Phụ phẩm hóa vàng: Vui chơi với... container cũ

MINH QUÂN| 03/02/2017 06:42

Thời gian du học tại Úc, nhìn thấy các container xếp chồng chất ngoài cảng bỏ đi, Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Dự án Công ty Phú Hoàng Gia nghĩ thầm...

Phụ phẩm hóa vàng: Vui chơi với... container cũ

Thời gian du học tại Úc, nhìn thấy các container xếp chồng chất ngoài cảng bỏ đi, Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Dự án Công ty Phú Hoàng Gia nghĩ thầm, tại sao không thể tái sử dụng trong nhiều dự án của ngành xây dựng? Và Tuấn Anh đã biến suy nghĩ này thành hành động.

Đọc E-paper

Hoàng Tuấn Anh

Trăn trở với câu hỏi ấy, trở về Việt Nam, nhìn thấy rất nhiều container để ngoài trời bị gỉ sét, lại chiếm một khoảng đất rất lớn, chưa kể môi trường, cảnh quan cũng bị ảnh hưởng, Tuấn Anh quyết định nghiên cứu để tái sử dụng lại các container này.

Tuấn Anh chia sẻ: "Hiện nay, mọi người đang quan tâm đến rác, ô nhiễm môi trường nhưng chỉ quan tâm đến rác thải sinh hoạt, trong khi rác thải xây dựng như xà bần chiếm khối lượng rất lớn. Nếu dùng container để xây dựng những dự án phù hợp như văn phòng, ki-ốt, khu vui chơi, nhà hàng, quán cà phê..., sẽ giảm thiểu lượng rác xà bần".

Qua quan sát thị trường, nhận thấy tại Việt Nam cũng có một số người sử dụng container để làm văn phòng, quán cà phê nhưng con số này còn ít và chưa tạo được một thông điệp tái sử dụng các nguồn nguyên liệu phế phẩm, Hoàng Tuấn Anh càng có thêm động lực để làm việc. Chỉ một thời gian ngắn nghiên cứu, dự án chợ container Ico Box đầu tiên của anh đã ra đời và đi vào hoạt động vào tháng 1/2016 ở quận Tân Phú với diện tích khoảng 3.800m2 và khoảng 300 gian hàng.

"Mục đích của tôi là tạo ra một nơi mua sắm, giải trí đáp ứng cho cả người mua và bán", Tuấn Anh chia sẻ. Hiệu quả kinh tế rõ nhất của dự án này được Tuấn Anh tính toán: "Do sử dụng những khu đất trống nên giá thuê các ki-ốt rất rẻ. Bên cạnh đó, nếu xây một khu chợ có quy mô như Ico Box nhưng bằng vật liệu bê tông, vôi gạch sẽ phải mất từ một đến một năm rưỡi, trong khi dự án Ico Box chỉ mất 7 ngày với khoảng 60 container".

Ngoài ra, do thời điểm cận Tết nên nhu cầu người thuê rất cao vì phí thuê rẻ. Đơn cử, nếu thuê diện tích tương đương trong AEON thì phải mười mấy triệu đồng, trong khi khu chợ này kế bên AEON chỉ mất khoảng 3 triệu đồng/gian hàng. Vì vậy, khu chợ vừa mới dựng lên, tỷ lệ lấp đầy đã 80% và dự tính một năm rưỡi sẽ hoàn vốn. Song, điểm lợi nhất là sau từng năm, nếu chợ phải dời đi thì giá trị tái sử dụng vẫn còn 80% và khách hàng vẫn có thể đi theo dự án mà không tốn kém thêm chi phí.

Sau sự đón nhận của khách hàng với Ico Box, Tuấn Anh có thêm động lực để tiếp tục thực hiện dự án khu vui chơi giải trí Rubik Zoo trong khuôn viên 5.000m2 tại Thảo Cầm Viên. "Với mô hình chuyên sâu về giải trí nên yếu tố thẩm mỹ phải được nghiên cứu rất kỹ”, Tuấn Anh nói.

Với hơn 300 gian hàng thời trang, ẩm thực, giải trí, ca nhạc..., điểm nhấn của dự án là những thùng container được cắt ghép và thiết kế theo mô hình những biểu tượng nổi tiếng của các nước trên thế giới như tháp đồng hồ Big Ben, cầu tháp Luân Đôn, biểu tượng của nước Anh, ngoài ra còn có phim trường theo chủ đề các nước như Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản...

Rubik Zoo được xây dựng bằng container

Bên cạnh các hoạt động thường ngày, Rubik Zoo còn đem tới cho giới trẻ Sài Gòn và các gia đình cơ hội thưởng thức các món ngon đường phố trên khắp thế giới, đồng thời có các hoạt động song hành với các lễ hội, sự kiện văn hóa, giải trí của các quốc gia trên thế giới như Lễ hội té nước Songkran - Thái Lan, Lễ hội màu sắc Holi - Ấn Độ, Lễ hội hóa trang Cosplay - Nhật Bản, Lễ hội Carnival Brazil...

Tuấn Anh cho biết, mục đích của anh khi thực hiện dự án này là hướng đến một dự án sinh thái, mang đến không gian mua sắm xanh, giải trí và ẩm thực lành mạnh cho người dân thành phố với thông điệp: "Giảm thiểu rác thải bằng cách biến những vật liệu bỏ đi thành những vật hữu dụng và có giá trị mới cho cuộc sống". Đặc biệt, dự án này còn tạo cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp có được một gian hàng kinh doanh ngay trung tâm quận 1, TP.HCM với chi phí thấp.

"Do container là loại vật liệu mới được ứng dụng trong ngành xây dựng nên quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án cũng khá công phu. Ví dụ, nhiều container có kích thước lớn rất khó vận chuyển. Ngoài ra, do container bằng kim loại nên phải nghiên cứu về độ cách nhiệt, cách điện và cái khó nhất là khi làm các tác phẩm về các địa danh nổi tiếng thì phải nghiên cứu để làm sao giữ được nguyên bản container để tạo nên một công trình kiến trúc", Tuấn Anh chia sẻ.

Tính toán về hiệu quả kinh tế và lợi nhuận của Rubik Zoo, anh tiếp: "Dự án này thiết kế, xây dựng chỉ mất một tháng, đầu tư khoảng trên một triệu đô la nhưng khả năng thu hồi vốn rất cao, dự kiến chỉ trong khoảng hai, ba năm là thu lợi. Trong khi đó, nếu xây dựng bình thường bằng bê tông cốt thép thì phải mất hai, ba năm thực hiện và chi phí đầu tư cũng phải cao hơn ba lần. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy gần như 100%".

Sau dự án Rubik Zoo - tạo điểm đến vui chơi, mua sắm cho giới trẻ, Tuấn Anh còn tiết lộ đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng các phòng nghỉ cho khách du lịch. Anh nói: "Du lịch Việt Nam không thiếu các điểm đẹp, lại có hãng máy bay giá rẻ, nhiều món ăn đường phố ngon, giá rẻ nhưng chúng ta còn thiếu khách sạn giá rẻ. Nếu dùng container sẽ giải quyết được bài toán đó”.

Chia sẻ hiệu quả của dự án mới, Tuấn Anh phân tích: "Về mặt bằng, tôi sẽ chọn những khu đất mà các dự án chưa thực hiện trong khoảng 3 - 5 năm để thuê lại. So với việc xây dựng khách sạn phải mất từ hai, ba năm và hơn 10 năm mới có thể hoàn vốn thì việc sử dụng container chỉ mất một tháng xây dựng và hai, ba năm đã có thể hoàn vốn. Chưa kể các dự án nếu phải di dời thì phải đập bỏ, còn khách sạn container vẫn có thể di dời. Chỉ cần giá một phòng khoảng 200 - 300 ngàn đồng/đêm là sẽ có một lượng lớn khách du lịch sử dụng".

Tuấn Anh cho biết thêm: "Trên thế giới có mô hình này rồi và rất hiệu quả. Ví dụ, ở Hà Lan có dự án xây dựng căn hộ cho sinh viên thuê khoảng 1.000 phòng".

>Độc đáo nhà trẻ container tại Nhật Bản

>Nhà hàng độc đáo từ container

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phụ phẩm hóa vàng: Vui chơi với... container cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO