TP.HCM: Công nghiệp là ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế
Trong nước - Ngày đăng : 09:33, 27/04/2023
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia đã tập trung phân tích những nút thắt mà ngành công nghiệp thành phố đang gặp phải. Cụ thể, quỹ đất sạch cho phát triển công nghiệp còn thấp, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt những dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Tỷ lệ DN ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất còn thấp, chỉ 5,4% DN thuộc khu vực công nghiệp - xây dựng đang áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào sản xuất; 1,1% DN sử dụng robot; 2,2% DN sử dụng in 3D; 0,5% DN sử dụng công nghệ thực tế tăng cường vào sản xuất…
TP.HCM là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước. Trong những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của thành phố đang chịu sức ép quá tải nhưng nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của thành phố giai đoạn 2016-2020 ước khoảng gần 1.830.000 tỷ đồng, song thực tế khả năng ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Điều này khiến cho tình trạng kẹt xe, ngập nước, các dự án xây dựng hạ tầng thành phố thông minh cũng gặp nhiều trở ngại, tiến độ thực hiện đầu tư chậm, gây ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phát triển ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế thành phố nói chung.
Tuy nhiên, sự tích cực được các chuyên gia đánh giá rất cao là nội tại phát triển công nghiệp của thành phố có tiềm năng rất lớn. Bởi công nghiệp TP.HCM tập trung phần lớn DN có vốn đầu tư trong nước, chiếm tỷ trọng lớn hơn khu vực đầu tư nước ngoài trong cơ cấu doanh thu ngành công nghiệp. Điều này giúp ngành công nghiệp thành phố hạn chế sự phụ thuộc lớn vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi hoạt động sản xuất.
Tại hội thảo, các chuyên chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến, để tạo đà tăng trưởng trở lại cho ngành công nghiệp, thành phố cần phải kiến tạo lại không gian mới cho công nghiệp phát triển. Thành phố cần xác định mục tiêu phát triển là các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, trung tâm tài chính quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, chuỗi công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo…
Bên cạnh đó, thành phố tập trung đầu tư, thúc đẩy kết nối hạ tầng với các tỉnh khu vực Đông Nam bộ, ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, logistics, kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối hạ tầng công nghiệp, kết nối về môi trường... Cần kết nối hệ thống giao thông thành phố với tuyến đường sắt vận tải hàng hóa và cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, các tuyến đường bộ cao tốc; phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài – TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á sẽ tạo động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ cho thành phố cũng như cho cả khu vực.
Song song đó, thành phố nên xác định đảm nhận khâu nghiên cứu giải pháp công nghệ, thiết kế, sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ công nghệ cao để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lắp ráp sản phẩm đầu cuối và phân phối. Cùng với đó, xây dựng các cụm ngành công nghiệp mở theo hướng liên kết vùng, đảm bảo tính kết nối hiệu quả giữa các DN sản xuất sản phẩm chủ lực của thành phố với DN vệ tinh ở các tỉnh lân cận, nhằm tạo sự lan tỏa công nghệ từ DN thành phố đến các DN vệ tinh.
Mặt khác, mạnh dạn thúc đẩy di dời DN hoạt động sản xuất không phù hợp với định hướng phát triển để tạo thêm không gian mới cho lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh quỹ đất của thành phố ngày càng hạn hẹp. Riêng với DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, cần hướng đến năng lực cạnh tranh toàn cầu, thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ, luôn cập nhật những phát minh sáng chế.
Một vấn đề đáng chú ý khác được hiến kế tại hội thảo là thành phố cần xây dựng và chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) theo hướng công nghiệp sinh thái. Trong đó, đơn vị đầu tư hạ tầng cũng như DN hoạt động sản xuất phải đảm bảo các yếu tố bảo vệ môi trường và cộng sinh công nghiệp, giảm thiểu nguyên liệu sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn, đạt kết quả tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu và giảm phát thải ra môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, DN cho sự phát triển chung của thành phố. Ông Hoan cho biết, định hướng của thành phố vẫn khẳng định, công nghiệp là ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố bởi đây chính là bệ đỡ vững chắc phát triển của thành phố.
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, thành phố sẽ có các chính sách hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi các KCN đã lạc hậu, tạo quỹ đất, xây dựng thêm các KCN theo hướng KCN sinh thái, hướng DN sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Và quan trọng hơn, sự chuyển đổi này sẽ được bắt đầu từ những thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, trong cộng đồng DN và người dân thành phố.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển công nghiệp của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đang tập trung vào một số nhóm nội dung chiến lược: hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; phát triển quỹ đất công nghiệp; hỗ trợ vốn và thu hút đầu tư; hỗ trợ phát triển công nghệ, khoa học, kỹ thuật; phát triển thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; liên kết vùng; phối hợp đề xuất cơ chế chính sách phát triển công nghiệp. |