Văn hóa mở: Ở đây, lúc này...

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN| 03/02/2016 06:34

Toàn cầu hóa đang ở đây, lúc này, trong công sở, trong ngôi nhà, công xưởng, khu phố, trên cánh đồng và trong những đô thị của chúng ta đang sống. Chúng ta đang bước đi ở trung tâm của một nền văn hóa mở.

Văn hóa mở: Ở đây, lúc này...

Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên khi thời gian tới, những sách nghệ thuật sống sẽ được soạn lại. Thậm chí, dòng sách này sẽ không còn định dạng như những quyển sách truyền thống, mà được chia nhỏ, dưới hình thái tản mạn mang tính chia sẻ kinh nghiệm được xuất bản trôi nổi trên các trang mạng xã hội.

Đọc E-paper

Thế giới số đang thay đổi quá nhanh, kéo theo đó là sự thay đổi về phương thức sống. Trong tư thế của kẻ hưởng thụ những thành tựu, chúng ta liên tục đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trong trạng thái ngơ ngác đến hào hứng tiếp nhận văn minh công nghệ, lắm lúc chúng ta cũng đồng thời tiếp nhận những cú sốc không nhỏ về văn hóa.

2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khi đó những cụm từ như "ra biển lớn", "mở cửa hội nhập" được dùng phổ biến tới mức bị lạm dụng. Nó phản ánh một não trạng từ lâu (cá nhân người phát ngôn và cộng đồng) quen sống trong tình trạng tự đặt mình ở thế ngoại lệ trước thế giới và đã đến lúc cần chủ động hòa đồng.

Trong cách tu từ về toàn cầu hóa lúc đó, chúng ta cũng thấy rằng, "hội nhập" là cái gì đó đang "nằm ở ngoài kia" và chúng ta phải bước ra, phải mở cửa, chống mắt lên nhìn ra bên ngoài, phải vượt thoát khỏi cái rốn vũ trụ của chính mình cả về địa lý lẫn tâm thức. Nhưng ngay lập tức, công nghệ đã đính chính cách hiểu đó một cách khá nhẹ nhàng và tế nhị: Các người hãy ngồi tại chỗ đó và chuẩn bị sự thay đổi từ bên trong tư duy, toàn cầu hóa đã và đang ở đây, lúc này, chứ chẳng nơi nào khác!

Các bộ tiêu chuẩn trong sản xuất, dịch vụ thế giới công nhận đi vào đời sống ban đầu vì lợi ích vật chất, sau đó là vì luật chơi chung, có những nét văn hóa chung. Các hành xử văn minh trong xã hội cũng được chuẩn tắc hóa theo sự du hành văn hóa thời toàn cầu. Chính sách an sinh, môi trường, hành chính vì mục tiêu phát triển con người cũng phải thay đổi để mình không còn trở thành một ngoại lệ trước thế giới.

Phía sau những hiệp ước, hiệp định xuyên quốc gia, khu vực và thế giới là sự hòa dòng bản sắc toàn cầu mà sự ảnh hưởng sau đó tác động đến từng cá nhân. Bác nông dân ở vùng sâu vùng xa lâu nay quen canh nông truyền thống sẽ phải tham gia vào những khu sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn nông nghiệp sạch nếu muốn gia tăng giá trị sản phẩm và giá trị lao động. Người làm dịch vụ muốn phát triển bền vững phải sớm cập nhật những bộ quy tắc phát triển nhân sự, chiến lược theo những mô hình có tính quy chuẩn văn minh trên toàn cầu, không thể tùy tiện được nữa. Người làm hành chính công cũng phải thay đổi cung cách, lề lối, thái độ và gia tăng tính hiệu quả phục vụ người dân, nhà đầu tư - khi đây chính là bộ mặt, uy tín quốc gia trong tiến trình hội nhập...

Bối cảnh văn hóa thay đổi cộng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đưa những cá nhân trong xã hội vào một bầu khí quyển khác, ở đó, những tương quan cá nhân với xã hội được sắp xếp lại.

Toàn cầu hóa không phải ở đâu xa xôi, mà ngay trong nội tại những con người có trang bị khả năng thích ứng với những đổi thay trong một thế giới mới thiên biến vạn hóa mà các triết gia ưa gọi bằng hai từ "bất định" (để phân biệt với xã hội tất định truyền thống).

>>Tư duy toàn cầu - "chìa khóa" để startup gọi vốn

Về phát triển con người, trong thế giới mở, công nghệ trao cho mỗi cá nhân sự chủ động và cơ hội phát triển. Rồi đây những trường học ở các quốc gia chậm phát triển sẽ không nhất thiết phải phục vụ cho số đông học sinh, sinh viên nghèo bởi mô hình đào tạo từ xa, qua mạng sẽ giúp cho nhiều người dân nghèo có cơ hội theo đuổi con đường học vấn, làm giảm bất bình đẳng.

Chất lượng sống sẽ nâng cao khi người dân nắm trong tay phương tiện công nghệ và có thể truyền thông đối thoại với những nhà làm chính sách, thực thi chính sách.

Trong mỗi gia đình, rõ ràng không phải đợi đâu xa xôi, hiện tại internet đã làm cho những cá nhân có thể vượt qua khoảng cách địa lý để gần gũi nhau hơn.

Thế giới thời toàn cầu hóa đang ngày một nhỏ lại về kích thước, và sẽ còn nhỏ lại khi một ngày nào đó, bạn có thể ngồi tại chính căn phòng tư gia để xem một trận bóng World Cup ở sân vận động bên châu Âu chẳng khác nào những khán giả sở tại, chỉ bằng một chiếc máy chiếu 3D. Bạn cũng có thể trở về quá khứ mà không cần chiếc máy thời gian của chú mèo Doreamon, chỉ cần chọn những bức ảnh tuổi thơ, nhập vào máy tính và chiếu lại với một phần mềm xử lý hình ảnh tĩnh sang động, hình hai chiều sang ba chiều.

Cũng với cách đó, bạn có thể ngồi nhà để xem một buổi biểu diễn thời trang hàng đầu tại Milan (Ý) và gặp những người mẫu, nhà thiết kế mà bạn ngưỡng mộ, không phải bằng chiếc tivi màn hình phẳng hay cong đang truyền hình trực tiếp mà bằng công nghệ 3D và kết nối thông minh.

>>Hạ tầng thông minh, bao giờ con người thông minh?

Chúng ta đang thay đổi cảm giác thời gian, thay đổi cả khoảng cách trong không gian.

Những sáng chế của Apple từng làm thay đổi văn hóa tiêu dùng trong xã hội công nghệ hôm qua rồi đây sẽ là chuyện cũ. Con người đi đến tương lai với vô vàn những điều kỳ thú đón đợi. Nhưng trong cuộc xáo trộn đổi thay đó, cuộc sống của mỗi người sẽ cần trang bị những gì?

Tha nhân sẽ vẫn là tha nhân đó, với đầy đủ bản chất của những mối tương quan xã hội muôn thuở. Cơ hội tương tác với tha nhân sẽ gia tăng, dễ dàng, đồng thời cũng báo trước về sự va chạm và rạn nứt nếu bản thân mỗi người vẫn giữ thế "tự kỷ trung tâm" như hôm qua. Sự đau khổ và ngang trái trong đời sống thực sẽ vẫn tiếp diễn nếu vẫn còn sự khuếch đại hay huyễn tưởng cá nhân, dù là trên thế giới ảo.

Cuộc sống riêng tư của mỗi người đang trở nên công cộng hóa trên không gian mạng xã hội như một hiện tượng văn hóa mở của thời đại chúng ta. Trong vô số những lao xao của hiệu ứng đám đông, sự tử tế và tích cực không vì thế mà chìm khuất.

Có lẽ tinh thần vị tha và sẻ chia cơ hội phải là một trang bị quan trọng trong bộ nguyên tắc quản trị cá nhân trong bối cảnh văn hóa này. Cơ hội cần được san sẻ nhiều hơn để những tiếng nói, thông điệp vì con người và các giá trị tiến bộ, nhân bản được cất lên.

Lạc quan về sự tiến bộ công nghệ số tham gia tích cực vào cuộc sống thực, hai tác giả Eric Schmidt và Jared Cohen viết trong cuốn Sống sao trong thời đại số?: "Điều tốt đẹp nhất một người có thể làm để nâng cao chất lượng cuộc sống trên thế giới là đẩy mạnh sự kết nối mạng và cơ hội công nghệ cho mọi người".

Với công nghệ, quá trình toàn cầu hóa đang xảy ra nhanh chóng hơn. Toàn cầu hóa đang ở đây, lúc này, trong công sở, trong ngôi nhà, trong công xưởng, trong khu phố, trên cánh đồng và trong những đô thị của chúng ta đang sống chứ không ở đâu xa.

Và vì thế, chúng ta không được quyền quên rằng, đôi chân mình đang bước đi ở trung tâm của một nền văn hóa mở. Một nền văn hóa mở cần những cá nhân hiếu tri, luôn ở thế độc lập và chủ động, cởi mở và vị tha để làm chủ giá trị của bản thân, cộng đồng và thích nghi tốt với mọi đổi thay.

>>Tiếp thị số: Từ toàn cầu hóa đến đa văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa mở: Ở đây, lúc này...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO