Thực đọc và thực học quan trọng hơn đọc nhiều hay học nhiều
Đời thường - Ngày đăng : 07:00, 01/05/2023
Chia sẻ tại chương trình Cà phê với Doanh Nhân Sài Gòn, TS. Giản Tư Trung cho biết, tỷ lệ đọc của người Việt Nam hiện nay đã tăng nhiều so với trước, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn rất thấp. Trung bình một người Việt đọc 4 cuốn sách/năm (2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác). Trong khi đó, qua nhiều khảo sát, trung bình người Nhật, người Pháp đọc hơn 20 cuốn/năm, người Singapore đọc hơn 14 cuốn/năm.
Lý giải cho điều này, ông Trung cho rằng trước đây hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người dân ít đọc sách vì không có sách để mà đọc. Ngày nay, ngành xuất bản phát triển mạnh, sách vở phong phú, người dân vẫn còn ít đọc sách, bởi có quá nhiều sách, không biết đọc sách gì. Ngoài ra, công nghệ nghe nhìn phát triển vũ bão, làm cho người dân có nhiều lựa chọn cho việc nghe, xem, đọc.
"Muốn khuyến đọc thì phải khuyến học, mà muốn khuyến học phải gắn với khuyến đức, khuyến tài, gắn với khuyến giàu, khuyến sang. Để biết một người có giàu hay không thì nhìn vào túi tiền của họ, còn có sang hay không thì nhìn vào văn hóa và chuyên môn. Do vậy, muốn sang thực sự thì phải thực đọc và thực học. Một trong những cách khai sáng chính mình tốt nhất là đọc sách. Song không phải ai đọc sách cũng sáng. Quan trọng là đọc gì, đọc ít mà chọn lọc sách tinh hoa thì vẫn cứ sáng", ông Trung chia sẻ.
Theo ông Trung, việc phát triển văn hóa đọc hay văn hóa học tập của doanh nghiệp không phụ thuộc vào quy mô của doanh nghiệp, mà tùy thuộc nhiều vào lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo mê sách, mê học sẽ lan tỏa văn hóa đọc và văn hóa học tập đến các thành viên trong doanh nghiệp một cách tự nhiên.
Thời đại công nghệ, đơn vị xuất bản chỉ cần làm sao phối hợp tốt với tác giả, dịch giả, đội ngũ biên tập để cho ra đời những cuốn sách có giá trị, còn công nghệ sẽ có nhiều cách đưa nội dung sách đó đến độc giả theo nhiều cách khác nhau, như sách in, sách nói, sách điện tử...
Ông Trung cho rằng, với người viết sách, quan trọng không phải là viết nhiều hay ít mà là giá trị cuốn sách mang tới cho cộng đồng, khiến độc giả có thể học được gì sau khi gấp cuốn sách đó lại.
Ông Trung cũng cho rằng, không ai có thể thay đổi một người, ngoại trừ chính họ. Vì thế, mỗi người sẽ có trách nhiệm trong hành trình tự lực khai phóng chính mình. Sách cũng sẽ có vai trò lớn trong hành trình tự lực khai phóng này. Nếu mỗi người có thể gửi tặng cho người mà mình yêu quý ít nhất một cuốn sách hay thì đó cũng là cách tuyệt vời để tiếp sức cho người đó trên hành trình tự lực khai phóng của họ.
-------------------------------------------
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TP.HCM diễn ra từ ngày 19-23/4/2023 với nhiều hoạt động phong phú như tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách theo chuyên đề, ra mắt sách... Đáng chú ý là triển lãm, trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách, trong đó có tác phẩm Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; triển lãm tư liệu, xuất bản phẩm kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và kỷ niệm 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2023).
Trong dịp này, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cũng trưng bày Tủ sách Doanh nhân Việt Nam. Đây là tủ sách do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn và Hội đồng Sách doanh nhân xây dựng, thực hiện trên tinh thần xây dựng "thương đức", "thương tài" của chí sĩ Lương Văn Can. Tủ sách hiện có hơn 20 cuốn sách do các doanh nhân viết. Cũng trong dịp này, Tạp chị Doanh Nhân Sài Gòn cũng trưng bày top 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp. Top 100 cuốn sách này được lựa ra trên cơ sở hai bộ lọc: từ chính các đơn vị xuất bản, phát hành và tiếp đó là sự đánh giá công tâm của Hội đồng Sách doanh nhân.