Xuất khẩu cà phê: Lên "đỉnh" rồi về đâu?

16/12/2012 05:58

Mặc dù đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu (XK), song thực tế ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ khâu quy hoạch, quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Xuất khẩu cà phê: Lên

Mặc dù đã vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu (XK), song thực tế ngành cà phê Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ khâu quy hoạch, quản lý đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Các chuyên gia đã chỉ ra những khó khăn, thách thức mà ngành cà phê Việt Nam đang gặp phải. Đó là vấn đề về giá cả và chất lượng cà phê còn thiếu tính ổn định, đặc biệt thực trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" thường xuyên xảy ra. Do đó, đã có tình trạng khi giá rớt thì hàng nghìn ha cà phê bị phá bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác; ngược lại, khi giá cà phê tăng cao, người dân lại đua nhau trồng.

Gắn với "sức khỏe" thị trường

Kinh doanh nông sản, nhất là mặt hàng cà phê, luôn gắn kết với "sức khỏe" của thị trường, do giá lên xuống liên tục

>Vicofa ra sức tái canh cây cà phê
>
Để cà phê không còn là giọt đắng
>
Cà phê khát... ngoại tệ

Trong những năm qua, diện tích cà phê tăng nhanh nhưng chủ yếu theo hướng tự phát, hầu hết hộ nông dân sử dụng cây giống thực sinh tự ươm, không qua chọn lọc, dẫn đến hiệu quả thấp. Đặc biệt, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao (cà phê trên 20 năm hiện có trên 86.000ha, chiếm 17,3% tổng diện tích cà phê). Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng cà phê còn hạn chế; chưa hình thành các tổ chức liên kết trong sản xuất cà phê, dẫn đến khả năng cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam còn yếu.

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho rằng để gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) cà phê trong nước cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, một trong những giải pháp quan trọng là DN cần chủ động thay đổi phương thức mua bán, XK cà phê đang áp dụng phổ biến hiện nay.

Trên thực tế, hiện cả nước có 150 DN cà phê, nhưng hầu hết đều đang trong tình cảnh khó khăn, thua lỗ, thậm chí có chủ DN phải bỏ trốn. Nguyên nhân chính của tình trạng "bê bết" này là do thiếu vốn.

Ông Vinh khuyến cáo kinh doanh nông sản, nhất là cà phê luôn luôn gắn kết với "sức khỏe" của thị trường, do giá lên xuống liên tục. Vì vậy, DN cà phê phải tính toán để chuyển đổi phương thức mua bán. Vicofa đã nhiều lần khuyến cáo DN không nên áp dụng phương thức mua trừ lùi và không nên mua bán theo "future" (giao sau) trong khi không đủ năng lực, mà nên theo phương thức kỳ hạn, tức là có hàng rồi mới ký hợp đồng bán.

Theo Vicofa, để cà phê phát triển bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN và cộng đồng để hạn chế sự thua thiệt về giá, nâng cao vị thế và uy tín của cà phê Việt Nam. Bên cạnh đó cần xác lập "Chuỗi giá trị cây cà phê", xác lập quy trình chuẩn từ ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác đến khâu thu gom, sơ chế, chế biến, tiêu thụ để có cơ sở đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của ngành cà phê.

Ngoài ra, để phát huy hơn nữa thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo vị thế ngày càng vững chắc trên thị trường thế giới, ngành cà phê cần tiếp tục chú trọng việc tiếp cận, cập nhật thông tin một cách đầy đủ và chính xác; khuyến khích DN đánh giá đúng khả năng sản xuất và có định hướng XK rõ ràng...

Cần có chiến lược phát triển

Hoạt động sản xuất và XK cà phê luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cả về chất lượng, sản lượng và giá cả. Một nghịch lý đã và đang xảy ra: Việt Nam là quốc gia XK cà phê Robusta hàng đầu thế giới, nhưng giá trị XK cà phê lại không đi cùng với thứ hạng này. Một thực tế khác là 80% diện tích cà phê ở Việt Nam nằm ở các nông hộ, nên rất khó để hình thành một nền sản xuất tập trung, bền vững. Việc thành lập các tổ hợp tác, các liên minh trong sản xuất cà phê để tạo sự thống nhất là điều cần thiết.

Về vấn đề này, ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng: "Không thể nào phát triển nền sản xuất lớn, dựa trên các tiêu chuẩn thế giới mà dựa trên nền sản xuất hàng vạn hộ nông dân với một vài ha cà phê. Ngân hàng, cán bộ khuyến nông không thể nào mang tiền vốn, mang máy móc đi tìm ngần ấy hộ nông dân để hướng dẫn. Người thu mua cũng không thể nào đến thu mua cho tất cả ngần ấy người...".

Trước tình trạng khó khăn của DN cà phê hiện nay, ông Vinh đề xuất Nhà nước cho phép các DN Việt Nam kinh doanh cà phê được phép vay ngoại tệ, đồng thời tạm trữ hàng khi giá xuống thấp để tạo cung - cầu và đẩy giá lên: "Việc tạm trữ cà phê áp dụng từ niên vụ trước theo quyết định của Thủ tướng đã rất thành công và giữ được giá cao, hiện đang giữ ở mức hơn 10% so với niên vụ cũ", ông Vinh cho biết.

Bên cạnh đó, cần sớm có chiến lược phát triển cho cây và ngành cà phê; tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết mới; liên kết các nhà trồng cà phê thành một cụm để đầu tư chế biến cà phê ướt, sấy khô khi gặp thời tiết bất lợi; liên kết để bảo vệ quyền lợi, giữ giá bán có lợi cho nông dân; tổ chức lại mạng lưới các đại lý thu mua cà phê...

Vấn đề nâng cao giá trị XK cà phê cho cà phê Việt Nam cũng rất cấp bách và phải thực hiện bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất: tuyên truyền, vận động người trồng cà phê thu hái quả chín; đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến cà phê để giảm tỷ trọng XK cà phê thô...

Dự báo, đến năm 2020, diện tích cà phê già cỗi của Việt Nam sẽ lên tới 50%. Do vậy, điều đầu tiên là phải lo tái canh để giữ vững vị trí số hai. Thứ hai là phải bảo đảm chất lượng. Chất lượng cà phê ở Việt Nam hiện nay không đồng đều, do còn tồn tại song song hai bộ tiêu chuẩn (Tiêu chuẩn 4193 năm 2005 của Bộ NN&PTNT, Tiêu chuẩn ISO 2000 của Bộ Khoa học và Công nghệ). Cần thống nhất hai bộ tiêu chuẩn này để bảo đảm chất lượng cà phê ổn định hơn, tránh trường hợp bị nước nhập khẩu đánh giá chất lượng cà phê của Việt Nam đồng hạng theo những lô hàng cà phê có tiêu chuẩn thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu cà phê: Lên "đỉnh" rồi về đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO