Doanh nhân Hoàng Tăng Bí: Cổ động duy tân, mở mang công thương (Kỳ 1)
Chân dung - Ngày đăng : 06:00, 21/04/2023
Kỳ 1: Người sáng lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Hoàng Tăng Bí, tự là Nguyên Phu, hiệu là Tiểu Mai, sinh năm 1883 tại làng Đông Ngạc, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, thủ đô Hà Nội). Hoàng Tăng Bí là thế hệ thứ năm của gia tộc họ Hoàng ở làng Đông Ngạc, nổi tiếng có truyền thống hiếu học và có nhiều người đỗ đại khoa, làm quan to triều Tây Sơn và triều Nguyễn.
Hoàng Tăng Bí được thừa hưởng nền tinh hoa Nho, tinh thần hiếu học và lòng yêu nước từ nhỏ. Cụ Bí kết hôn với bà Cao Thị Thuyên, là con gái Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục - một viên đại thần của triều đình Huế. Hai ông bà có 4 người con là Hoàng Minh Bàn, Hoàng Minh Giám, Hoàng Luyện Thiết và Hoàng Dụng Huyên. Trong đó, GS. Hoàng Minh Giám về sau trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1906, cụ Hoàng Tăng Bí đỗ cử nhân với vị trí á nguyên tại Trường thi Hà Nam ở tuổi 22 trong một cuộc thi có 6.121 người tham dự.
Thời điểm Hoàng Tăng Bí bắt đầu con đường khoa cử là lúc đất nước đã đánh mất quyền độc lập, trở thành một nước thuộc địa dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Nhiều nhà Nho như Hoàng Tăng Bí đã dần từ bỏ lối suy nghĩ Nho học mà tiếp thu tư tưởng canh tân, tiến bộ từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam nhằm mưu đường cách mạng, thức tỉnh dân trí, chấn hưng dân khí, khôi phục nền độc lập và sức mạnh cho nước Việt Nam.
Hoàng Tăng Bí đã sớm ý thức được tầm quan trọng của con đường duy tân để đưa đất nước thoát khỏi sự cai trị của thực dân Pháp. Sau kỳ thi năm 1906, dù đỗ á nguyên nhưng cụ không ra làm quan mà tham gia phong trào Duy Tân, đi nhiều nơi diễn thuyết, hô hào duy tân để thức tỉnh giới Nho sĩ và nhân dân.
Năm 1907, Hoàng Tăng Bí cùng nhiều sĩ phu cùng chí hướng như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Dương Bá Trạc, Vũ Hoành, Nguyễn Hữu Cầu... thành lập trường tư thục đầu tiên của Việt Nam với tên gọi là Đông Kinh Nghĩa Thục tại số 4, phố Hàng Đào, Hà Nội. Trường được phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa Thục do chí sĩ Nhật Bản là Phúc Trạch Dụ (Fukazawa) mở tại Nhật Bản và từng được Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đến tham quan trong các năm 1905 và 1906.
Các sĩ phu của Đông Kinh Nghĩa Thục (Nguồn: Thư viện lịch sử) |
Mục tiêu thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục là khai mở dân trí cho dân, mở lớp dạy học không lấy tiền, tổ chức diễn thuyết, bồi dưỡng ý chí tự lập, tự cường dân tộc, duy tân, tiến thủ, truyền bá nền tư tưởng học thuật mới, nếp sống văn minh, tiến bộ, cải tổ giáo dục theo Tây phương tới người dân. Trường do cụ Lương Văn Can làm hiệu trưởng, Nguyễn Quyền làm giám học và tổ chức thành các ban Trước tác, Giáo dục, Tài chính, Cổ động. Cụ Hoàng Tăng Bí tham gia Ban Giáo dục, dạy Hán văn và tham gia Ban Cổ động.
Mặc dù do các sĩ phu theo lối Nho học thành lập, Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương từ bỏ lối học khoa cử, tập trung vào thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, tiếng Pháp và Hán văn. Về tài chính, hội viên tự ý góp bao nhiêu cũng được và quyên thêm ở những chỗ quen, hảo tâm. Tiền hiệu trưởng quản chi, nhưng sổ sách do Nguyễn Quyền giữ. Ban đầu, nhóm sĩ phu Đông Kinh Nghĩa Thục có ý định sẽ lập một trường tại Hà Nội, sau đó sẽ phát triển ra các tỉnh. Đến khi chọn địa điểm, do tài chính còn eo hẹp, Lương Văn Can đề nghị lấy nhà mình (số 4 Hàng Đào) làm cơ sở ban đầu, vì nhà có một cái gác tẩu mã, chứa được vài trăm học sinh, mặc dù dưới đất đang là cửa hàng kinh doanh tơ lụa của vợ ông.
Dự định khi học sinh đông hơn, sẽ mướn nhà số 10 ở bên cạnh. Nhà này còn rộng hơn nhà cụ Can, vốn là của ông Hương cống Sùng - một phú gia bậc nhất đất Hà thành, đã bán lại cho ông Phạm Lẫm và đang rất trống vì ông Lẫm đi làm bố chánh ở Vĩnh Lại, Hưng Hóa. Nhà này ăn thông từ Hàng Đào sang Hàng Quạt, dài trên 50m, có chỗ rộng hơn 30m, cũng có gác tẩu mã và hoa viên. Về sau trường đã thuê được địa điểm này để phát triển theo kế hoạch cả nhóm đã đề ra.
Hai người đảm nhiệm việc lập các thủ tục xin phép lập trường tại phủ Thống sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn.
Một điểm đặc biệt của Đông Kinh Nghĩa Thục là trường chủ trương đưa môn kinh tế vào chương trình giảng dạy cho học viên, trước tiên là công thương, kỹ nghệ của nước ngoài. Sách Quốc dân độc bản - một tài liệu giáo khoa quan trọng của trường, có 79 bài thì có 24 bài (từ bài 56-79) đề cập trực tiếp đến các vấn đề thuộc về kinh tế, kỹ nghệ. Cho đến nay chưa biết được các soạn giả đã tham khảo nguồn tài liệu nào để viết về các vấn đề kinh tế học. Có thể họ tham khảo từ các sách Tân văn, Tân thư và Tân báo (từ Trung Quốc, Nhật Bản), các sách báo kinh tế của người Pháp và từ chính các vấn đề kinh tế nổi cộm đang diễn ra ở Việt Nam lúc đó. Trong các luận điểm về kinh tế mà các soạn giả nêu ra, khá nhiều dẫn chứng từ các nước Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Đội ngũ giảng viên của trường cũng rất nhiệt tâm dạy chữ quốc ngữ, xóa nạn mù chữ cho người dân từ thôn quê đến thành thị, vì thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, Đông Kinh Nghĩa Thục đã mở thêm 4 phân hiệu ở Hà Đông và Sơn Tây. Theo Lý Tùng Hiếu trong sách Lương Văn Can và phong trào Đông Du thì "riêng phân hiệu ở quê hương Chèm Vẽ của Hoàng Tăng Bí trực chỉ đạo và do tú tài Nguyễn Hữu Tiến, thủ khoa Nguyễn Châu Đỉnh, hai anh em Phan Tuấn Phong, Phan Trọng Kiên tổ chức".
Không chỉ chịu trách nhiệm giảng dạy tại phân hiệu Chèm Vẽ, Hà Đông, cụ Hoàng Tăng Bí còn cùng với Phan Châu Trinh, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc tham gia diễn thuyết, cổ động cho tư tưởng duy tân, học vấn đi đôi thực nghiệp, kinh doanh, mở mang công thương - lấy chữ tín làm đầu, làm cho dân giàu nước mạnh. Từ những buổi diễn thuyết do Đông Kinh Nghĩa Thục phát động, các diễn giả như Phan Châu Trinh, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc rất được công chúng hâm mộ và nổi tiếng về tài diễn thuyết. Vì vậy, đương thời có lưu truyền câu thơ khuyết danh như sau: "Buổi diễn thuyết người đông như hội/ Kỳ bình văn khách đến như mưa". Các ông cũng đưa những bài văn thơ đăng trên Đăng cổ tùng báo và Đại Việt Tân báo là cơ quan ngôn luận của trường.