Vì một nụ cười du lịch

XUÂN LỘC/DNSGCT| 23/11/2013 08:50

Một cuộc “đại phẫu” về các vấn đề an ninh, trật tự xã hội đang được rất nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch mong chờ...

Vì một nụ cười du lịch

Tại buổi Đối thoại với doanh nghiệp do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức vào ngày 14/11 vừa qua, một trong những thắc mắc mà các doanh nghiệp lữ hành đặt ra cho đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố là: “Khi nào giải quyết được nạn chặt chém, chèo kéo, cướp giật trên địa bàn thành phố, đảm bảo môi trường du lịch an toàn và thân thiện cho khách du lịch?”.

Đọc E-paper

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Đội bảo vệ khách du lịch chỉ có chức năng dẫn khách qua đường là chủ yếu chứ chưa thể giải quyết những vụ cướp giật, chặt chém

Câu hỏi “khó trả lời” trên (theo cách nói ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố) tuy không mới nhưng luôn nóng trong những buổi hội thảo nhằm cải thiện môi trường du lịch vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến bộ mặt ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh.

Ngay tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố, các vụ cướp giật, chèo kéo khách mua hàng, lừa đảo để lấy giá dịch vụ quá cao... vẫn xảy ra như “cơm bữa” khiến du khách không khỏi lo ngại.

Thậm chí các ban ngành của thành phố từng nhận hơn 200 công hàm của cơ quan ngoại giao cảnh báo rằng nếu tình hình an ninh không cải thiện thì có thể sẽ đưa ra khuyến cáo khách du lịch không nên đến TP. Hồ Chí Minh nữa.

Cứ sau mỗi đợt bị “than phiền”, thành phố lại tổ chức nhiều đợt trấn áp tội phạm, tăng cường lực lượng bảo vệ du lịch nên tình hình có giảm. Nhưng ngay khi chiến dịch buông lỏng, lập tức tình trạng xâm phạm tài sản của du khách tăng lên.

Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thì hàng vạn đôla chi cho các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch mỗi năm cho thành phố cũng không thể tăng thêm niềm tin cho khách du lịch.

Ông Nguyễn Thành Rum cho biết: “Tình trạng chèo kéo khách không chỉ diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh mà ở khắp nơi trên cả nước và vấn đề này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước và sự phối hợp giữa các đơn vị một cách đồng bộ chặt chẽ, thực hiện công tác vận động với người dân và các hành vi vi phạm phải được xử lý”.

Câu trả lời này có nên hiểu là các ban ngành cũng chưa có giải pháp cho vấn đề trên hay không?

Cũng không thể phủ nhận rằng thành phố đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm giải quyết tình trạng cướp giật, chèo kéo, chặt chém du khách này nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Chẳng hạn như đội bảo vệ khách du lịch, thành lập từ năm 2006, được huấn luyện về giao tiếp, võ thuật, ngoại ngữ... để không chỉ bảo vệ và hướng dẫn du khách mà còn ngăn hàng rong chèo kéo, lừa đảo, ép mua giá cao, trộm cắp và cướp giật tài sản của du khách...

Không ít người tại hội thảo thắc mắc: “Gần 250 người của đội bảo vệ khách du lịch đứng ở đâu, làm thế nào để nhận ra họ?”. Điều đó cho thấy các thành viên của đội này hầu như chưa tạo thành một hình ảnh quen thuộc hoặc chưa thể hiện rõ vai trò của mình.

Họ là lực lượng thanh niên xung phong (mặc đồng phục màu xanh lá cây), thường chốt trực tại 24 điểm, tập trung tại khu vực trọng điểm là Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành, dinh Thống Nhất, khu phố Phạm Ngũ Lão và các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, bến Bạch Đằng…

Mọi người thường thấy lực lượng này chỉ có chức năng dẫn khách qua đường là chủ yếu chứ chưa thể giải quyết những vụ cướp giật, chặt chém du khách. Đôi khi, đội bảo vệ không vũ khí này còn bị tấn công bởi nhiều hàng rong, tội phạm và bảo kê.

Cần một cuộc “đại phẫu” hơn là một lực lượng cảnh sát du lịch

Trước tình hình môi trường du lịch ngày càng kém an toàn cho khách du lịch, Chính phủ và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang tiến hành nghiên cứu thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo vệ du khách và ngăn chặn tình trạng chặt chém giá dịch vụ du lịch và các sản phẩm đi kèm.

Đề xuất này đã được đưa ra cách đây nhiều năm trước nhưng Bộ Công an không đồng ý vì cho rằng đã có các lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát điều tra, công an các phường, xã, lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng thanh niên xung phong tại các địa điểm du lịch lớn đang thực thi việc đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch.

Nếu thành lập cảnh sát du lịch có thể làm tăng thêm lượng biên chế lớn cho công an  thành phố, khiến bộ máy thêm cồng kềnh, tốn kém ngân sách và quản lý chồng chéo. Hơn nữa, nếu khâu quản lý hàng rong và an ninh trật tự trong thành phố chưa tốt thì liệu có thêm hàng trăm cảnh sát du lịch liệu có giải quyết dứt điểm nạn trộm cắp, trấn lột, chèo kéo, chặt chém du khách?

Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã công bố số điện thoại đường dây nóng của các đơn vị nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến an ninh trật tự du lịch trên địa bàn thành phố như: Cảnh sát hình sự Công an thành phố (08 38387200), Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (08 38300701), Lực lượng hỗ trợ du khách (08 39250000), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (08 38234056).

Những số điện thoại nóng được phổ biến rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông, công bố tại nhiều vị trí đông du khách, truyền đạt tới từng nhân viên trong ngành.

Việc lập ra một đường dây nóng tại các điểm du lịch để giải quyết các rắc rối mà du khách gặp phải là rất cần thiết nhưng cần đảm bảo đường dây nóng này hoạt động thật hiệu quả và nhanh chóng. Vì du khách khi gọi đường dây nóng mà không nhận được sự trợ giúp kịp thời thì không chỉ làm cho lòng tin của họ đối với các cơ quan chức năng bị mất đi mà người báo còn có thể gặp nguy hiểm nữa.

Thực tế, không cần ai báo qua đường dây nóng thì hầu hết chúng ta đều có thể thấy ngay những biểu hiện vi phạm tại các điểm du lịch trong thành phố như: gánh hàng rong quanh khu vực Nhà thờ Đức Bà, những chiếc xích lô quanh khu vực chợ Bến Thành, đoàn xe taxi dù đậu quanh Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…

Nếu lực lượng chức năng không lơi lỏng mà thường xuyên xử lý một cách kiên quyết và có chế tài đủ mạnh với những vi phạm được cho là không lớn này thì có lẽ, những bài báo như “Tại sao tôi không bao giờ quay trở lại Việt Nam” (Why i’ll never return to Vietnam) của tác giả Matt Kepnes sẽ không còn và chiến dịch “Nụ cười du lịch” của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hy vọng sẽ thành hiện thực.

Vì vậy, trước khi xem xét hiệu quả của lực lượng cảnh sát du lịch thì một cuộc “đại phẫu” về các vấn đề an ninh, trật tự xã hội đang được rất nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch mong chờ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì một nụ cười du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO