Xử lý ngân hàng yếu kém: Đến lúc mạnh dạn hơn

TS. PHAN MINH NGỌC| 03/03/2015 06:01

Sau vụ việc NHNN mua lại bắt buộc VNCB với giá 0 đồng, thị trường ngân hàng tỏ ra khá bình lặng, ngoài chút xáo động ban đầu chủ yếu liên quan đến cơ sở của cái giá mua bắt buộc 0 đồng.

Xử lý ngân hàng yếu kém: Đến lúc mạnh dạn hơn

Sau vụ việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng hồi tháng trước, thị trường ngân hàng tỏ ra khá bình lặng, ngoài chút xáo động ban đầu chủ yếu liên quan đến cơ sở của cái giá mua bắt buộc 0 đồng.

Đã không có một cơn hoảng sợ đổ xô rút tiền gửi nào từ VNCB hay từ bất cứ một ngân hàng nào khác trong hệ thống. Có lẽ là vì NHNN đã tuyên bố rõ sẽ đảm bảo hoàn toàn quyền lợi của người gửi tiền sau khi mua lại.

Mới đây, một số báo dẫn lời của đại diện NHNN cho biết có thêm 2 ngân hàng khác, GPBank và Oceanbank, đã được xác định có thể là đối tượng tiếp theo để NHNN có động thái tương tự như với VNCB.

GPBank là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu từ năm 2012. Trong thời gian qua, 8 trong số 9 nhà băng đã tái cơ cấu thành công, chỉ còn duy nhất GPBank vẫn chưa có phương án khả thi.

Còn với Oceanbank, NHNN cho rằng ngân hàng này bộc lộ yếu kém sau khi một số lãnh đạo vướng vòng lao lý. Như vậy có thể hiểu rằng Oceanbank là một ngân hàng yếu kém mới xuất hiện bên cạnh danh sách 9 ngân hàng yếu kém đã từng được xác định trước đây. Suy ra tiếp, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống ngân hàng chỉ còn lại 2 ngân hàng này thuộc loại yếu kém, (đến mức độ) cần xử lý ngay để không gây tổn hại cho toàn hệ thống.

Có thể đoán, lý do dự tính mua bắt buộc GPBank và Oceanbank của NHNN là vì hiện tại vẫn còn nhiều người gửi tiền tại 2 ngân hàng này, trong đó có nhiều khoản tiền gửi trên 50 triệu VND (là mức tối đa được bồi thường từ cơ quan bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp ngân hàng bị phá sản). Điều này cũng có nghĩa là người gửi tiền tuy đã biết 2 ngân hàng này có vấn đề và thuộc diện cần phải tái cơ cấu, nhưng vẫn không rút ngay hay rút đến gần hết số tiền gửi của mình là vì tin rằng NHNN bằng cách này hay cách khác sẽ “cứu” ngân hàng, đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ không bị thiệt hại.

Nếu đúng vậy thì nguyên nhân sâu xa chính là nỗi sợ cố hữu của các cơ quan chủ quản, rằng nếu để cho 2 ngân hàng yếu kém này phá sản thì sẽ có thể châm ngòi cho một làn sóng hoảng loạn rút tiền, và gây ra đổ vỡ cho các ngân hàng lành mạnh khác. Đây là một rủi ro đạo đức thường được đề cập trong kinh tế học, khi các chủ thể của thị trường cứ mặc nhiên theo đuổi những quyền lợi riêng của mình mà không đếm xỉa gì đến những rủi ro thua lỗ cho khách hàng/ cổ đông do những hành vi của chính họ tạo nên, vì chi phí cho những rủi ro này đã được Nhà nước “gánh”.

Thế thì, đã đến lúc NHNN cần chấm dứt việc tiếp tục nuôi dưỡng rủi ro đạo đức này, bằng cách mạnh dạn bước thêm bước nữa là cho phá sản, giải thể các ngân hàng yếu kém, để trừng phạt không chỉ cổ đông hiện hữu mà còn cả người gửi tiền vì đã bất chấp rủi ro báo/biết trước.

Tất nhiên, nỗi lo bao trùm vẫn là nếu để phá sản như vậy thì sẽ gây ra đổ vỡ mang tính dây chuyền trong hệ thống. Nhưng xét cụ thể trong bối cảnh hiện nay, có thể thấy rằng người gửi tiền ở các ngân hàng khác đã biết/tin rằng cả hệ thống nay chỉ còn lại 2 ngân hàng này là yếu kém, không phải là ngân hàng mà họ đang gửi tiền.

Cộng thêm với thực tế là quy mô nợ tại 2 ngân hàng này không phải là lớn lắm, và nếu có thêm cam kết của NHNN không để các ngân hàng lành mạnh hơn bị phá sản dây chuyền, thì cho dù người gửi tiền tại 2 ngân hàng này có đổ xô đi rút tiền khi biết tin ngân hàng bị phá sản, sự việc cũng không đến mức gây ra một làn sóng rút tiền tại các ngân hàng khác vốn được coi là đang lành mạnh.

Nói cách khác, có hoảng sợ, có chịu thiệt hại chăng nữa thì chủ yếu chỉ diễn ra trong phạm vi những người gửi tiền tại GPBank và Oceanbank mà thôi.

Tóm lại, theo người viết, sau hành động mua lại bắt buộc cổ phần VNCB, hiện tại là thời điểm thích hợp và thuận lợi để NHNN cần tiếp tục tỏ rõ cho thị trường thấy lập trường cứng rắn của mình, bằng cách cho phá sản (bắt buộc) các ngân hàng yếu kém, để làm lành mạnh hóa thêm một bước thị trường ngân hàng.

Tuy nhiên, để làm được như vậy thì NHNN cần phải công khai hóa, minh bạch hóa thông tin hơn nữa về tình trạng “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng nói chung và từng ngân hàng nói riêng, để các chủ thể trên thị trường có cơ sở đúng đắn cho các quyết định đầu tư của mình.

>Chưa hình thành thói quen phá sản ngân hàng
>2015: Ngân hàng tốt cũng phải tái cơ cấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xử lý ngân hàng yếu kém: Đến lúc mạnh dạn hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO