Xuất khẩu gạo: Cuộc đua gay gắt

VIẾT ĐỈNH - NAM BÌNH| 25/06/2012 04:34

Gạo là mặt hàng chiến lược không chỉ đối với các nước xuất khẩu mà cả các nước nhập khẩu. Giá gạo trên thị trường thế giới tuy không diễn biến phức tạp như dầu mỏ nhưng chịu tác động bởi thời tiết thất thường và ngày càng có nhiều nước chen chân vào cuộc cạnh tranh. Giải bài toán thị trường đang là vấn đề lớn của các nước xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu gạo: Cuộc đua gay gắt

Gạo là mặt hàng chiến lược không chỉ đối với các nước xuất khẩu mà cả các nước nhập khẩu. Giá gạo trên thị trường thế giới tuy không diễn biến phức tạp như dầu mỏ nhưng chịu tác động bởi thời tiết thất thường và ngày càng có nhiều nước chen chân vào cuộc cạnh tranh. Giải bài toán thị trường đang là vấn đề lớn của các nước xuất khẩu gạo.

Đọc E-paper

Bốc xếp gạo ở cảng Sài Gòn

Thị trường không mấy sáng sủa

Trên đường đua xuất khẩu gạo, thế giới đang hình thành ba khung giá. Giá gạo cấp thấp thuộc về Ấn Độ, Myanmar, thị trường gạo giá trung bình thuộc về Việt Nam và Pakistan. Riêng gạo giá cao do Mỹ và Thái Lan chi phối.

Hiện giá gạo của Ấn Độ đang giảm mạnh gây ảnh hưởng đến giá gạo trên thị trường, nhất là gạo cấp thấp. Sở dĩ giá gạo Ấn Độ giảm mạnh là do nước này đang có lượng lương thực tồn kho lên đến 65 triệu tấn, trong đó có từ 32 đến 33 triệu tấn gạo.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng bị tồn kho lên đến 12 triệu tấn lúa, trong khi chính sách hỗ trợ thu mua lúa giá cao của chính phủ nước này vẫn tiếp tục được thực hiện, do đó áp lực xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng rất lớn. Gần đây, còn có thông tin Thái Lan sẽ tung ra một lượng gạo tồn kho từ 300.000 đến 500.000 tấn để xuất khẩu và 100.000 tấn cho thị trường nội địa.

Ngoài bán gạo cho các nhà xuất khẩu, Thái Lan có thể bán gạo cho nước ngoài thông qua kênh chính phủ. Hiện có năm chính phủ đang đàm phán mua gạo với Thái Lan mà một nguồn tin cho rằng nước này đang đàm phán bán gạo cho Indonesia và Bangladesh.

Các nhà giao dịch và giới chức trong lĩnh vực lúa gạo của Thái Lan cho hay, giá gạo của Thái Lan được dự báo sẽ giảm sau tuyên bố xả kho gạo dự trữ của chính phủ nước này.

Chắc chắn giá gạo sẽ giảm khi mà nguồn cung gạo tăng lên, không chỉ bởi kế hoạch bán gạo Chính phủ, mà còn bởi nguồn cung gạo vụ mới từ Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng.

Nguồn cung gạo trên thị trường thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 7 khi mà vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu, với sản lượng 11-13 triệu tấn mỗi năm.

Các nhà giao dịch cho rằng, Chính phủ Thái Lan sẽ không bán ra một lượng gạo lớn trong những tháng tới do nhu cầu của thị trường vẫn khá trầm lắng. “Nếu có ai đó muốn mua gạo, thì họ sẽ mua gạo của Ấn Độ hoặc Việt Nam, hai thị trường có rất nhiều gạo với giá rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan”, một nhà giao dịch ở Bangkok phát biểu.

Nhiều nước giảm nhập khẩu gạo

Một cánh đồng tại Ấn Độ

Dự trữ gạo của thế giới niên vụ 2011-2012 tăng 3% và đạt 100,1 triệu tấn, mức cao nhất kể từ năm 2003 đến nay. Trong khi đó sản lượng gạo của thế giới tăng 2,5%, đạt 461,4 triệu tấn, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Vụ mùa lúa gạo 2011 thuận lợi đã khiến nhiều quốc gia tại châu Á giảm lượng nhập khẩu gạo trong năm 2012. Tổ chức FAO dự báo tổng lượng gạo nhập khẩu tại khu vực này năm 2012 giảm 10% so với năm 2011 và đạt ở mức 15,4 triệu tấn.

Phần lớn lượng gạo nhập khẩu cắt giảm chủ yếu tại Bangladesh và Indonesia, hai quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất trong khu vực. FAO dự kiến việc cắt giảm mạnh trong mua sắm trực tiếp của chính phủ Bangladesh sẽ khiến tổng lượng nhập khẩu gạo giảm xuống còn 600.000 tấn.

Tương tự, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia năm 2012 dự báo chỉ đạt 1 triệu tấn, ít hơn 500.000 tấn so với mức dự báo mà FAO đưa ra trước đó. Ngoài ra, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia cho biết nước này sẽ không nhập khẩu gạo trong năm 2012 mà thay vào đó là mua 4 triệu tấn trên thị trường nội địa.

Philippines - một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã quyết định hạn chế nhập khẩu gạo trong năm nay ở mức 500.000 tấn, thấp hơn so với 860.000 tấn gạo nhập khẩu năm trước và bằng gần 1/5 so với mức nhập khẩu kỷ lục năm 2010 là 2,45 triệu tấn.

Tiếp sau vụ mùa 2011 thu hoạch đầy thuận lợi, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ trở lại mức bình thường 450.000 tấn, giảm so với mức 620.000 tấn năm 2011. Tương tự, Nepal cũng thông báo sẽ giảm nhập khẩu gạo từ 150.000 tấn xuống còn 100.000 tấn nhờ bội thu mùa vụ 2011.

Lượng gạo nhập khẩu của Sri Lanka dự báo rất thấp, chỉ khoảng 30.000 tấn. Với việc đẩy mạnh đầu tư vào các cơ sở sản xuất, chính phủ Sri Lanka cho biết họ đang có kế hoạch để đưa nước này trở thành quốc gia xuất khẩu ròng mặt hàng gạo.

Theo hệ thống tiếp cận thị trường tối thiểu (MMA), Hàn Quốc đã nâng mức nhập khẩu gạo lên 7%, tương ứng là 368.000 tấn. Đất nước này đang tìm cách áp đặt mức thuế cao hơn vào gạo nhập khẩu thay vì hạn chế hạn ngạch hiện nay, với các kho dự trữ gạo ngày càng nhiều và tiêu thụ lúa gạo trong nước giảm mạnh.

Đồng lúa ở Chaiyaphum, Thái Lan

Năm 2012, dự báo nhập khẩu gạo của châu Phi khoảng 10,5 triệu tấn, giảm 2% so với năm 2011. Nguồn cung dồi dào chính là nguyên nhân khiến một số nước như Benin, Guinea, Sierra Leone và Tanzania cắt giảm lượng gạo nhập khẩu. Tổ chức FAO cũng dự báo lượng gạo nhập khẩu của Ai Cập khoảng 100 nghìn tấn, giảm so với mức 350 nghìn tấn năm 2011.

Nigeria, quốc gia nhập khẩu nhiều gạo nhất tại châu Phi, cũng được dự báo sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu xuống 8%, ở mức 1,9 triệu tấn. Ngoài lý do sản lượng năm 2011 tăng thì việc chính phủ áp đặt các biện pháp bảo vệ mới hoạt động sản xuất trong nước cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu tại quốc gia này suy giảm và để tiến tới mục tiêu đến năm 2015 trở thành quốc gia tự cung về gạo.

Cuba thì dự báo sản lượng sẽ giảm 5% nên lượng gạo nhập khẩu năm 2012 chỉ vào khoảng 570.000 tấn. Phù hợp với mục tiêu tự cung tự cấp, giới quan chức Cuba thông báo nước này đang hướng tới việc thay thế 117.000 tấn gạo nhập khẩu bằng lượng gạo sản xuất trong nước.

Tăng nhập khẩu không nhiều

Tại châu Âu, dự báo lượng gạo nhập khẩu của 27 nước EU vào khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2011. Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2012, châu Âu đã tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với gạo và các sản phẩm làm từ gạo có nguồn gốc từ Trung Quốc, sau hàng loạt vụ phát hiện các loại gạo biến đổi gen (GMO) kể từ năm 2010.

Theo quy định mới, tất cả các thương nhân phải gửi thông báo nếu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc, thời gian đến và địa điểm nhập hàng, tiến hành kiểm tra các lô hàng trước và sau khi giao hàng xem có bất kỳ loại sinh vật biến đổi gen trái phép nào không.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết sau khi diễn ra cuộc thảo luận song phương giữa hai thủ tướng bên lề hội nghị các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Bali mới đây, Indonesia đã ký kết bản ghi nhớ về việc mua 1 triệu tấn gạo Thái Lan hằng năm.

Nhập khẩu gạo của Malaysia dự báo sẽ tăng thêm 100.000 tấn, ở mức 1,1 triệu tấn, trong số đó 500.000 tấn là lượng gạo Malaysia nhập khẩu từ Việt Nam.

Dự báo lượng nhập khẩu gạo của các nước cận Đông Á sẽ tăng nhiều hơn so với năm trước. Trong số đó, Afghanistan có thể nâng mức nhập khẩu gạo lên 260.000 tấn nhằm khắc phục tình trạng sản xuất trong nước không được mùa xảy ra trong năm 2011.

Phơi lúa tại Pakistan

Tương tự, Iran và Iraq cũng tăng 8% lượng gạo nhập khẩu ở mức 1,3 triệu tấn. Arab Saudi được dự báo sẽ nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2012, tăng 4% so với năm ngoái; còn Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có thể nhập khẩu tới 640.000 tấn gạo.

Myanmar nhập cuộc

Myanmar có kế hoạch tăng gấp đôi lượng gạo xuất khẩu trong năm 2012 lên 1,5 triệu tấn, tiếp tục tăng 2 triệu tấn năm 2013 và 3 triệu tấn năm 2015. Số liệu này do Hiệp hội Công nghiệp Gạo Myanmar công bố. Được biết năm 2011, Myanmar đã xuất khẩu 700.000 tấn gạo.

Đẩy mạnh xuất khẩu gạo là ưu tiên của chính phủ Myanmar trong bối cảnh nước này đang tiến hành nhiều chính sách cởi mở hơn trước. Chính phủ sẽ mua lúa của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường là 10%, áp dụng từ giữa tháng 1/2012.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Myanmar có tiềm năng trở thành một mặt trận phát triển kinh tế mới của châu Á nếu biết tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động trẻ và sự gần gũi với các nền kinh tế lớn gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Việc Myanmar gia tăng xuất khẩu gạo sẽ làm đầy thêm các kho dự trữ gạo của thế giới và gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ. Nếu thực hiện thành công, Myanmar sẽ trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 6 thế giới.

Đừng quên rằng Myanmar - với diện tích đất trồng lúa hơn 25 triệu hécta và có thuận lợi về nguồn nước - đã từng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới từ những năm 1960 và họ hoàn toàn có khả năng chiếm lại vị trí này nhờ cải cách dân chủ thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Động thái gần đây củaMyanmar đã khiến Thái Lan lo ngại. Ông Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nói với hãng tin Bloomberg: “Việc Myanmar tiến ra thị trường gạo sẽ làm Thái Lan mất đi một số thị trường, đe dọa đến các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan”. Ông cũng bình luận rằng trong tương lai, Myanmar có tiềm năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu nhờ lợi thế về đất đai màu mỡ và về nguồn nước.

Gạo được bày bán trong một siêu thị ở Nhật Bản

Gạo xuất khẩu của Myanmar nhắm đến thị trường châu Phi, Indonesia và Philippines. Đây cũng là các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam. Ngày 29/1/2012, Hiệp hội Công nghiệp Gạo Myanmar cho hay đã đồng ý bán 200.000 tấn gạo cho Bulog (cơ quan mua gạo của chính phủ Indonesia) sau hơn 10 năm không xuất khẩu đến nước này.

Gạo Việt Nam trên đường đua xuất khẩu

Thống kê cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 582 USD/tấn vào tháng 12-2011 xuống 438 USD/tấn trong tháng 5 vừa qua. Để cạnh tranh trên trường xuất khẩu, ông Phạm Ngọc Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, cho biết phải thay đổi chiến lược kinh doanh bằng cách giảm lợi nhuận.

Rõ ràng, để cạnh tranh với các quốc gia xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan bằng cách giảm giá là việc bắt buộc phải làm, nhưng việc giảm tới 150 USD/tấn chỉ trong vòng năm tháng cũng là việc cần cân nhắc. Bởi nếu doanh nghiệp giảm lợi nhuận thì sẽ tác động ngay đến người nông dân.

Hiện nay, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) xác nhận đã trúng thầu 100.000 tấn gạo 25% tấm xuất khẩu sang Philippines. Toàn bộ lô hàng sẽ được giao cho nước bạn ngay trong tháng 6 này.

Như vậy, căn cứ vào các hợp đồng đã và chắc chắn thực hiện trong 20 ngày tới, tổng lượng gạo tiến hành giao là 3,3-3,4 triệu tấn gạo, thấp hơn nhiều so cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng, trong nửa chặng đường còn lại của năm, các doanh nghiệp sẽ phải tăng tốc xuất khẩu 3,7 triệu tấn. Trường hợp xuất khẩu bằng năm 2011 là 7,2 triệu tấn thì sáu tháng cuối năm, các doanh nghiệp phải xuất đến 3,9 triệu tấn.

Hai năm gần đây, nhiều nước ở phía nhập khẩu - như Philippines chẳng hạn - đã thay đổi chính sách khi đấu thầu và để cho các công ty tư nhân tìm kiếm nguồn hàng với giá cạnh tranh hơn. Năm nay còn có thêm điểm khác biệt, thị trường mua gạo trọng điểm như Indonesia, Bangladesh… rất ít hợp đồng mới.

Bốc xếp gạo lên tàu chuẩn bị xuất khẩu (Campuchia)

Có hai khu vực quan trọng để tiêu thụ gạo của Việt Nam. Một là thị trường châu Á chiếm gần 67% thị phần trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và hai là thị trường châu Phi chiếm khoảng 23%. Cả hai khu vực này đã chiếm tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với khó khăn từ các nước xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp. Với giá gạo của Ấn Độ và Pakistan hiện nay, gạo Việt Nam có thể mất 20% thị phần tại thị trường châu Phi, chỉ còn lại 3% gạo chất lượng cao ở thị trường này là có thể giữ được.

Để lấp chỗ trống thị phần thị trường châu Phi, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất gạo phẩm cấp cao hơn, gạo thơm sang một số nước châu Á cùng khu vực Tây Phi, Trung Quốc…

Thị trường Trung Quốc tăng gấp 4,4 lần về lượng và gần bốn lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nhưng đối tác này vẫn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro nếu nhìn từ các vụ xuất khẩu nông sản, khoai lang, chuối, dừa... diễn ra gần đây.

Rõ ràng tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua không mấy sáng sủa. Thị trường truyền thống như Bangladesh đã mất về tay Ấn Độ, thị trường Philippines hiện nhập không nhiều, còn Malaysia và Cuba cũng đã ký đủ số lượng.

Những biến chuyển theo từng thời điểm, từng khu vực của thị trường lúa gạo đã khiến nhiều người nghĩ đến một tổ chức các nước xuất khẩu gạo theo mô hình Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC). Thế nhưng vẫn còn cản ngại là gạo có quá nhiều phẩm cấp cộng với yếu tố giá cả được xem là lợi thế cạnh tranh cao, không cho thấy một tương lai gần trong hợp tác quy mô lớn về xuất khẩu gạo.„

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo: Cuộc đua gay gắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO