Vì sao cần quan tâm đúng mức đến AEC?

TS. NGUYỄN ANH DƯƠNG - Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương| 21/09/2016 06:25

Việt Nam gia nhập hiệp hội ASEAN từ năm 1995 nhưng đến nay, dù đã có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015, những cơ hội kinh doanh mà các doanh nghiệp (DN) tận dụng được vẫn chưa nhiều.

Vì sao cần quan tâm đúng mức đến AEC?

Việt Nam gia nhập hiệp hội ASEAN từ năm 1995 nhưng đến nay, dù đã có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) từ cuối năm 2015, những cơ hội kinh doanh mà các doanh nghiệp (DN) tận dụng được vẫn chưa nhiều. 

Đọc E-paper

Những năm gần đây, tỷ lệ DN xuất khẩu vào ASEAN được hưởng ưu đãi thuế rất thấp. Chênh lệch thuế suất không nhiều, nên các DN ít quan tâm đến việc làm thế nào để được hưởng thuế suất ưu đãi. Cạnh đó, một số DN muốn tận dụng ưu đãi thuế khi xuất khẩu vào các nước khác cần có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO), lại tốn không ít thời gian, chi phí để xin được giấy tờ cần thiết.

Thực tế, các cơ quan quản lý nhà nước và DN chưa có chuẩn bị cần thiết để tận dụng cơ hội từ AEC, chưa quan tâm đến việc làm thế nào để DN đủ điều kiện hưởng các ưu đãi về thuế. AEC có một yêu cầu rất linh hoạt, đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa gộp. Để hưởng ưu đãi thuế, theo quy định của AEC, xuất khẩu vào một nước trong Hiệp hội phải có hơn 40% giá trị sản xuất từ các nước ASEAN, nhưng khi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, phần lớn DN Việt Nam chưa quan tâm đến việc lấy CO. 

Chính vì vậy, dù đạt tỷ lệ xuất xứ hàng hóa nhưng do không có giấy tờ để chứng minh nên khi xuất khẩu vào các nước ASEAN, DN Việt Nam vẫn không đủ điều kiện để được ưu đãi.

Xúc tiến nhập khẩu phù hợp để DN chế biến, gia công và tái xuất khẩu ra nước ngoài được hưởng các điều kiện ưu đãi là việc phải làm để nhập khẩu đóng góp được cho xuất khẩu. Tuy nhiên, tư duy này chưa được cơ quan quản lý nhà nước chú trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc DN tận dụng cơ hội từ thị trường ASEAN.

>>ASEAN - Thành công đang bị trì hoãn

Trên thực tế, tự thân DN vẫn có lúc không xác định được thế nào là nguồn hàng phù hợp ở các nước ASEAN. DN Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa nên một khi không đáp ứng được yêu cầu xuất xứ hàng hóa ở trong nước thì việc tìm được các đối tác phù hợp ở nước ngoài để cung ứng nguyên vật liệu đầu vào là không dễ. Họ cũng không thể tự ra nước ngoài để tìm kiếm bạn hàng, đơn hàng bởi tài chính hạn hẹp. Trong khi các cơ quan xúc tiến thương mại gần như chỉ quan tâm đến việc thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt mà ít quan tâm đến xúc tiến nhập khẩu.

Trái lại, DN nước ngoài tận dụng thị trường Việt Nam rất tốt. Họ quan tâm nhiều đến việc làm thế nào đáp ứng các điều kiện xuất xứ hàng hóa, quan tâm đến chuỗi sản xuất, yêu cầu về CO.

Rõ ràng tư duy của DN Việt Nam và DN nước ngoài khác biệt khá nhiều trong việc tận dụng các ưu đãi, nhưng có một phần nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà trước trong việc làm thế nào để giúp DN tận dụng được các cơ hội và hưởng lợi từ AEC.

Lâu nay, các cơ quan quản lý và truyền thông phần nhiều đề cập đến kế hoạch hành động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 mà bỏ qua kế hoạch hành động của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC).

Trong khi đó, kế hoạch hành động hướng tới ASCC 2025 có những vấn đề liên quan trực tiếp đến kinh tế, như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực, những vấn đề liên quan trực tiếp đến nông nghiệp và nông thôn của Việt Nam. Đó là một trong những thiếu sót.

AEC ra đời đã 9 tháng nhưng sự quan tâm của DN và cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước đã giảm đi, tập trung nhiều hơn đến các FTA với EU. Điều này đã ảnh hưởng đến sự chuẩn bị và thực hiện các hoạt động liên quan đến ASEAN. Quan trọng hơn, ảnh hưởng này tác động lên tư duy và nhận thức của quá trình thực hiện AEC trong bối cảnh có những hạn chế khách quan về nguồn lực, con người.

Vấn đề tận dụng cơ hội từ AEC và FTA Việt Nam - EU và một loạt hiệp định thương mại tự do khác phải được nhìn nhận trong một tổng thể, dài hạn. DN nên bắt đầu thực thi các hiệp định dễ đáp ứng, dễ thực hiện.

Sau khi nâng cao được năng lực, tích lũy được vốn thì chuyển sang các hiệp định quan trọng hơn, như FTA với EU và vài năm tới có thể là TPP. Đó là cách để DN chuẩn bị và hướng tư duy vào "cuộc chơi" dài hạn. Đó cũng là việc các cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm.

HẢI VÂN ghi

>>2015 - Năm "kỷ lục" về hiệp định thương mại tự do của Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao cần quan tâm đúng mức đến AEC?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO