"Việt Nam phải hội nhập kinh tế thế giới bằng sự minh bạch"

SONG ANH| 08/01/2019 00:30

Cục diện thương mại thế giới sẽ thay đổi sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, PGS-TS. Vũ Minh Khương - thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng nhận định. Do đó, Việt Nam phải hội nhập kinh tế thế giới bằng sự minh bạch.

* Ông nhận xét thế nào về thực trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam?

- Hội nhập vào nền kinh tế thế giới, những nước đang phát triển luôn có khát vọng vươn lên, luôn muốn học hỏi để thay đổi cách kinh doanh và năng lực quản lý. Điều đáng mừng là Việt Nam có đủ những yếu tố ấy.

Thế nhưng, trước những diễn biến mới của kinh tế thế giới, bài toán đặt ra cho Việt Nam là từ một nước gần như đóng cửa đến nay trở thành nước có độ mở vào loại lớn nhất của thế giới, với động lực xuất khẩu dựa vào những thị trường lớn, chiếm tới 97%, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Đến nay, ngoài sản phẩm dệt may, da giày và một số sản phẩm của doanh nghiệp FDI, xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là nguyên liệu nông thủy sản, nếu chế biến sâu sẽ có được mức tăng trưởng cao, nhưng có thể chịu ảnh hưởng nặng nề khi thị trường có những biến động.

7pgsvuminhkhuong-1545106420-8083-1546999

* Điều gì có thể đến với Việt Nam khi thương mại thế giới thay đổi và Mỹ - Trung đã đạt được những thỏa thuận thương mại nhất định?

- Hiện quan hệ thương mại của Việt Nam với Mỹ và EU có mức tăng trưởng nhanh, vượt nhanh hơn mức tăng trưởng thương mại bình quân với thế giới. Nhưng sự vượt bậc này nặng về xuất khẩu của Việt Nam, trong khi nhập khẩu từ Mỹ và EU lại hạn chế, có thể dẫn đến "tổn thương kép" cho chính Việt Nam.

Việt Nam đang được xem là quốc gia nắm bắt toàn cầu hóa nhanh, do đó sớm thâm nhập các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, lớn hơn rất nhiều so với thị trường ASEAN. Tỷ trọng của Việt Nam trong tổng xuất khẩu và tổng nhập khẩu của ASEAN tăng hơn 10 điểm phần trăm trong vòng 12 năm qua (2005-2017).

Mức gắn kết thương mại của Việt Nam với các nước ngoài ASEAN tăng nhanh hơn so với mức gắn kết nội khối ASEAN. Do đó, Việt Nam cũng cần tính đến khả năng bị Mỹ "hỏi thăm" bởi chính sách thương mại mới của họ. 

Mỹ thâm hụt thương mại với Việt Nam, nhưng Việt Nam lại thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cần phải lưu ý đến thị trường Trung Quốc.

Bởi vì, một khi tôn trọng "luật chơi" của thế giới, cũng như "luật chơi" của Mỹ, Trung Quốc sẽ là thị trường lý tưởng cho doanh nghiệp Việt Nam. Vinamilk đã chủ động đặt đại diện tại Trung Quốc để khai thác thị trường này, đó là hướng đi đúng của doanh nghiệp.

* Như ông nói, kinh nghiệm về bảo hộ mậu dịch sẽ được thế giới rút ra để đảm bảo cho những dịch chuyển thương mại trên toàn cầu...

- Việt Nam phải hội nhập kinh tế thế giới bằng sự minh bạch, bởi vì bảo hộ là cuộc chơi của 30 năm sau không phải hiện tại. Việt Nam, nếu chỉ vì hiệu quả của ngành ô tô, rất có thể làm tổn thương cả nền kinh tế, nhất là khi thương mại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thế giới.

Theo tôi, Việt Nam cần học Singapore về nền tảng kết nối (Platform) trong kinh tế. Việt Nam muốn đi nhanh không thể không có nền tảng kinh tế kết nối.

Một điều nữa, trong thương mại, phân bổ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu phải mang lại lợi ích cao cho nền kinh tế. Xung đột thương mại Mỹ - Trung cho thấy, Việt Nam chưa có những thể chế thương mại tương xứng để yểm trợ cho thương mại với Trung Quốc.

Đến nay, vẫn có những nghi ngờ trong giao thương với Trung Quốc, ngay cả khi thương mại hai nước đã tăng lên 50 - 60 tỷ USD.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Việt Nam phải hội nhập kinh tế thế giới bằng sự minh bạch"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO