Xứ sở kim chi từng được xem là hình mẫu chống dịch lý tưởng, khi không áp lệnh giãn cách xã hội trên diện rộng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, mà vẫn kiểm soát được làn sóng Covid-19 đầu tiên. Tuy nhiên, hình mẫu này dường như đang dần sụp đổ, khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 3 bùng phát dữ dội.
Trong 2 ngày gần nhất là 16 và 17/12/2020, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 lên tới 1.075 và 1.014. Trước đó, vào ngày 13/12, số ca nhiễm mới cũng vượt 1.000. Song, điều đáng lo ngại hơn cả trong đợt bùng dịch lần này là tâm dịch lại nằm ngay ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận - nơi chiếm hơn một nửa tổng dân số cả nước.
![]() |
Số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày (đường cam) và tổng số ca nhiễm bệnh (cột xanh) trên toàn Hàn Quốc trong 7 ngày gần nhất. Ảnh: KDCA |
Nguy cơ "vỡ trận"
Giới chức y tế cảnh báo, với tỷ lệ lây nhiễm hiện nay, số ca mắc bệnh mới mỗi ngày có thể lên tới 1.200, và làn sóng thứ ba này sẽ không thể được ngăn chặn. Đáng chú ý, số ca mắc mới không có triệu chứng lên tới 31% (tăng 4 lần so với trước đây) và có 26% số ca bệnh không rõ nguồn lây, khiến việc phát hiện, truy viết cũng như dập dịch càng trở nên khó khăn hơn, nhất là trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông đang tạo môi trường "lý tưởng" cho SARS-CoV-2 phát triển.
Đồng thời, số ca bệnh tăng đột biến những ngày gần đây đã khiến cho hệ thống y tế của Hàn Quốc, nhất là tại thủ đô Seoul, rơi vào tình trạng quá tải và thiếu giường bệnh, đặc biệt là phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nặng. Được biết, Seoul có khoảng 10 triệu dân, nhưng chỉ khoảng 3% số giường bệnh có thể sử dụng cho các ca mắc Covid-19 nghiêm trọng, và 17% cho tất cả bệnh nhân Covid-19.
Ngày 16/12, ông Seo Jung-hyup - quyền Thị trưởng Seoul, đã cảnh báo thủ đô đang đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh nghiêm trọng, khi 77/78 giường chăm sóc đặc biệt đều đang dành cho bệnh nhân Covid-19.
Trước đó, theo số liệu Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 10/12, số bệnh nhân Covid-19 ở Seoul và vùng phụ cận phải nằm nhà do thiếu giường bệnh đã lên hơn 500 người.
Trước tình trạng này, ông Yoon Tae-ho - một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hàn Quốc, đã kêu gọi người dân Seoul nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội. Hiện, cấp độ giãn cách ở Seoul là 2,5; cấp 3 tương đương phong tỏa.
Theo ông Yoon, các quan chức đang tham vấn chuyên gia, chính quyền địa phương và ủy ban công tác chống dịch về việc có nên nâng cấp độ giãn cách lên mức 3 hay không, vì động thái này nhiều khả năng sẽ gây ra thay đổi lớn trong xã hội, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp nhỏ lẫn người làm việc tự do.
Park Young-joo - một cụ bà 78 tuổi sống tại tỉnh Gyeonggi gần Seoul, tỏ ra vô cùng lo lắng. "Tôi cố gắng ở nhà nhiều nhất có thể, nhưng lại sống với gia đình của con trai, nên lúc nào cũng lo mình có nguy cơ bị nhiễm. Ai trong gia đình cũng lo lắng; tôi nghĩ vì mình đã già và bị đe dọa nhiều hơn", bà nói.
Vì đâu nên nỗi?
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn tới đợt tái bùng dịch lần này ở Hàn Quốc, song lý do then chốt là thời tiết lạnh giá và sự chủ quan của cộng đồng. Khi mùa đông đến, người dân có xu hướng ở nhà, trong không gian kín và thông gió kém - nơi lý tưởng nhất cho virus lây lan. Trong điều kiện nhiệt độ ban ngày xuống tới -5 độ C như ở Seoul tuần vừa qua, khó mà đảm bảo thông khí để ngăn chặn virus.
![]() |
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang, đi dạo trong thời tiết lạnh giá. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, yếu tố nguy hiểm hơn nữa là sự chủ quan của cộng đồng. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Lee Hyuk-min, Đại học Yonsei, Hàn Quốc, cộng đồng đã bắt đầu chủ quan trước Covid-19. Dù người dân Hàn Quốc đã có ý thức sử dụng khẩu trang khi ra đường hay tại nơi công cộng, song bấy nhiêu là chưa đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm, khi nhiều người vẫn có thói quen tụ tập ăn uống ngoài quán hoặc do bị buộc phải ăn trưa ngoài quán khi đi làm.
Theo Thủ tướng Chung Sye-kyun, sau gần một năm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và bị cách ly, người dân Hàn Quốc bắt đầu không còn đề cao cảnh giác trước Covid-19. "Hầu hết mọi người đều phải chịu đựng sự bất tiện và tuân thủ quy định. Thế nhưng, một số lại đang tiếp tay cho virus lây lan dữ dội do sự bất cẩn và vô trách nhiệm", ông Chung phát biểu.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc đang phải trả giá cho sự nôn nóng trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa khôi phục kinh tế, khi Chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế quá sớm vào mùa thu.
Có thể thấy, hầu hết hoạt động kinh tế ở Hàn Quốc những tháng gần đây vẫn diễn ra bình thường. Học sinh vẫn tới trường, công sở, quán ăn, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại… vẫn hoạt động như thường và chỉ đóng cửa lúc 21g00, khi chính quyền nâng cấp độ giãn cách lên 2,5 từ ngày 6/12). Vào giờ cao điểm, việc phải chen chúc trên phương tiện giao thông công cộng vẫn phổ biến. Và, cách đây 2-3 tháng, Chính phủ còn khuyến khích người dân đi du lịch trong nước để kích cầu.
"Chính phủ đã thay đổi chính sách từ tháng 10/2020, nên giờ phải siết chặt các biện pháp phòng chống khi dịch bệnh bùng phát mạnh", Eom Joong-sik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Gachon, Incheon, nhận xét. Theo Eom, các thay đổi trong chính sách phòng dịch của Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho virus lây lan tại các cộng đồng địa phương, và làm tăng khả năng nhiễm bệnh trên khu vực thậm chí rộng lớn hơn.
![]() |
Theo Thủ tướng Chung Sye-kyun, sau gần một năm đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và bị cách ly, người dân Hàn Quốc bắt đầu không còn đề cao cảnh giác trước Covid-19 |
Đồng thời, dù nhận định diễn biến dịch bệnh gần đây là hết sức nguy cấp, và cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực để chặn đứng đà lây lan, nhưng Chính phủ vẫn "đang xem xét", chứ chưa quyết định nâng cấp độ giãn cách xã hội lên mức cao nhất.
Theo các chuyên gia dịch tễ học, nếu làn sóng lây nhiễm hiện nay không được ngăn chặn, số ca mắc bệnh mới ở Hàn Quốc rất có thể sẽ vượt 1.500, rồi 2.000 ca/ngày vào tuần tới. Bên cạnh đó, họ nhấn mạnh rằng, để ngăn chặn nguy cơ hệ thống y tế quá tải, ngoài việc nâng mức giãn cách lên cấp độ cao nhất, còn phải thực hiện các biện pháp chuyên sâu như tiến hành xét nghiệm cho tất cả người dân.
Ý KIẾN CỦA BẠN