Doanh nghiệp dệt may tìm lối ra
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 07:00, 25/04/2023
Ngành dệt may đang đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng và giá bán đều sụt giảm mạnh. Các đơn hàng DN nhận được chủ yếu nhỏ lẻ, đơn giá thấp, nhiều DN thậm chí còn phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì hoạt động.
Sự sụt giảm đã khiến ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS trong cuộc họp sơ kết quý I/2023 của 20 hiệp hội DN các ngành kinh tế phải thốt lên là chưa bao giờ trong suốt mấy chục năm qua, ngành may mặc xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn và chịu áp lực lớn như bây giờ. Đơn hàng giảm từ quý III rồi đến quý IV/2022, tiếp tục luôn quý I/2023 và còn đang trớn giảm tiếp. Hiện đơn hàng cho tháng 6, tháng 7 vẫn chưa có. "Sắp tới đây, muốn bán được hàng, chất lượng phải dẫn đầu, giá phải giảm và phải tuân thủ xanh hóa đúng chuẩn phát triển bền vững", ông Giang nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc các nhà máy tuân thủ sản xuất bền vững không chỉ gia tăng đơn hàng mà còn hoạt động hiệu quả hơn, tiết kiệm được chi phí hơn nữa nhờ giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm nước... Đơn cử, Công ty CP Kết nối Thời trang Faslink đã ứng dụng công nghệ và sử dụng bã cà phê để làm ra áo sơ mi, áo thun, vớ... Đến năm 2022, công ty đã bán được 3 triệu áo sơ mi, áo polo làm từ sợi cà phê. Công ty cũng mở rộng và phát triển bền vững, chuyển mình từ đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất thuần công (CMT) sang FOB và ODM cho các DN thời trang Việt Nam và quốc tế. Trong đó, yếu tố ứng dụng công nghệ giúp DN năng suất.
Ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty CP Mibrand Việt Nam cho biết, châu Âu đang lần lượt đưa ra những điều luật nghiêm ngặt về sản xuất xanh, vận tải xanh đối với các sản phẩm nhập khẩu vào châu Âu và từ khóa "xanh" sẽ sớm trở thành rào cản kỹ thuật với mọi công ty muốn kiếm tiền từ thị trường này. Vì vậy, các DN phải bắt kịp xu thế quốc tế, xây dựng "thương hiệu xanh" quanh những giá trị cốt lõi của phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, áp dụng công nghệ nhằm giảm thiểu phát thải CO2.
Đối phó với bối cảnh thị trường hiện nay, các DN tập trung định vị lại sản phẩm, thị trường, công nghệ, mô hình sản xuất và tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư mới. Về lâu dài, theo ông Vũ Đức Giang, ngành dệt may vẫn còn dư địa tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường quốc tế. Bởi lẽ, trong hai năm tới, nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, ưu đãi thuế quan giảm dần về bằng 0 là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra với các DN là phải phát triển bền vững và "xanh hóa" trong sản xuất, đảm bảo an toàn, ít tác động xấu đến môi trường. Muốn vậy, phải tạo được liên kết chuỗi, trong đó các ngành hàng hỗ trợ mua bán sản phẩm lẫn nhau.
Ngoài ra, để phát triển theo hướng "xanh hóa", DN cần nguồn vốn đầu tư, trong khi qua thời gian khó khăn DN gần như cạn kiệt nguồn tiền. Vì vậy, DN đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất vay cũng như tạo thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và người lao động, phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, đơn hàng mới cho DN...