Nguồn thu lớn nhất - Sử dụng vốn đúng mục đích

07/06/2009 09:50

Có thể thấy chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tính đến ngày 7/5/2009 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã hơn 276 nghìn tỷ đồng.

Nguồn thu lớn nhất - Sử dụng vốn đúng mục đích

Có thể thấy chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tính đến ngày 7/5/2009 theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước số dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đã hơn 276 nghìn tỷ đồng.

Tính hiệu quả của chính sách khó có thể khẳng định được đã thành công hay chưa bởi vì nó mang tính chất “dài hơi” nhưng những số liệu kinh tế khả quan trong quý I cho thấy chính sách đã đúng; Tốc độ tăng trưởng quý I là 3,1% tuy so với cùng kỳ năm trước (7,4%) thì mức tăng trưởng đạt thấp nhưng so với tình hình hiện nay của thế giới thì mức tăng trưởng này là khá khả quan.

Tuy nhiên để chính sách này thành công hiệu quả rõ ràng chúng ta phải sử dụng nguồn vốn hỗ trợ đúng mục đích là kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế. Một lượng lớn số tiền từ Ngân sách đã được tung ra và có thể sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa, bài toán Lạm phát chắc chắn sẽ được ra đối với những người giải bài toán chính sách tiền tệ. Ngân sách Nhà nước năm nay chắc chắn sẽ rất “vất vả” khi mà áp lực tăng chi, giảm thu đang đè nặng lên đôi vai những người làm tài khóa.

Thu Ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm mới chỉ đạt 31,4% dự toán cả năm. Vấn đề đặt ra sắp tới sẽ chi nhiều hơn và nguồn ở đâu, đó là bài toán khó mặc dù chính phủ đã sử dụng công cụ trái phiếu một cách tối đa. Sẽ có khoảng 56.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu đang chờ Quốc hội thông qua.

Có thể nói rằng nguồn thu tốt nhất cho Ngân sách đó là việc sử dụng vốn vay hỗ trợ đúng mục đích vì chỉ có thế thì chính sách mới đạt hiệu quả đúng ý muốn của những người làm chính sách. Khi chính sách phát huy hiệu quả, phát huy tác dụng thì lúc đó nguồn thu sẽ tăng trở lại.

Nhưng một câu hỏi được đặt ra là liệu số tiền hỗ trợ có được sử dụng đúng mục đích như ý nghĩa ban đầu của nó không?

Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã tăng 11,16% trong toàn hệ thống ngân hàng, như vậy thông qua các ngân hàng thương mại một số lượng lớn tiền đã được tung ra trong nền kinh tế. Thời gian qua thị trường chứng khoán, bất động sản đã bắt đầu có sự phục hồi. Liệu như vậy có phải các doanh nghiệp đã sử dụng vốn hỗ trợ hiệu quả không? Tình hình giá cổ phiếu muốn nói lên sức khỏe của các doanh nghiệp. Nhưng thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các báo cáo tài chính thì luôn luôn là “vấn đề”.

Tại sao phải như thế?

Nếu như doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì có gì đâu phải “sợ hãi” khi công bố báo cáo tài chính của mình. Có ý kiến và thậm chí đã được một số người có trách nhiệm trong các ngân hàng thương mại thừa nhận, một số tiền cho vay trong hỗ trợ lãi suất đã chảy về thị trường chứng khoán. Và liệu đây có phải là nguyên nhân làm cho thị trường chứng khoán nóng lên? Như vậy giá cổ phiếu tăng là do sự tăng mua của người đầu tư chứ không phải là thật sự các doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả.

Tín dụng vẫn là nguồn thu nhập lớn nhất đối với các ngân hàng nhưng bài toán rủi ro tín dụng vẫn là bài toán luôn có mặt trong các “đề thi” về rủi ro ngân hàng và thường có “số điểm” cao nhất trong “đề thi”. Như đã phân tích trên, việc các nguồn vốn đi sai đường liệu có mang lại hiệu quả?

Thị trường chứng khoán chỉ là một phân tích nhỏ. Không thể không có tình trạng cho vay sai mục đích được. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho khu vực nông nghiệp đang gặp vấn đề trong việc hướng dẫn thực hiện, các ngân hàng và người dân đều chưa biết phải làm sao? Nếu việc hướng dẫn không kịp thời và chính xác liệu có ai dám khẳng định việc cho vay sẽ đúng mục đích.

Đứng góc độ từ các ngân hàng rủi ro vẫn đang rình rập. Suy cho cùng trong kinh doanh ngân hàng đặc biệt là kinh doanh tín dụng thì hoạt động sản xuất thông tin là hoạt động quan trọng nhất. Nhưng ngược lại ở Việt Nam vấn đề thông tin là vấn đề hóc búa đối với các ngân hàng, chính vì điều đó trong quản trị ngân hàng dễ dẫn đến hai hành vi: Lựa chọn đối nghịch (Adverse selection) và rủi ro đạo đức (Moral Hazard). Việc sử dụng vốn vay sai mục đích chính là kết cục của vấn đề rủi ro đạo đức.

Trong tình hình này, các doanh nghiệp đang “khát vốn” và xem hỗ trợ lãi suất như “nước giải khát” của mình, điều này sẽ dẫn tới họ sẽ tích cực tiếp cận ngân hàng để vay vốn và nếu như ngân hàng không chặt chẽ trong cách cho vay sẽ đưa tới vấn đề lựa chọn đối nghịch, tức những tổ chức thật sự cần vốn và đáng được vay thì lại không thể, còn các tổ chức thuộc diện rủi ro cao lại được vay vốn.

Chính sách hỗ trợ là cần thiết và kịp thời nhưng để nó mang lại hiệu quả cao đòi hỏi Chính phủ mà cụ thể hơn là Ngân hàng Nhà nước cần phải tăng cường công tác rà soát hoạt động cho vay, “giúp đỡ” doanh nghiệp là hợp lý nhưng không phải vì thế mà xem nhẹ vấn đề thẩm định. Không nhất thiết cứ phải cho vay ào ạt, nếu như cho vay ào ạt mà không hiệu quả thì lại dẫn đến chính sách sẽ không hiệu quả và còn mang lại những tác động tiêu cực trong nền kinh tế.

Nguồn thu nhập từ tín dụng là rất lớn đối với ngân hàng nhưng không vì thế mà các ngân hàng quên được “vũ khí hủy diệt” là rủi ro tín dụng. Đây là chính sách lớn mang tính tổng thể, nguồn thu đang giảm dần, một số lượng lớn tiền đã đưa ra và sẽ đưa ra.

Người viết chỉ mong rằng các nguồn vốn này được sử dụng đúng mục đích thật sự của nó, muốn vậy đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng trong nền kinh tế cần phải chặt chẽ trong việc cho vay, bởi vì việc sử dụng có hiệu quả chính là nguồn thu lớn nhất đối với Ngân sách Nhà nước.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguồn thu lớn nhất - Sử dụng vốn đúng mục đích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO