Vắng bóng DN tư nhân trong chính sách nông nghiệp của ASEAN

XUÂN HÙNG| 03/07/2015 06:44

Làm thế nào để tăng cường sự hợp tác trong ASEAN như tăng cường sự phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp?

Vắng bóng DN tư nhân trong chính sách nông nghiệp của ASEAN

Một vấn đề lớn được đặt ra trước thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành: Làm thế nào để tăng cường sự hợp tác trong ASEAN như tăng cường sự phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh trong sản xuất nông nghiệp?

Đọc E-paper

Thách thức lớn đặt ra cho Việt Nam và các nước ASEAN là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về các mặt hàng sản xuất theo hướng bền vững như gạo, cà phê, chè và các mặt hàng nông sản quan trọng khác.

Tuy nhiên, nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với chất lượng sản phẩm không đồng đều, hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng không cao, chuyển dịch cơ cấu sản xuất chậm, khả năng cạnh tranh thấp.

Bên cạnh đó là vấn đề thu nhập cho người nông dân để đảm bảo sự gắn kết và lợi ích của người dân về những thành quả của ngành nông nghiệp và giảm thiểu tác động tới môi trường.

Các quốc gia ASEAN đang đẩy mạnh hợp tác và đầu tư mô hình đối tác công - tư (PPP) để phát triển nền nông nghiệp bền vững, làm khởi sắc nông thôn và nâng cao thu nhập của nông dân.

Doanh nghiệp (DN) là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình này nhưng việc đảm bảo quy trình ra quyết định của ASEAN đang ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nông nghiệp, mất cơ hội đầu tư của DN.

>>Nông nghiệp Việt Nam: Làm sao để phát triển?

Theo ông Tan Sri Dr Munir Abdul Majid, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh doanh ASEAN, tài chính lâu nay vẫn là nút thắt lớn ảnh hưởng đến đầu tư vào nông nghiệp.

Nhưng để thống nhất được một vấn đề liên quan đến chính sách hợp tác trong khu vực, có ít nhất 10 thành viên tham gia bàn bạc và quá trình này phải đảm bảo được cấu trúc cũng như cam kết thống nhất từ dưới lên trên.

Trong khi đó, ông Majid cho rằng, có thể xử lý ngay bằng cách thay đổi thể chế, quy định để xây dựng một ngân hàng SME online.

Ngân hàng sẽ dùng vốn tư nhân đầu tư thay vì dùng nhà nước và giải quyết nhu cầu vốn cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp khu vực ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Quốc Doanh:

Thời gian tới mô hình PPP sẽ được nhân rộng, dự kiến đến năm 2017, có khoảng 500 ngàn hộ nông dân tham gia các dự án đối tác công - tư của ngành nông nghiệp tại Việt Nam.

Một điểm quan trọng nữa, nông nghiệp đang là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của khu vực ASEAN, nhưng có rất ít đại diện kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp.

>>Nông nghiệp Việt phải cải tiến từ "gốc" đến "ngọn"

Tăng cường hợp tác trong ASEAN, ông Majid cho là phải cải thiện ba vấn đề: Khu vực tư nhân tham gia quy trình đưa ra quyết định của ASEAN, hợp tác công - tư trong nông nghiệp và tài chính cho DN vừa, nhỏ, siêu nhỏ trước khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Nhìn vào thực trạng hợp tác trong ASEAN hiện nay, chuyên gia nông nghiệp đến từ nước Anh, ông Peter Timer nói phải tính đến vai trò chính sách trong nước của các quốc gia thành viên.

Hiện nay, nông nghiệp vẫn là nội dung nặng chính sách trong nước nhiều hơn chính sách khu vực hay quốc tế.

Mỗi quốc gia đều có những chính sách phát triển nông nghiệp riêng. Ông Peter Timer nói "rất khó” lồng ghép nội dung về thương mại nông nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.

>>Chính phủ ban hành chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp

Điều này cũng đồng nghĩa với việc khó có được chính sách phát triển nông nghiệp chung của khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Peter Timer nói phải cân bằng được lợi ích giữa nhà nước và tư nhân.

Tất nhiên, khu vực tư nhân phải làm việc, vận hành trong khuôn khổ cho phép, nhưng nhà nước phải đảm bảo kinh tế thị trường vận hành thông suốt trong nền kinh tế.

Một điểm nữa, phải xây dựng và vận hành được mô hình hợp tác công - tư để phát triển nông nghiệp. Chỉ khi đã đạt được những cấp độ đó, sản xuất nông nghiệp của ASEAN mới thực sự bền vững.

ASEAN đang xây dựng chương trình nghị sự sau năm 2015. Ông Majid cho biết, bản dự thảo chương trình có đề cập đến phát triển bền vững nhưng không biết có bao nhiêu nội dung liên quan đến nông nghiệp.

Cạnh đó, vấn đề tiếp cận tài chính trong nông nghiệp rất quan trọng nhưng không thấy đề xuất trong dự thảo.

>>Nông nghiệp công nghệ cao: Tỷ phú làm nông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vắng bóng DN tư nhân trong chính sách nông nghiệp của ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO