mắc của các DN trong lĩnh vực PCCC. Trong đó, các thắc mắc tập trung về việc áp dụng quy định 06 hiện hành theo hướng có lợi cho người dân và DN, về các công trình đã được thẩm định PCCC, công tác thẩm duyệt hồ sơ về PCCC, việc nghiệm thu công trình đạt tiêu chuẩn PCCC.
“Những câu hỏi nào chưa thể trả lời tại đây, chúng tôi sẽ gửi văn bản trả lời đến các DN hoặc chia sẻ trên website để DN biết cách tháo gỡ”, đại diện PC07 cho biết.