Nền kinh tế toàn cầu ngày càng “khó đoán”
Quốc tế - Ngày đăng : 01:00, 27/04/2023
Xu hướng xuống dốc
Với bức tranh vào đầu thế kỷ XVI, Leonardo Da Vinci đã sử dụng kỹ thuật làm mờ sfumato để tạo nên hiệu ứng bí hiểm xung quanh nụ cười của nàng Mona Lisa. Trong khi đó, "bức tranh kinh tế thế giới" sau khi Covid-19 bị đẩy lui với các dự báo liên tục được cập nhật cũng trở nên "bí hiểm" bởi ba lý do, theo The Economist - tuần báo thành lập từ năm 1843.
Sau sự hỗn loạn trong ngành ngân hàng vừa qua, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ có "cú tiếp đất khẩn cấp" hay "hạ cánh cứng" - thuật ngữ chỉ sự chậm lại hoặc xu hướng xuống dốc rõ rệt của nền kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng nhanh. Trước đó, ý kiến của đa số chuyên gia kinh tế vào cuối năm ngoái là một cuộc suy thoái nhẹ nhất định sẽ đến.
Từ khóa "không chắc chắn" cũng xuất hiện hơn 60 lần trong báo cáo triển vọng toàn cầu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gấp đôi so với báo cáo tháng 4 và tháng 10 năm ngoái. Năm 2022, biên độ kỳ vọng của giới phân tích với tăng trưởng GDP hằng quý của Mỹ gấp đôi so với cách đó ba năm. Tại cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng trước, Chủ tịch Christine Lagarde đã thừa nhận "không thể xác định con đường phía trước sẽ ra sao vào lúc này".
Theo The Economist, giới phân tích đang chật vật để có cái nhìn rõ ràng về bức tranh của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, dù bản thân họ đã cập nhật những ước tính về mọi thứ, từ GDP cho đến dữ liệu việc làm. Tuy nhiên, điều gì đó đã thay đổi và cả thế giới dường như chỉ đơn giản là đang trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Từ cuối tháng 2/2022, chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ đã và đang gây ra cú sốc lạm phát nghiêm trọng, đẩy giá cả tăng cao trong khi nguồn cung năng lượng bị đe dọa, cũng như siết chặt chi tiêu của hộ gia đình khi các mặt hàng thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn. Với cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu trong vòng 80 năm qua, nguy cơ leo thang căng thẳng còn khiến niềm tin tiêu dùng giảm sút trong khi "lục địa già” phải giải quyết khủng hoảng tị nạn thậm chí còn lớn hơn nhiều so với năm 2015.
Ba lý do khiến khó "đọc vị” nền kinh tế
Nếu nhìn sâu hơn vào các diễn biến hiện tại, có thể thấy ba sự thay đổi về mặt cấu trúc của nền kinh tế.
Thứ nhất, sự gián đoạn gây ra bởi Covid-19. Cụ thể, các đợt đóng mở, phong tỏa đến rồi đi khiến nền kinh tế chuyển từ trạng thái suy thoái sang tăng trưởng vượt bậc đã làm vô hiệu "tính chu kỳ” của các số liệu kinh tế. Do đó, việc "đọc vị” lạm phát của khu vực đồng euro và USD cũng khó hơn bình thường. Ví dụ, tháng 2 vừa qua, Cục Thống kê Lao động Mỹ đã thay đổi các yếu tố áp dụng đối với lạm phát - điều khiến việc giải thích tỷ lệ lạm phát hằng tháng trở nên khó hơn. Lạm phát cơ bản hằng năm trong quý cuối 2022 cũng vì thế mà "tăng" (về mặt con số) từ 3,1% lên 4,3%.
Thứ hai, yếu tố liên quan đến quy mô của mẫu khảo sát. Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng ngày càng nhiều người không trả lời khảo sát chính thức. Tại Mỹ, tỷ lệ phản hồi cho cuộc khảo sát được dùng để ước tính các vị trí tuyển dụng lao động giảm từ gần 60% ngay trước đại dịch xuống khoảng 30%. Khi đại dịch xảy ra, tỷ lệ phản hồi với các cuộc khảo sát về lực lượng lao động của Anh giảm gần 50%. Trong thời gian phong tỏa, nhiều doanh nghiệp đóng cửa và nhiều người dần bỏ thói quen trả lời khảo sát.
Bên cạnh đó, sự mất lòng tin vào chính phủ cũng có thể tăng lên, khiến người ta không muốn hỗ trợ các nhà thống kê. Khi tỷ lệ phản hồi giảm, kéo theo quy mô của mẫu thử khảo sát giảm, sự biến động của dữ liệu có thể tăng cũng như có thể dẫn đến sự thiên vị. Ví dụ, theo Jonathan Rothbaum - nhà kinh tế của Cục Điều tra Dân số Mỹ, mức tăng thu nhập hộ gia đình bình quân thực tế ở Mỹ giai đoạn 2019-2020 là 4,1% chứ không phải 6,8% như báo cáo ban đầu, sau khi đã điều chỉnh cho phù hợp với việc nhiều người không trả lời khảo sát. Được biết, từ năm 2020, tình trạng không phản hồi đã đẩy thống kê thu nhập lên khoảng 2%.
Thứ ba, sự nhầm lẫn trong dữ liệu bắt nguồn từ sự chênh lệch giữa dữ liệu cứng và dữ liệu mềm, tương ứng với các thước đo khách quan như mức thất nghiệp và chủ quan như kỳ vọng trong tương lai của người dân. Thông thường, hai nhóm dữ liệu này di chuyển đồng bộ, nhưng hiện đã tách rời. Cụ thể, các dữ liệu mềm cho thấy sự ảm đạm, trong khi dữ liệu cứng lại phản ánh một sự mở rộng tích cực. Điều này có thể đến từ sự bất mãn của mọi người với lạm phát. Thực tế, giá cả ở các nước giàu vẫn đang tăng 9%/năm.
Khi ảnh hưởng của đại dịch giảm dần theo thời gian, sự biến dạng trong dữ liệu khảo sát chắc chắn cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, thời gian lại không dư dật đối với chính phủ và doanh nghiệp - những nơi cần ra quyết định và hành động ngay để ổn định và phát triển kinh tế.