Xả hồ để bảo vệ dân và sửa chữa triệt để

TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch HASCON, Viện trưởng EEI| 01/04/2012 08:58

DNSG đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc liên quan đến sự cố và việc giải quyết sự cố đập Thuỷ điện Sông Tranh 2. Dưới đây xin trích đăng ý kiến của TS. Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP.HCM (EEI).

Xả hồ để bảo vệ dân và sửa chữa triệt để

Tại cuộc họp báo mới đây nhất (28/3) về sự cố đập Thủy điện Sông Tranh 2, mặc dù Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định đập Thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa có một tổ chức, cá nhân nào nhận trách nhiệm về sự cố này, và "Nhân dân Quảng Nam, chính quyền Quảng Nam vẫn còn nhiều lo lắng” (theo lời Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu)

DNSG đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc liên quan đến vụ việc này. Dưới đây xin trích đăng ý kiến của TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (HASCON), Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP.HCM (EEI):

Đập Thủy điện Sông Tranh 2

"Chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, để đảm bảo an toàn cho hàng vạn người dân hạ lưu, Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt quyết định giữ nước trong lòng hồ do cấp dưới trình lên, mà nên dứt khoát ký lệnh lập tức xả cạn hồ trong thời gian tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố.

Việc xả cạn, thứ nhất là để đảm bảo an toàn, thứ hai là điều bắt buộc để có thể nghiêm túc và triệt để sửa chữa con đập.

Theo GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam (VNcold), Phó chủ tịch Ủy hội Đập lớn Thế giới, để sửa chữa đập Thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay, “Giải pháp triệt để là phải chống thấm từ mặt đập thượng lưu, không cho nước thấm vào đập”, cụ thể là: “làm khô bằng cách hạ mức nước hồ xuống, sau đó dán lớp màng chống thấm, sơn các loại sơn chống thấm đặc biệt quét lên bề mặt, hay phụt trên bề mặt các loại chất chống thấm đặc biệt để nó chèn các khe nứt… Tuy nhiên, giải pháp này phải có thời gian và phải chấp nhận tổn thất về sản lượng điện vì nhà máy đang vận hành” (nguồn: Vietnamnet).

Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với giải pháp của GS.TSKH Phạm Hồng Giang, vì đó là giải pháp chắc chắn và triệt để. GS. Giang chỉ lo một điều “giải pháp này phải có thời gian và phải chấp nhận tổn thất về sản lượng điện vì nhà máy đang vận hành”.

Để giải tỏa nỗi lo của GS. Giang, chúng tôi xin lý giải:

Là chuyên gia hệ thống điện, chúng tôi khẳng định việc ngưng vận hành Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 không gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động Tập đoàn Điện lực Việt Nam, kể cả mặt kinh tế và kỹ thuật. Lý do đơn giản là: Công suất đặt của Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ 190MW, chỉ chiếm gần 1% tổng công suất đặt của toàn hệ thống điện Việt Nam (khoảng 20.000MW).

Về kỹ thuật, khi Thủy điện Sông Tranh 2 ngừng hoạt động, các nhà máy điện còn lại của Việt Nam chỉ cần huy động thêm 1% công suất là đủ bù lại (hệ thống điện phải thường xuyên điều chỉnh sao cho tổng công suất phát ra bằng với tổng công suất tiêu thụ của khách hàng. Tổng công suất này thay đổi liên tục từng giờ từng phút trong mỗi ngày. Tổng công suất phát ra sẽ là lớn nhất tại giờ cao điểm. Nhưng tổng công suất phát ra lớn nhất này vẫn nhỏ hơn tổng công suất lắp đặt, thường chỉ khoảng 80%).

Về kinh tế, khi Thủy điện Sông Tranh 2 ngưng hoạt động, nó sẽ không có sản lượng điện 679,6 triệu kWh/năm, và không có doanh thu, nhưng tổng sản lượng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ không bị giảm, vì sản lượng 679,6 triệu kWh/năm đã có các nhà máy khác phát bù, và doanh thu (tiền bán điện) của EVN vì thế sẽ không bị giảm đồng nào.

Vì an toàn sinh mạng của hàng vạn người dân hạ lưu, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng lập tức ra lệnh xả cạn hồ Thủy điện Sông Tranh 2 trong suốt thời gian tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xả hồ để bảo vệ dân và sửa chữa triệt để
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO