Ấn Độ cứu trợ thực phẩm cho người dân ra sao khi phong toả?

Khởi Vũ| 27/07/2021 04:30

Với hơn 90% lực lượng lao động thuộc khu vực phi chính thức, gồm nông dân, người nhập cư, người làm công "chạy ăn từng bữa", Ấn Độ đã giải bài toán lương thực khi phải phong toả cả nước do Covid-19 ra sao?

Ấn Độ cứu trợ thực phẩm cho người dân ra sao khi phong toả?

Các túi thực phẩm hỗ trợ người dân bang Kerala, Ấn Độ Ảnh: FAO

Theo ghi nhận của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc, dù Ấn Độ đã có nhiều tiến bộ đáng kể về kinh tế trong những năm qua, tình trạng đói - nghèo vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực thuộc quốc gia này.

Trong số hơn 1,3 tỷ dân, 190,7 triệu người bị thiếu dinh dưỡng và 25% trẻ em bị đói ăn. Trong bối cảnh này, việc hoạt động kinh tế tạm ngừng do phong toả toàn quốc đã đặt ra dấu hỏi lớn về tình trạng an ninh lương thực và khả năng đảm bảo thực phẩm cho dân nghèo. 

Link bài viết

Năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên tại bang Kerala vào tháng 1. Hai tháng sau, cuộc sống của hơn 1 tỷ dân quốc gia Nam Á tiếp tục đảo lộn khi chính phủ áp lệnh phong toả toàn quốc. Sau 21 ngày, lệnh phong toả tiếp tục được gia hạn thêm 2 tuần.

FAO nhận định, hệ thống lương thực địa phương tại Ấn Độ trên thực tế có nền tảng rất mong manh, với khoảng 91% lực lượng lao động tại quốc gia Nam Á đến từ khu vực phi chính thức, gồm nông dân, người nhập cư và người làm công ăn lương sống dựa hoàn toàn vào tiền lương hằng ngày. Đây là các nhóm dễ bị tổn thương, và gia đình của họ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch.

Trong số các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, Kerala - nơi đầu tiên bị SARS-CoV-2 tấn công, đã có những chiến lược ứng phó kịp thời nhằm giảm nguy cơ nạn đói cho dân số dễ bị tổn thương nhất. Theo đó, chính quyền bang đã phát khẩu phần ăn miễn phí cho tất cả người dân trong một tháng. Cụ thể, chính phủ cung cấp 35kg gạo cho các hộ gia đình dưới chuẩn nghèo (chiếm 11,3% dân số bang) và 15kg gạo cho các hộ gia đình khác.

Ngoài ra, chính quyền bang còn phát cho mỗi người một túi thực phẩm gồm 17 món trị giá 1.000 Rupee (13 USD), bất kể tình trạng thu nhập của họ. Kế hoạch phát túi thực phẩm này được triển khai trong tháng đầu tiên áp dụng phong toả toàn quốc. Túi thực phẩm gồm gạo, lúa mì, đường, muối, dầu ăn, các loại đậu và gia vị cần thiết cho một tuần hoặc một tháng.

Danh sách vật phẩm cần thiết trong 1 túi thực phẩm được phát miễn phí cho người dân Ấn Độ để ứng phó với tình trạng phong toả

Danh sách vật phẩm cần thiết trong 1 túi thực phẩm được phát miễn phí cho người dân Ấn Độ để ứng phó với tình trạng phong toả. Ảnh: FAO

Các túi thực phẩm được phân phối thông qua các cửa hàng thuộc Hệ thống Phân phối Công (PDS) - hệ thống an ninh lương thực do chính phủ Ấn Độ thành lập. Nguồn vật phẩm đến từ các nhà cung cấp đã đăng ký với 2 cơ quan của chính phủ là Tổng công ty Vật tư Dân dụng bang Kerala và Liên đoàn Tiếp thị Hợp tác Nông nghiệp Quốc gia Ấn Độ.

Bên cạnh đó, một biện pháp nữa cũng được chính quyền triển khai là thành lập các bếp ăn cộng đồng trên toàn tiểu bang - chiến lược được triển khai lần đầu nhằm cung cấp thực phẩm nấu chín cho người nghèo. Nhà chức trách cấp quận được giao nhiệm vụ giám sát chương trình hỗ trợ thực phẩm này trong khi đại diện địa phương chịu trách nhiệm phân phối và hậu cần.

Trong khi đó, để đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi, chính quyền bang đã chỉ đạo các trung tâm chăm sóc trẻ em ở nông thôn (còn gọi là Anganwadi) cung cấp các bữa ăn miễn phí vào giữa ngày cho trẻ em thuộc danh sách được hỗ trợ. Giáo viên thuộc các trung tâm nói trên cũng được giao vận chuyển nguyên liệu tươi sống mỗi tuần đến các hộ gia đình.

Tiếp sau các sáng kiến ​​được triển khai tại Kerala, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ bà Nirmala Seetharaman đã công bố gói cứu trợ trị giá 1.700 tỷ Rupee (22,6 tỷ USD) nhằm kiểm soát an ninh lương thực cho người nghèo. Theo đó, chính quyền đã phát miễn phí 5kg gạo hoặc lúa mì cho mỗi người, 1kg đậu các loại cho mỗi hộ gia đình và miễn phí gas trong 3 tháng. 

Toàn bộ quốc gia, từ khu vực tư nhân cho đến chính phủ đều được huy động để giải quyết bài toán lương thực, thực phẩm.

Toàn bộ quốc gia, từ khu vực tư nhân cho đến chính phủ đều được huy động để giải quyết bài toán lương thực, thực phẩm

Đồng thời, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Thực phẩm Quốc phòng (DFRL) - cơ quan nghiên cứu chịu trách nhiệm cung ứng thực phẩm cho cả nước khi có thiên tai, địa biến hay xung đột, cũng được huy động. Theo FAO, cơ sở hạ tầng của cơ quan này có thể sản xuất hàng tấn bữa ăn dùng ngay chỉ trong vài giờ, với thời hạn sử dụng lâu hơn. Kể từ khi đại dịch bùng phát, DFRL đã trở thành nơi cung cấp thức ăn đặc biệt cho các nhân viên y tế tuyến đầu trên khắp Ấn Độ.

Riêng tại bang Karnataka, một nhóm kỹ sư đã tập hợp lại để cho ra một ứng dụng giao thực phẩm, nhằm giúp chính phủ vận chuyển khoảng 1 triệu bữa ăn đến những người khó khăn nhất tại Bengaluru - một trong những đô thị tấp nập nhất của Ấn Độ. 

Thêm vào đó, khu vực tư nhân cũng đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực cho người dân cùng với chính phủ. Các DN tư nhân lớn như Wipro và các DN thuộc liên đoàn SRK chuyên cung cấp dịch vụ tài chính, đã tài trợ khoảng 60.000 bữa ăn/ngày cho bếp ăn của chính phủ để hỗ trợ người nghèo, đặc biệt là sinh viên và công nhân nhập cư không thể về quê.

Hơn nữa, hàng loạt DN, tập đoàn lớn khác như Tata, PepsiCo và Zomato cũng tham gia cùng chính phủ để cung ứng thực phẩm, trong khi mô hình hợp tác công tư hỗ trợ chính phủ huy động thêm nguồn tiền cần thiết để giải quyết tình hình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ cứu trợ thực phẩm cho người dân ra sao khi phong toả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO