Cả nước phát hiện gần 30.000 vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mỗi năm
Trong nước - Ngày đăng : 01:11, 28/04/2023
Qua việc đánh giá tổng thể trong các báo cáo về vệ sinh an toàn thực phẩm hằng năm của Bộ Y tế, nhìn chung tình trạng sản xuất thực phẩm không an toàn vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, con số 30.000 vụ việc được phát hiện theo các chuyên gia là chưa phản ánh hết mức độ của tình hình và con số thực tế có thể còn cao hơn.
Việc sản xuất, tiêu thụ thực phẩm "bẩn" không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng mà còn có tác động rất xấu đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ra sự bất công đối với các nhà sản xuất uy tín, trách nhiệm…
Tình hình này cũng đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn, hiệu quả hơn nữa. Theo Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cần thiết phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để chỉ ra các mức độ giới hạn an toàn tuyệt đối cho phép của thực phẩm đối với sức khỏe con người. Khoa học kỹ thuật ứng dụng trong thực phẩm phải bước vào các quy trình sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, của cơ sở đề phòng ngừa, gạt bỏ các mối nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm
Giải pháp được đưa ra là tăng cường kiểm nghiệm thực phẩm giúp đánh giá chất lượng và mạnh tay loại bỏ những thực phẩm mất an toàn.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, do đó cần ngăn chặn các hành động tiếp tay cho thực phẩm "bẩn", đồng thời tăng cường tuyên truyền cho toàn xã hội, cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để nâng cao hiểu biết và thực hiện theo các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, ngay trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng.