Chào mừng 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) - Bài 1: Động lực thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM

Trong nước - Ngày đăng : 06:00, 28/04/2023

Bốn mươi tám năm đã qua kể từ ngày đất nước thống nhất vào năm 1975, có thể nói hiếm có địa phương nào trên cả nước nhận được sự quan tâm toàn diện của Trung ương như TP.HCM. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất, là đầu tàu kinh tế của cả nước.
Chào mừng 48 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) - Bài 1: Động lực thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM

Trong suốt 48 năm qua, qua các lần tổng kết thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, nhất là tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của giai đoạn 2011-2020, Bộ Chính trị đánh giá Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

TP.HCM tiếp tục là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Trong đó, một số kết quả nổi bật là cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. 

Quy mô kinh tế của TP.HCM năm 2020 so với 10 năm trước đó (năm 2010) tăng 2,7 lần GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Thu ngân sách nhà nước luôn giữ tỷ trọng cao nhất nước (27,5% năm 2011; 28,9% năm 2012; 27,4% năm 2013; 28,7% năm 2014; 27,5% năm 2015; 27,23% năm 2016; 26,67% năm 2017; 26,43% năm 2018; 26,44% năm 2019; 24,72% năm 2020), quy mô thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ngày càng lớn và luôn đạt hoặc vượt kế hoạch (ngoại trừ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19): năm 2019 đạt 102,8% dự toán; năm 2020 do tác động bởi dịch Covid-19 đạt 91,51% dự toán; năm 2021 đạt 104,5% dự toán.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 80%, diện mạo đô thị ngày càng hiện đại. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác kinh tế quốc tế được tăng cường và mở rộng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến khá tích cực.

Link bài viết

Theo báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 của thành phố ước đạt 1.479.227 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh năm 2010, tăng trưởng GRDP đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021. Năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thành phố, là năm phục hồi kinh tế - xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Từ mức giảm sâu 5,36% của năm 2021 (chưa từng có trong lịch sử), đến năm 2022 thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước.

Dự báo năm 2023, tăng trưởng kinh tế thành phố sẽ chậm dần và thấp hơn so với mức tăng của năm 2022 do đứt gãy đơn hàng, áp lực tăng giá; thế giới vẫn phải đối phó với những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng và an ninh. Dự kiến năm 2023 tăng trưởng GRDP của thành phố từ 7,5-8%.

Có được sự phát triển mạnh mẽ đó trong suốt gần 50 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. 

Kể từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết về phát triển TP.HCM. Đó là Nghị quyết số 01-NQ/TW (năm 1982) về công tác của TP.HCM; Nghị quyết số 20-NQ/TW (năm 2002) về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng TP.HCM đến năm 2010; Nghị quyết số 16-NQ/TW (năm 2012) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, gần đây nhất là Nghị quyết số 31-NQ/TW (năm 2022) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Chính trị còn ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW (năm 2022) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó TP.HCM là điểm nhấn, đầu tàu cho cả khu vực Đông Nam bộ phát triển.

Bên cạnh những nghị quyết của Bộ Chính trị nói trên, tháng 11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực gồm đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022. Những chính sách đặc thù này được kỳ vọng tạo động lực mới để TP.HCM bứt phá sau nhiều năm giảm tốc do "chiếc áo cơ chế" ngày càng chật, kinh tế thành phố bộc lộ một số bất cập.

Ngày 30/12/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Nghị quyết 31 ra đời với mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Năm 2023 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025. Do vậy, để thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2023 với chủ đề "Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội", TP.HCM đã xây dựng chương trình hành động và triển khai các kế hoạch thực hiện nghị quyết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, với nội dung cụ thể, phân công trách nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng; chọn việc, chọn điểm làm rõ và nhân rộng; kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết thành các văn bản quy phạm pháp luật. 

--------------------------------------------------------------

Tăng trưởng kinh tế TP.HCM qua các giai đoạn:

1986-2010: Kinh tế TP.HCM tăng trưởng bình quân 10,2%/năm và thành phố đã trở thành một trong các đô thị lớn trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số trong một thời gian dài. Đóng góp vào GDP của cả nước từ 13% năm 1986 lên 21% năm 2010; đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách quốc gia.

2011-2015: Kinh tế TP.HCM duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 1,63 lần bình quân chung của cả nước. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,05%, gấp 1,3 lần cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 5.122 USD/người, gấp 2,37 lần bình quân cả nước.

2016-2020: Kinh tế thành phố bình quân tăng trưởng 7,72%/năm, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và 27% tổng thu ngân sách cả nước.

2022: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố ước đạt 1.479.227 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh năm 2010, tăng trưởng GRDP đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021.

Cơ cấu kinh tế năm 2022 tại TP.HCM:

-5238-1682408175.jpg

Bài 2: Đội ngũ doanh nhân luôn năng động và đồng hành

Bài 3: Phẩm chất con người thành phố mang tên Bác

Minh Huy (Tổng hợp)