Yêu cầu xử lý nghiêm khắc nhất!

23/03/2012 06:27

Sáng 22/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Yêu cầu xử lý nghiêm khắc nhất!

Sáng 22/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Một trong rất nhiều vấn đề được đưa ra trong buổi giao lưu này là việc sử dụng chất nguy hại, chất cấm trong chăn nuôi. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã "yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý một cách nghiêm khắc nhất những người cố tình vi phạm".

Cùng dự buổi đối thoại có lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dưới đây là toàn bộ nội dung cuộc đối thoại:

BTV: Mở đầu chương trình xin được gửi tới Bộ trưởng câu hỏi của ông Lê Văn Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Tuấn Hưng, Huyện Kim Thành, Tỉnh Hải Dương: Thưa Bộ trưởng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: Nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng và Chính phủ sẽ có những giải pháp đầu tư xứng đáng cho lĩnh vực này. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp đó đã được xác định như thế nào và lộ trình triển khai các giải pháp?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thưa nhân dân, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cứ sau 5 năm, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng gấp đôi.

Giai đoạn 2006 2010, Chính phủ bố trí 47% nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để dành cho nông nghiệp, nông thôn, riêng vốn đầu tư qua Bộ giai đoạn 2006 - 2011 đã tăng 2,2 lần.

Đồng thời với việc tăng vốn đầu tư, Chính phủ đã chỉ đạo hàng loạt cơ chế chính sách triển khai trên diện rộng, nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng to lớn. Có thể nói, những kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn những năm gần đây có tác động trực tiếp từ Nghị quyết Trung ương 7 của Đảng.

Độc giả Lê Anh Thư ở Vĩnh Phúc: An ninh lương thực là vấn đề hệ trọng của quốc gia, tuy nhiên hiện nay đất sản xuất của nông dân đang ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ cho các khu đô thị, khu công nghiệp, dự án, sân gôn. Như vậy liệu có thể thực hiện được các mục tiêu về đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao đời sống nông dân như các nghị quyết của Đảng đã đề ra hay không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đây là vấn đề rất quan trọng, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng nhận thấy vấn đề này và có những nghị quyết về kiểm soát chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp.

Đặc biệt trong phiên họp Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã thông qua một Nghị định về tăng cường quản lý đất lúa, nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là tới năm 2020, nước ta có tối thiểu 3,8 triệu ha đất lúa.

Mặt khác, nhà nước cũng có nhiều chính sách nhằm tăng cường phát triển sản xuất lương thực các loại.

Bà Nguyễn Thị Bé ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang: Chính phủ đã có kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long để giúp nông dân không bị rơi vào tình trạng được mùa, rớt giá như những năm trước đây, nhưng với cách tổ chức thu mua như hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp là hưởng lợi vì vừa mua gạo với giá thấp vừa được hưởng lãi suất ưu đãi. Còn đối với nông dân, tuy bán lúa lãi được 30% vẫn không đủ để cải thiện cuộc sống do diện tích nông hộ quá ít. Bộ trưởng đã có sự quan tâm như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng mua và tạo ra nhu cầu trên thị trường, góp phần duy trì giá, thậm chí tăng giá thu mua lúa cho nông dân. Thực tế, dù mới triển khai, nhưng giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long đã nhích lên.

Để giúp bà con nông dân tăng thu nhập, thu nhập ổn định, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác.

Đối với những người trồng lúa, Chính phủ đang tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi, đảm bảo sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân những giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, có giá bán tốt hơn, đầu tư cho khâu sau thu hoạch như kho tàng và các máy móc, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Chính sách thu mua lúa không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhưng Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp hỗ trợ nông dân.

Độc giả Huỳnh Văn Út ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp: Hiện nay, nông dân đồng bằng Sông Cửu long đang bị thiệt hại sau thu hoạch lúa lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm mà nguyên nhân là do các địa phương còn rất thiếu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sau thu hoạch. Thưa Bộ trưởng, ngay từ năm 2004, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vậy chủ trương này đã được thực hiện ra sao và Bộ sẽ làm gì để để giúp các địa phương khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Đúng là tổn thất sau thu hoạch của nông nghiệp nước ta, trong đó có lúa và rau màu, vẫn đang ở mức cao. Theo nghiên cứu, 12% sản lượng lúa bị tổn thất qua nhiều khâu. Do đó, Chính phủ đã có chủ trương, chính sách dành riêng để hỗ trợ bà con giảm tốn thất sau thu hoạch.

Thực hiện chủ trương này của Chính phủ, từ 2004-2008 đã có hơn 30 tỉnh thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân để mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ từ 70-80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50 đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nông dân.

Từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 về chính sách giảm tốn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua các máy móc, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kho tàng để tạm trữ lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Yêu cầu xử lý nghiêm khắc nhất!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO