Việt Nam có nên tăng thêm giá năng lượng?

08/06/2015 01:04

Nghiên cứu mới đây của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam và Viện Quốc tế về Phát triển bền vững cho thấy, khả năng thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ

Việt Nam có nên tăng thêm giá năng lượng?

Nghiên cứu vừa hoàn thành của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Viện Quốc tế về Phát triển bền vững (IISD) cho thấy, khả năng thu hút nguồn vốn FDI của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ.

Chi phí điện chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng chi phí doanh nghiệp FDI. Đa số doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện 15%/năm.

Được sự hỗ trợ của EuroCham, IISD và Ủy ban Tăng trưởng Xanh (EuroCham GGSC) vừa hoàn thành nghiên cứu đánh giá quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài đối với giá cả và nguồn cung năng lượng tại Việt Nam.

Năng lượng giá rẻ là yếu tố ít quan trọng

Theo nghiên cứu này, khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam không dựa trên năng lượng giá rẻ.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp nước ngoài không đầu tư vào Việt Nam chỉ vì giá năng lượng được ghi nhận ở mức thấp.

Thực tế, các doanh nghiệp xếp hạng giá năng lượng là yếu tố ít quan trọng nhất trong 10 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ tại Việt Nam.

Nghiên cứu cho biết, các yếu tố quan trọng hơn đối với nhà đầu tư là chi phí, mức độ sẵn sàng của lao động có tay nghề, điều kiện thị trường nội địa và chính sách phát triển của Chính phủ.

Khi được yêu cầu đánh giá tầm quan trọng của giá năng lượng trong quyết định đầu tư (với thang điểm tăng dần từ 1 đến 10), 72% các công ty tham gia cho điểm từ 5 trở xuống.

Chi phí điện chỉ khoảng từ 5-10% tổng chi phí

Các nhà đầu tư nước ngoài không lo ngại lắm về việc giá năng lượng đang có xu hướng tăng dần. Điều này một phần có thể do các công ty nước ngoài tiêu tốn một chi phí tương đối không đáng kể cho điện.

90% công ty nước ngoài trong hầu hết các ngành chi ít hơn 10% trong tổng chi phí hoạt động cho điện, 60% công ty có chi phí cho điện thấp hơn 5%.

Đa số các công ty tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện danh nghĩa hàng năm ở mức 15% hoặc hơn trước khi cân nhắc lại các ý định đầu tư trong tương lai và trên 65% các công ty có thê chấp nhận được mức tăng giá điện 10% mỗi năm.

Việt Nam nên mạnh dạn tăng giá năng lượng đối với các công ty công nghiệp lớn

Với kết quả nêu trên, nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên mạnh dạn hơn trong việc tăng giá năng lượng đối với các công ty công nghiệp lớn.

Thứ nhất, các doanh nghiệp đã cho biết giá năng lượng không phải là động cơ chính trong quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Thứ hai, các công ty cũng thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận nếu giá năng lượng tăng theo thời gian như một công cụ quan trọng để tăng cường hoạt động của ngành điện Việt Nam.

Điều này mang đến không gian chính sách để Chính phủ Việt Nam quyết tâm hơn trong việc đưa ra mức giá năng lượng phù hợp mà không phải lo lắng rằng làm như vậy sẽ gây ra phản ứng ngược bất lợi cho thu hút đầu tư quốc gia.

EuroCham GGSC là cơ quan xúc tiến cho các cuộc đối thoại giữa các Bộ ngành liên quan của Việt Nam với các tổ chức ODA; phối hợp với Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) và nhiều đối tác khác nhằm giải quyết các vấn đề đã được đề cập trong lĩnh vực điện, tham vấn thực hiện lộ trình giá điện và thúc đẩy cho sự phát triển của đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng bền vững.

>Người Mỹ trong "cơn sốt" năng lượng xanh

>Việt Nam - Nga hợp tác đào tạo nhân lực lĩnh vực năng lượng nguyên tử

>Đẩy mạnh hợp tác năng lượng hạt nhân Việt Nam – Hoa Kỳ

>Việt Nam đang thiếu năng lượng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam có nên tăng thêm giá năng lượng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO