Kết nối hợp tác với Áo lĩnh vực hạ tầng đô thị thông minh

Trong nước - Ngày đăng : 05:33, 19/04/2023

Tại Diễn đàn hợp tác Áo - Việt Nam về cơ sở hạ tầng, công nghệ do Đại sứ quán Áo tại Việt Nam và Phòng Kinh tế Liên bang Áo, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức chiều ngày 17/4/2023 tại Hà Nội, đại diện Bộ Xây dựng đã kêu gọi các doanh nghiệp Áo hợp tác phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh tại Việt Nam.
Kết nối hợp tác với Áo lĩnh vực hạ tầng đô thị thông minh

Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Việt Nam tiếp tục xem phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phải phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng số, khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, công trình xanh, hạ tầng kỹ thuật xanh…

Theo TS. Trần Hoài Anh - Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Việt Nam hiện có 888 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM. Đô thị hóa nhanh, cùng với tăng trưởng kinh tế đã kéo theo những bất cập về hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đồng bộ, chưa thích ứng được với biến đổi khí hậu, chưa giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…

-1509-1681949101.jpg

Mô phỏng về một số hạ tầng kỹ thuật thành phố thông minh

Trong chiến lược phát triển đến 2030 và tầm nhìn 2045, chúng ta đã định hướng phát triển các đô thị thông minh, bền vững. Để xây dựng, vận hành một đô thị thông minh, cần phát triển các hệ thống giao thông, cấp thoát nước, chiếu sáng, thu gom và xử lý rác thải thông minh.

Trên thực tế, hệ thống giao thông thông minh đã bước đầu được ứng dụng công nghệ ITS tại TP.HCM; chiếu sáng thông minh dựa trên nền tảng công nghệ số, giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ quản lý cũng bước đầu được áp dụng ở Hà Nội với hệ thống quản lý chiếu sáng công cộng GIS; hoạt động thu gom và xử lý chất thải thông minh cũng đã được áp dụng theo công nghệ IoT tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Vũng Tàu…

Tuy nhiên, các cấu phần hạ tầng đô thị thông minh tại Việt Nam phát triển, có thể nói mới chỉ là những bước sơ khai. Muốn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, bền vững, theo TS. Trần Hoài Anh, cần phải rà soát lại và hoàn thiện thể chế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này; cần xây dựng bản đồ số về quy hoạch, về hạ tầng kỹ thuật đô thị, tích hợp toàn diện dữ liệu về cơ sở hạ tầng hiện có; lồng ghép quy hoạch, công tác quản lý, vận hành, giám sát, quan trắc, thông tin, quy trình vận hành, điều khiển thiết bị… trên cùng một hệ thống; áp dụng mô hình công trình BIM trong thiết kế công trình hạ tầng nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng tính minh bạch, thuận lợi cho quản lý và giám sát chất lượng; cung cấp rộng rãi các nền tảng tiện ích cho người dân đô thị, tập huấn cho người dân tiếp cận với các hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh. Giải quyết các bài toán này, nếu chỉ dựa vào các nguồn lực trong nước sẽ rất khó khăn, cần có sự hợp tác từ bên ngoài về công nghệ, đầu tư, tham khảo các kinh nghiệm thành công trên thế giới. 

Theo ông Trần Hoài Anh, Áo là một đối tác quan trọng của Việt Nam tại EU, rất có thế mạnh về hạ tầng và công nghệ. Cần tăng cường kết nối, hợp tác với Áo trong việc hỗ trợ xây dựng thể chế, chính sách về hạ tầng đô thị thông minh; hợp tác đầu tư, chuyển giao các công nghệ về hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh; nghiên cứu xây dựng hạ tầng đô thị thông minh tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông minh xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tại các đô thị Việt Nam.

-5696-1681742031.jpg

Doanh nghiệp Áo và Việt Nam ký kết hợp tác tại diễn đàn

Đại diện phía Áo tham dự diễn đàn, ông Philipp Gady - Phó chủ tịch Phòng Kinh tế Liên bang Áo cho biết, Áo có những doanh nghiệp lớn, có thế mạnh hàng đầu thế giới về công nghệ, về phát triển hạ tầng kỹ thuật. Các doanh nghiệp Áo tham dự diễn đàn đều là doanh nghiệp hàng đầu của Áo trong các lĩnh vực năng lượng (thủy điện), hạ tầng thông minh, xây dựng, quy hoạch, bất động sản, chiếu sáng đô thị, hàng không, quản lý giao thông thông minh… mong muốn, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam. Cùng với quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế… giữa hai nước ngày càng phát triển được thúc đẩy bởi EVFTA, đó là những động lực cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, khai thác các tiềm năng của Việt Nam, qua đó góp phần giải quyết các thách thức từ quá trình phát triển đang đặt ra với Việt Nam, bao gồm phát triển lĩnh vực đô thị thông minh, bền vững.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó chủ tịch VCCI cũng cho rằng, Áo là một đối tác của Việt Nam tại EU rất có thế mạnh về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, đây là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu phát triển cao. Đại dịch Covid-19 đã được thế giới và Việt Nam kiểm soát tốt, các doanh nghiệp của Áo và Việt Nam cần tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác với nhau. 

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, hiện VCCI có gần 200.000 doanh nghiệp và gần 200 hiệp hội doanh nghiệp là thành viên, hằng năm tổ chức hàng trăm hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hợp tác đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng và sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Áo và Việt Nam kết nối và hợp tác, trong đó có lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị thông minh.

Lan Ngọc