Việt Nam: Những cái thiếu trong chuyện làm ăn

01/06/2015 06:55

Việt Nam chưa có một chiến lược kinh doanh được vận hành nhất quán, thiếu một nhạc trưởng nên mỗi nơi làm một phách là môi trường tốt cho các nhóm đặc quyền đặc lợi lạm dụng.

Việt Nam: Những cái thiếu trong chuyện làm ăn

Cách đây không lâu, hồi đầu tháng 4/2015, tạp chí The Economist có đăng một báo cáo về nhóm người giàu mới nổi (New Wealth Builders - NWB) trên thế giới, trong đó thành phần này ở Việt Nam tăng nhanh thứ ba ở châu Á, sau Ấn Độ, Indonesia và dự báo vào năm 2020 nước ta sẽ có gần 350 người giàu mới nổi (năm 2014 là 57 người). Đây chính là tầng lớp trung lưu có tài sản trung bình từ 100.000 đô la đến 2 triệu đô la Mỹ.

>>Nhóm "Nhà giàu mới nổi" của Việt Nam lọt top 3 châu Á

Báo cáo này chắc chắn nhận được sự quan tâm của giới kinh doanh hàng tiêu dùng toàn cầu. Họ đang nhìn vào một đất nước còn nghèo như Việt Nam với kỳ vọng sẽ là “điểm hẹn mới”, là “kinh đô” của các nhãn hàng tiêu dùng cao cấp, giờ được củng cố thêm bởi thực tiễn là ngày càng nhiều người sở hữu những mặt hàng xa xỉ từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng cùng nhiều loại siêu xe.

Trong tình hình phân hóa giàu nghèo còn quá lớn, thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng thấp nhất khu vực, thì đây không phải là thông tin vui đối với những ai quan tâm đến một nền kinh tế sau gần ba mươi năm đổi mới vẫn chưa cất cánh nổi do bị nhiều xung lực trì kéo. Nhà nước kêu gọi tiết kiệm với hàng loạt văn bản và nâng lên tầm quốc sách, nhưng lãng phí tiêu dùng cá nhân cũng lên đến mấy tỉ đô la mỗi năm, khu vực công chắc còn cao hơn nữa.

Những lúc như vậy nhiều người nhìn về Hàn Quốc. Có thể nói đất nước này đang theo một đường lối phát triển có tính kinh điển.

Lúc nền kinh tế chưa cất cánh thì thắt lưng buộc bụng tối đa, sử dụng hàng trong nước thay hàng ngoại, không nhập hàng xa xỉ, chỉ nhập những gì cần cho sản xuất. Người Hàn từ dân thường đến sếp lớn đều có ý thức tiêu dùng hàng trong nước.

Chê bai sản phẩm còn nhiều khuyết tật của thời kỳ khởi nghiệp thì làm sao doanh nghiệp tồn tại được để có sản phẩm tinh xảo như hiện nay. Cho đến năm 1957, người Hàn Quốc mới sản xuất được chiếc xe chín chỗ ngồi dù chỉ như chiếc hộp sắt được lắp thêm bánh xe nhưng họ đã đón nhận nó với niềm tự hào, đó chính là tiền đề cho ngành công nghiệp ô tô hiện đại nổi tiếng khắp thế giới hiện nay.

Lúc nền kinh tế bắt đầu khởi sắc thì Hàn Quốc xuất khẩu tối đa để có ngoại tệ nhập nguyên liệu cần thiết. Đến lúc nào đó thì khuyến khích tiêu dùng trong nước, nhập hàng ngoại để cân bằng thanh toán.

Nền kinh tế Hàn Quốc phát triển như hiện nay là nhờ tính kỷ luật trong sản xuất lẫn tiêu dùng.

Dưới một góc cạnh khác, có một nền sản xuất rất đáng ngưỡng mộ đó là Nhật Bản. Ai đã từng một lần đến đất nước mặt trời mọc đều phải thừa nhận rằng không có sự khác biệt về chất lượng sản phẩm nội địa và xuất khẩu.

Những người có điều kiện am hiểu xã hội Nhật cho rằng người tiêu dùng Nhật rất khó tính, họ không thể chấp nhận hàng bán cho người Nhật mà chất lượng lại kém hơn hàng bán cho người nước ngoài. Có thể nói đây cũng là một phần của niềm tự hào dân tộc, doanh nghiệp nào vi phạm là bị phản ứng gay gắt của xã hội và khó tồn tại. Cũng có người cho rằng niềm tự hào đó còn thể hiện qua suy nghĩ rằng người Nhật không bán sản phẩm gì cho ai khi mà mình không chấp nhận được.

Triết lý kinh doanh của người Nhật đặt nền tảng trên chữ tín, xem đó là đạo đức trong làm ăn. Chính điều này tạo niềm tin của người nước ngoài đối với hàng Nhật đồng thời cũng làm tăng thêm uy tín cho thương hiệu quốc gia.

Còn Trung Quốc, nơi mà không ít sản phẩm bị đánh giá thấp về chất lượng, liệu có cho chúng ta bài học nào không? Thật ra chiến lược kinh doanh của Trung Quốc là trở thành công xưởng của thế giới hiểu theo nghĩa có thể sản xuất bất cứ thứ gì thế giới cần, chất lượng thế nào thì Trung quốc cũng sẵn sàng cung ứng, nhưng đừng quên là “tiền nào của nấy”.

Thế cho nên mới có những chiếc áo vest Trung Quốc với giá chỉ 50.000 đồng bày bán ở biên giới phía Bắc và Hà Nội, góp phần làm thay đổi phong cách ăn mặc của tầng lớp dân cư lao động, cũng như có những bộ trang phục cả mấy triệu đồng bày bán trong các cửa hàng sang trọng vẫn có người tìm mua. Trong chừng mực nào đó, có thể xem đây là quan điểm kinh doanh mang tính thực dụng mà không phải nước nào cũng làm được, do Trung Quốc đất rộng, người đông, một nước mà như có nhiều nước với những lợi thế cạnh tranh khác nhau.

Trông người rồi nghĩ đến ta, mới thấy mình không có được tính kỷ luật trong cả sản xuất lẫn tiêu dùng như người Hàn Quốc, không có cái triết lý kinh doanh dựa trên nền tảng chữ tín và niềm tự hào dân tộc như người Nhật và không có điều kiện để trở thành một công xưởng của thế giới như Trung Quốc. Chúng ta cũng chưa có một chiến lược kinh doanh được vận hành nhất quán, thiếu một nhạc trưởng nên mỗi nơi làm một phách là môi trường tốt cho các nhóm đặc quyền đặc lợi lạm dụng.

Kim ngạch xuất nhập khẩu ngày một tăng cao nhưng khả năng tạo hiệu ứng kinh tế lại thấp, chắt chiu từng đồng ngoại tệ từ xuất khẩu các sản phẩm có thế cạnh tranh, nhưng lại hào phóng trong nhập hàng tiêu dùng xa xỉ. Tình trạng này, nói theo ngôn ngữ bóng đá là “hàng công xây, hàng thủ phá”, thì làm sao thắng được ai.

>Việt Nam: Công xưởng điện tử gia dụng của thế giới?
>Việt Nam sẽ là công xưởng mới của thế giới
>
ASEAN sẽ là "công xưởng của thế giới"
>2015, Trung Quốc vẫn là "công xưởng của thế giới"
>
10 dự báo kinh tế Việt Nam 2015

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam: Những cái thiếu trong chuyện làm ăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO