Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất thay thế

THIỀU NGUYỄN thực hiện| 08/09/2010 09:05

Hồng Kông nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trị giá 1,27 tỷ USD. Dù không phải là thị trường lớn để tiêu thụ sản phẩm, nhưng Hồng Kông sẽ là cầu nối, điểm trung chuyển hiệu quả của hàng hóa Việt Nam với thế giới.

Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất thay thế

* Những năm gần đây nổi lên xu hướng các doanh nghiệp tại Trung Quốc dịch chuyển nhà máy sản xuất sang những nước có lợi thế nhân công giá rẻ, trong đó có Việt Nam. Điều này có được nhắc tới trong báo cáo của HKTDC mới đây. Xin ông cho biết rõ hơn về xu hướng này!

- Theo báo cáo của HKTDC, bất chấp tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động và thịnh vượng với tốc độ tăng GDP năm ngoái đạt 5,3%, cao nhất trong 10 thành viên ASEAN. Quý I năm nay, nền kinh tế này vẫn mạnh và cả Chính phủ Việt Nam lẫn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều lạc quan về triển vọng kinh tế của các quý còn lại trong năm.

Ngoài khía cạnh là một thị trường tiêu dùng hứa hẹn với các sản phẩm, hàng hóa Hồng Kông, HKTDC còn đánh giá Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất thay thế. Báo cáo của HKTDC nhấn mạnh, các nhà sản xuất Hồng Kông nên chú ý đến Việt Nam, nơi có nguồn cung lao động trẻ và chi phí lao động tương đối rẻ, một lợi thế cho sản xuất đòi hỏi nhiều lao động. Với các công ty Hồng Kông đang đối mặt với tình trạng chi phí sản xuất tăng ở Trung Quốc đại lục, Việt Nam là một lựa chọn để họ dịch chuyển các phần trong tiến trình sản xuất.

* Trong các hội chợ sắp tới tại Hồng Kông, những ngành hàng nào của Việt Nam có lợi thế xuất khẩu? Qua cửa ngõ Hồng Kông, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế khi làm ăn với doanh nghiệp đại lục?

- Hồng Kông nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trị giá 1,27 tỷ USD. Dù không phải là thị trường lớn để tiêu thụ sản phẩm, nhưng Hồng Kông sẽ là cầu nối, điểm trung chuyển hiệu quả của hàng hóa Việt Nam với thế giới. Vì vậy, qua Hồng Kông, các doanh nghiệp Việt Nam xem xét mở rộng thêm thị trường mới, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi, bên cạnh thị trường chính là châu Âu. Các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các hội chợ tại Hồng Kông để đẩy mạnh xuất khẩu tới các thị trường khác. Tôi thấy những mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam là thủ công mỹ nghệ, dệt may, da giày và phụ kiện dệt may.

Trong năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hồng Kông là 146 triệu USD. Trung Quốc cũng là thị trường lớn đầy tiềm năng qua cửa ngõ Hồng Kông. Đáng chú ý là sau khi thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại Trung Quốc - ASEAN (CAFTA), hầu hết các mặt hàng của Việt Nam vào Trung Quốc được miễn thuế. Thông qua các hội chợ triển lãm của HKTDC, các công ty ASEAN cũng như Việt Nam có thể kết nối với nhiều nhà mua hàng của Trung Quốc.

* Khảo sát của HKTDC cho thấy, các sản phẩm của Hồng Kông, đặc biệt là hàng gia dụng, khá phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giới trung lưu. Hiện nay, các nhãn hàng của Hồng Kông đã có những hoạt động cụ thể nào để bắt được xu hướng này tại thị trường Việt Nam?

- Bossini, Crocodile, Esprit, Giordano... là các nhãn hiệu của Hồng Kông đã xuất hiện tại Việt Nam. Theo ghi nhận của HKTDC, số lượng khách từ Việt Nam tham dự các hội chợ tại Hồng Kông tăng 80% trong vòng ba năm qua. Hiện nay, HKTDC có rất nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, thương hiệu tới người tiêu dùng, như các hội chợ, triển lãm với sự tham gia của hơn 25.000 khách hàng đến từ hơn 32 quốc gia và vùng kinh tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể quảng bá hình ảnh các sản phẩm của mình trên trang web của cục xúc tiến thương mại Hồng Kông (www.hktdc.com). Đặc biệt, chúng tôi có kế hoạch tổ chức chương trình quảng bá các nhãn hàng Hồng Kông tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO