Việc làm phải là chỉ tiêu kinh tế số 1

31/07/2014 04:52

Tất cả các chính phủ trên thế giới đều tập trung chính vào tạo việc làm và lạm phát, chứ không phải là GDP hay các chỉ tiêu khác

Việc làm phải là chỉ tiêu kinh tế số 1

Trao đổi về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói:

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

- Năm 2004, Hội nghị Trung ương 5 khóa 9 ra nghị quyết đầu tiên về kinh tế tư nhân. Trong một phiên họp của ban biên soạn dự thảo nghị quyết, tôi đã phát biểu, năm 1986 chúng ta đã có đột phá về tư duy khi công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần. Đến thời điểm này, chúng ta nên khẳng định kinh tế tư nhân là động lực cho nền kinh tế, và toàn bộ hệ thống chính sách phải lấy khu vực này làm trục để thiết kế. Tuy nhiên, lúc đó nhiều người còn phê phán tôi là cổ vũ cho kinh tế tư nhân, đi chệch hướng.

Gần đây, khi họp với Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới, tôi đã nhắc lại ý này. Hôm đó, mọi người vẫn băn khoăn, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là gì, nên lý giải thế nào. Tôi nói, mô hình đó có ba mục tiêu; thứ nhất là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thứ hai, cơ chế vận hành của nó là cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; và cuối cùng là kinh tế tư nhân là động lực. Trên cơ sở như vậy, phải xem xét lại vai trò của Nhà nước. Nhà nước chỉ là người tạo môi trường, hỗ trợ thúc đẩy kinh tế; còn sự nghiệp làm ăn kinh doanh của đất nước này phải là của toàn dân.

Ta không thể chấp nhận kinh tế thị trường mà không chấp nhận kinh tế tư nhân là động lực, như thế là nửa vời. Hãy nhìn kinh tế thị trường ở tất cả các nước trên thế giới xem thế nào.

* Có nhiều người chia sẻ quan điểm đó của ông không?

- Thực ra, tôi đã nói nhiều lần ý trên rồi và không có ai phản đối trong cuộc họp. Thậm chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận còn nói thêm, chúng ta không nên quá coi trọng tính chất đặc thù của mình, mà nên chấp nhận tính phổ quát của nhân loại. Chúng ta chấp nhận kinh tế thị trường thì phải chấp nhận quy luật của nó, mà cơ bản nhất là coi kinh tế tư nhân là động lực, và phải có cạnh tranh. Từ đó, nên xem lại vai trò của kinh tế nhà nước.

Hôm đó tôi cũng nói, nguồn lực của Nhà nước là hữu hạn, còn sức mạnh của người dân là vô hạn. Khi kết luận, Thủ tướng cũng tâm đắc ý đó, ông còn thêm hai chữ “chủ yếu” (kinh tế tư nhân là động lực chủ yếu). Như vậy là có sự chia sẻ.

* Còn luận điểm chính nào nữa để ông khẳng định điều đó?

- Theo tôi, chỉ tiêu kinh tế nên xoay quanh chỉ tiêu tạo công ăn việc làm như các nước khác. Tất cả các chính phủ trên thế giới đều tập trung chính vào tạo việc làm và lạm phát, chứ không phải là GDP hay các chỉ tiêu khác. Thử nhìn vào chỉ tiêu này ở Việt Nam. Khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo chưa đến 10% việc làm, mà chiếm tới 60% nguồn lực như vốn. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân và dân doanh tạo hầu hết công ăn việc làm, thì lại bị phân biệt đối xử.

Khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo chưa đến 10% việc làm, còn lại nằm ở các doanh nghiệp tư nhân và dân doanh

Tôi cho rằng, tạo công ăn việc làm cho nhân dân phải là chỉ tiêu kinh tế số 1. Đó mới là phát triển vì nhân dân. Chúng ta cần xoay lại trục chính sách, chỗ nào tạo nhiều công ăn việc làm nhất, tạo nhiều phúc lợi cho người dân nhất thì phải được coi trọng. Tôi nghĩ, các nhà hoạch định chính sách nên thay đổi tư duy về điều này.

* Là Chủ tịch VCCI 10 năm nay, ông đã chứng kiến thời kỳ nào mà số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều như bây giờ chưa?

- Chưa bao giờ. Tôi đã từng nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất của các doanh nghiệp kể từ khi đổi mới. Trạng thái chung của cộng đồng doanh nhân là co cụm, khó khăn. Tinh thần doanh nhân cần phải được xốc lại… Song đây cũng là giai đoạn lột xác của cộng đồng doanh nghiệp. Giai đoạn phát triển bong bóng phải qua đi, nhường chỗ cho làm ăn hiệu quả.

Hiện nay cả nước có khoảng 480.000 doanh nghiệp, song chỉ có 40% có khả năng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn như thế này, các doanh nghiệp nào duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động là có hiệu quả rồi.

Trong các cuộc thảo luận gần đây, nhiều doanh nhân nói họ vẫn có niềm tin, nhưng họ mong muốn có đột phá về thể chế như Thủ tướng nói. Họ cần môi trường kinh doanh bình đẳng, pháp luật minh bạch.

* Ông lý giải tình trạng trên như thế nào?

- Thời gian dài qua, hệ thống thể chế của chúng ta cổ vũ cho cách làm ăn tìm kiếm địa tô, chụp giật nên nhiều doanh nghiệp chọn lối kinh doanh đó.

Một khi đầu tư vào đất đai, hầm mỏ, và các mối quan hệ mà giàu lên rất nhanh thì thiệt thòi cho các doanh nghiệp cặm cụi đầu tư vào thương hiệu, quản lý, khoa học kỹ thuật, sản phẩm. Rất may là còn nhiều doanh nghiệp vẫn đang đi theo hướng đó, một số doanh nghiệp vẫn đang phát triển tốt.

Bất bình đẳng của khu vực doanh nghiệp tư nhân không chỉ với doanh nghiệp nhà nước, với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, mà ngay cả trong khu vực của họ, giữa doanh nghiệp tư nhân bình thường và doanh nghiệp tư nhân “thân hữu”. Trước đây còn ít, nhưng nay hiện tượng này nở rộ.

Số lượng doanh nghiệp "chết" đi nhiều như thế trong bốn năm gần đây cũng là hệ quả tất yếu. Họ đã chệch hướng trong đầu tư kinh doanh theo hướng ăn xổi ở thì do các chính sách nới lỏng quá đà. Nay khi môi trường kinh tế khó khăn, hội nhập sâu, họ không còn cầm cự được, phải giải thể, phá sản. Xu thế này sẽ còn tiếp tục kéo dài trong nhiều năm nữa, kể cả với các doanh nghiệp lớn.

* Quan sát những vận động chính sách gần đây, ông thấy có hy vọng nào không?

- Những cam kết cải cách dứt khoát từ đầu năm nay mang lại một hy vọng mới. Đặc biệt là Nghị quyết 19 đặt môi trường kinh doanh ở Việt Nam phải đạt được mức trung bình của Hiệp định Tự do thương mại ASEAN+6.

Tôi cho rằng, Chính phủ đã tìm ra chìa khóa để tạo ra đột phá trong hành động của mình, thông qua việc đặt ra chỉ tiêu phải ngang bằng với ASEAN tính bằng ngày, giờ, chi phí. Chính quyền địa phương thì phải đạt được sự hài lòng của người dân và tín nhiệm của doanh nghiệp thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vì đó là bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp.

Ngoài ra, tiến trình hội nhập, và mối quan hệ bất tương xứng về kinh tế với Trung Quốc sẽ là những áp lực để cả Nhà nước và doanh nghiệp tái cơ cấu. Hy vọng đó là những động lực để phát triển kinh tế tư nhân.

>Sao cứ phải là chủ đạo?
>Xây dựng thể chế kinh tế: Đâu là nền móng?
>Kinh tế dân doanh: Tứ bề thọ địch
>Đừng để doanh nghiệp tiếp tục mất niềm tin!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việc làm phải là chỉ tiêu kinh tế số 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO