Việt Nam cần có nhanh chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu
Pháp luật - Ngày đăng : 03:12, 19/04/2023
Tháng 10/2021, 136 quốc gia đã đồng ý với đề xuất cải cách hệ thống thuế toàn cầu gồm hai trụ cột của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), dự kiến sẽ có hiệu lực năm 2024. Trụ cột thứ nhất của cải cách là phân bổ lại quyền của các chính phủ trong việc đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số dựa trên nơi tạo ra doanh thu dù họ có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không.
Thuế tối thiểu toàn cầu là trụ cột thứ hai, áp dụng thuế suất 15% đối với những doanh nghiệp (DN) đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro (tương đương 815 triệu USD) và có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng doanh thu từ 10% trở lên. Nếu các DN thuộc diện này được hưởng mức thuế suất thấp hơn 15% tại quốc gia đang đầu tư, thì họ sẽ phải nộp phần thiếu hụt còn lại cho quốc gia mà họ có trụ sở chính để đủ mức 15%, quốc gia nơi DN đầu tư mà không thu đủ thuế suất 15% thì DN phải nộp phần chênh lệch về quốc gia của họ.
Thuế suất tối thiểu toàn cầu đang tác động có xu hướng làm xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia, cũng như thay đổi chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước. Xu hướng này không chỉ đặt ra những yêu cầu thích ứng mới đối với DN, mà còn đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời, chủ động xây dựng chủ trương, chính sách để ứng phó, có lộ trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế suất tối thiểu toàn cầu và truyền thông đến cộng đồng DN, nhất là đối với khối DN Việt Nam nhận đầu tư từ nước ngoài và số ít doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư ở nước ngoài.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Hồng Minh Phương - Giám đốc đối ngoại, Tập đoàn Đầu tư và quản lý V-startup, cho biết: "Thuế suất tối thiểu toàn cầu đang tác động đến các tập đoàn đối tác quốc tế của V-startup, theo đó, một số thỏa thuận hợp tác của V-startup với các đối tác quốc tế đang bị tạm dừng để họ chờ đợi phản ứng của Chính phủ Việt Nam. V-startup đã tìm đến các chuyên gia về thuế để đề xuất với Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách ưu đãi thuế hợp lý đối với các DN không thuộc đối tượng của thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu".
Theo bà Bùi Thanh - Hội đồng Nghiên cứu chính sách và phát triển thương hiệu Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu ảnh hưởng đến quốc gia và DN, có thể làm thay đổi cách thức hợp tác của các DN trong nước và các đối tác quốc tế, các doanh nhân trẻ sẽ chú trọng đầu tư, nâng cao nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phối hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu doanh nhân cho các cơ quan chủ trì xây dựng pháp luật, cần được có thêm thông tin về chủ trương, chính sách của quốc gia để chủ động ứng phó và thay đổi chính sách kinh doanh. Bà Thanh cho biết, hiện tại thông tin về chủ trương, chính sách doanh nhân nhận được không dễ dàng, quá vĩ mô thông qua truyền thông hoặc tìm cách tiếp cận riêng với các bộ, ngành nhưng không được đầy đủ.
Ông Nguyễn Đăng Triều Thiên - CEO Mạng lưới chuyên gia toàn cầu Vietnam Startup Ecosystem, cho rằng, xu hướng thuế suất tối thiểu toàn cầu có thể tác động khó khǎn cho Việt Nam thu hút các DN vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng của những nhà đầu tư lớn thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế 10% trong 15 năm, đây là những DN đóng góp cho sự phát triển công nghiệp tại Việt Nam. Mức thuế suất tối thiểu toàn cầu cũng sẽ tạo rào cản đối với Việt Nam trong khuyến khích phát triển các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là đầu tư xanh theo các cam kết COP 26. Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng, đó chỉ là một số ít tác động bất lợi, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, thỏa thuận thuế suất tối thiểu toàn cầu đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận, thì Việt Nam cũng nên nhanh chóng thúc đẩy để bắt kịp, kết nối với chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, cho biết, hiện có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam (tổng cộng gần 35.000 dự án), trong đó Hàn Quốc dẫn đầu, tiếp đến Singapore, Nhật Bản... Theo bà Cúc, đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc, ngày 23/12/2022 vừa qua, Quốc hội nước này đã thông qua Luật Điều chỉnh thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024. Nếu Việt Nam không ban hành thuế tối thiểu toàn cầu, vẫn để ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như hiện hành, thì các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư ở Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% sẽ nộp bổ sung phần chênh lệch thuế suất thấp hơn 15% Việt Nam không thu về Hàn Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện sớm thuế suất tối thiểu toàn cầu, đồng thời điều chỉnh các chính sách ưu đãi khác cho thích hợp để vừa đảm bảo được quyền đánh thuế, nhưng cũng vẫn đảm bảo được sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, ít tác động nhất đến các DN đầu tư nước ngoài đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển khuyến nghị: "Việt Nam cần đẩy nhanh truyền thông chính sách, thúc đẩy nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng khoa học và doanh nhân về thực tế thuế suất tối thiểu toàn cầu trong bối cảnh mỗi ngày lại có thêm quốc gia áp dụng. Các chính sách ứng phó với tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu cần được xây dựng cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tranh thủ hỗ trợ tư vấn của OECD và các quốc gia, khu vực, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, DN đầu tư nước ngoài thông qua các diễn đàn đối thoại, hội thảo khoa học, truyền thông chính sách, xây dựng pháp luật về thuế suất tối thiểu toàn cầu và các quy định về thuế có liên quan.
Theo bà Nga, Việt Nam cần xây dựng đề án về thuế suất tối thiểu toàn cầu ngay trong quý II/2023; đánh giá chủ trương, chính sách và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nội luật áp dụng cơ chế thuế tối thiểu đạt tiêu chuẩn để giành quyền thu thuế, có thể bắt đầu thí điểm từ tháng 11/2023, mở rộng hơn tháng 12/2023 và thông báo chính thức chủ trương áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu vào 1/1/2024.