Ẩm thực Việt chưa đậm nét trên phim

Thư giãn - Ngày đăng : 07:00, 02/05/2023

Xuất hiện nhiều trên phim song ẩm thực chưa được khai thác đủ để tạo nên dấu ấn đáng nhớ, góp phần quảng bá các món ngon Việt Nam.
-3747-1682940736.jpg

Cảnh trong phim Thưa mẹ con đi

Có nhưng chưa đủ sức hút   

Mới đây, cảnh (độ dài vài phút) nhân vật do nữ diễn viên Hồng Đào đóng nấu canh chua trong tập 8 của phim Beef (tựa Việt: Bất hòa) do hãng A24, Mỹ sản xuất, phát sóng trên nền tảng Netflix đã bất ngờ tạo "sốt" khi khán giả để lại nhiều bình luận ngạc nhiên với món canh chua. Tình cờ, món canh chua cá của người Việt cũng vừa xuất hiện trên các bảng xếp hạng do chuyên trang ẩm thực Taste Atlas bình chọn.

Trước đó, món canh chua cá từng xuất hiện trên mâm cơm tối cùng món gà luộc, gỏi trộn ở đám giỗ trong phim Thưa mẹ con đi, món nộm đu đủ xắt sợi mỏng chấm mắm ớt trong phim Mùi đu đủ xanh, món phở trong phim Mùi ngò gai, món bún đậu mắm tôm trong phim Gạo nếp gạo tẻ, món bánh khọt trong phim Tiệc trăng máu, bánh bột lọc, trứng vịt lộn trong phim Gái già lắm chiêu 3...

Giống trong đời thực, mâm cơm thường ngày hay mâm cỗ đám giỗ trên phim là nơi gia đình, họ hàng, bạn bè tụ họp, bộc lộ tính cách, mối quan hệ của họ. Ở một số bộ phim Việt, dấu ấn văn hóa trong các cảnh quay nấu và ăn cũng khá đậm nét, như cảnh xào rau trong phim Mùi đu đủ xanh, món Huế trong phim Trăng nơi đáy giếng, những hạt đậu nành vàng ươm cho vào cối xay thủ công rồi lọc để làm nên những miếng đậu hũ trong phim Gạo nếp gạo tẻ...

Bên cạnh sức hút từ các điểm đến nổi tiếng thì ẩm thực - một kênh hấp dẫn với du khách cũng luôn được phim ảnh Hàn Quốc chú trọng khai thác. Đưa ẩm thực vào phim là cả một chiến lược của  giới làm phim Hàn Quốc. Ở bất kỳ phim truyền hình nào, dù lấy đề tài gì cũng có cảnh ăn uống. Những món ăn quen thuộc với người Hàn như kimbap (cơm cuộn), tokbokki (bánh gạo cay), kim chi được đưa vào những phân cảnh đời sống thường ngày của các tuyến nhân vật.

Nhiều phim truyền hình như Nàng Dae Jang Geum còn biến ẩm thực Hàn trở nên đặc biệt bởi câu chuyện, cảnh quay đặc tả chi tiết được sắp xếp và dàn dựng đẹp mắt. Ngay cả bộ phim có kịch bản tưởng như không liên quan là Nữ luật sư Woo Young Woo, cũng xây dựng món kimbap công phu như một nhân vật phụ. Nhờ các nhà làm phim chú trọng quảng bá ẩm thực, quảng bá cho các món ăn truyền thống mà những món đơn giản như kim chi, kimbap, tokbokki, canh rong biển của Hàn Quốc đã có mặt ở khắp thế giới và được người dân ở nước sở tại ưa thích. Cách quảng bá ẩm thực như vậy rất đáng để những người là phim Việt Nam tham khảo.

-5271-1682413450.jpg

Cảnh trong phim Beef (Bất hòa) 

Kênh quảng bá còn bỏ ngỏ 

So với các đề tài khác thì số lượng phim Việt (điện ảnh, truyền hình) khai thác đề tài ẩm thực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phim Việt (mặc dù phim truyền hình chủ đề gia đình chiếm số lượng khá lớn) rất ít có cảnh ăn uống, nếu có cũng dàn dựng sơ sài chỉ để minh họa cho chuyện phim đang diễn ra. Theo đó, cảnh ăn uống trên phim Việt thường là trên bàn ăn có đặt vài món ăn và các nhân vật ngồi xung quanh bàn ăn để nói chuyện.

Một nhà sản xuất phim nói rằng, phim Việt thông thường ít khi có cảnh quay món ăn chi tiết, chỉ quay cho có bởi tốn kém "đạo cụ”. Hơn nữa, quay cảnh về ẩm thực không khó, nhưng biến các món ăn thành những cảnh thú vị trên phim lại không dễ. 

Gái già lắm chiêu 3 được xem là phim có sự đầu tư chỉn chu các cảnh ăn uống. Như đại cảnh bữa tiệc, đồ ăn đều là món cung đình được bài trí tinh tế và cầu kỳ, bàn ăn thường ngày là những món như bún bò, bánh bột lọc, trứng vịt lộn được điểm tô bằng dụng cụ ăn uống sang trọng, phong cách ăn uống lịch thiệp. Theo ê kíp làm phim thì đã tốn tiền tỷ để dàn dựng cảnh bữa sáng, bữa trưa, trà chiều, tiệc tùng với nhiều loại bát đĩa, ly tách là đồ giả cổ. 

-4490-1682413450.jpg

Cảnh trong phim Tiệc trăng máu

Mùi ngò gai là phim truyền hình dài tập đầu tiên (phát sóng năm 2006-2008) khai thác sâu về đề tài ẩm thực truyền thống Việt Nam, cụ thể là món phở và nghề nấu phở.  Nhưng đây lại là phim hợp tác sản xuất bởi Hãng phim Gia đình Việt - Vifa cùng Công ty CJ E&M (Hàn Quốc). Từ khâu viết kịch bản, đạo diễn, xây dựng phim trường, Mùi ngò gai đều có sự tham gia thực hiện hoặc tư vấn của nhà làm phim Hàn Quốc. Gạo nếp gạo tẻ có phân đoạn mô tả cách làm thủ công đậu phụ từ A-Z cho món đậu mắm tôm, phân cảnh hướng dẫn muối dưa, cà của bà Mai (Hồng Vân) cho hai chàng rể cũng có kịch bản "Việt hóa" thành công từ phim Hàn Quốc.

Bộ phim Thương ngày nắng về được "Việt hóa" từ kịch bản phim Mother of Mine của Hàn Quốc. Trong bản gốc, người mẹ có quán bán món canh xương bò. Và trên phim món ăn này có chuyện riêng, mùi vị riêng, được chăm chút trong từng cảnh quay, từng cuộc hội thoại để khán giả cảm nhận được người mẹ nấu canh xương bò ngon như thế nào. Ở phim Thương ngày nắng về, người mẹ mở quán bán bún riêu, nhưng cách xây dựng hình ảnh về quán bún riêu và món bún riêu cua không có gì đặc biệt.

Ẩm thực Việt rất đa dạng và phong phú. Nhiều món ăn của Việt Nam được du khách các nước ưa thích. Mới đây, Việt Nam đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các nền ẩm thực ngon nhất châu Á, sau Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và Hàn Quốc. Trong đó 5 món ăn tiêu biểu nhất do trang ẩm thực Taste Atlas đưa ra gồm bánh mì, phở, chả giò, bò kho, bún bò Huế.

Trong chiến lược phát triển du lịch văn hóa Việt Nam, ẩm thực được xem là một nguồn tài nguyên hấp dẫn du khách. Nhưng để quảng bá món ăn Việt thành công rất cần tầm nhìn xa với sự giúp sức của phương tiện truyền thông, trong đó có phim ảnh - loại hình nghe nhìn có sức hút rất lớn với công chúng. Mong rằng, sắp tới sẽ có một số phim với chuyện truyền cảm hứng cho các món ăn Việt được đưa vào kịch bản và được đầu tư dàn dựng công phu. 

Đan Khanh