Văn hóa đọc không chỉ bị nhiễu loạn…

KIM ANH thực hiện/DNSGCT| 02/07/2014 07:18

Nói đến Nguyễn Thị Minh Thái, người ta nghĩ ngay đến người phụ nữ nhanh nhẹn, hoạt bát “miệng nói, mắt nói, tay làm”,...

Văn hóa đọc không chỉ bị nhiễu loạn…

Nói đến Nguyễn Thị Minh Thái, người ta nghĩ ngay đến người phụ nữ nhanh nhẹn, hoạt bát “miệng nói, mắt nói, tay làm”, người phụ nữ hiếm hoi nổi danh trên văn đàn, trên truyền thông về khả năng gọi sự vật đúng tên của nó, khả năng nêu bản chất vấn đề chỉ bằng một vài câu nói thẳng, đầy hóm hỉnh.

Đọc E-paper

Cũng vì thế mà không ít người ngại tiếp xúc với chị. Nhưng khi chị nhận lời, cuộc chuyện trò giữa chúng tôi kéo tới hơn ba giờ đồng hồ… thì đó là một Nguyễn Thị Minh Thái khác – một người đàn bà sắc sảo nhưng vẫn rất hồn nhiên, trong trẻo, nếu không muốn nói là đôi khi có vẻ ngơ ngác giữa đời thường.

Chị hồn nhiên yêu, hồn nhiên ghét, hồn nhiên tha thứ, hồn nhiên bày tỏ chân lý, hồn nhiên truyền đạt tận tình kho kiến thức của mình cho sinh viên với một phương pháp chẳng giống ai – nhưng lại được sinh viên đón nhận nhiệt tình, hăm hở, sung sướng…

Có lẽ chính vì sự hồn nhiên ấy mà đã ngoại lục tuần, ở chị vẫn thấp thoáng bóng dáng của “người đàn bà đẹp” thuở nào – người đàn mà không ít đấng mày râu cùng thời từng mến yêu. Hai công việc cả đời Nguyễn Thị Minh Thái theo đuổi là dạy và viết. Chị nói:

Trong nhận thức về phát triển bản thân, tôi thấy việc tự học chiếm tỷ lệ áp đảo, chứ không phải là được nhồi nhét về kiến thức. Tôi là người cố gắng và chắc chắn tự giải phóng năng lượng của mình để trở thành một người độc lập về tư duy cũng như trong cách ứng xử, nhất là với bản thân.

Tôi tin là mình đã thiết kế được cho bản thân một background (phông, nền) khá là tử tế. Vì thế, khi tôi ngã (trong đời ai chẳng có lần vấp ngã!), nói như Phùng Quán thi sĩ: “Khi tôi ngã, tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy” – còn tôi, tôi vịn vào chữ/vào chính mình mà đứng dậy.

PGS-TS Văn học Nguyễn Thị Minh Thái - Tranh: Hoàng Tường

* Hẳn là những con chữ – theo cách nhìn của chị, có một “năng lực” đặc biệt?

- Trong các loại hình văn nghệ thì nghệ thuật văn chương đứng riêng ra một lối, ở tính đặc thù của ngôn ngữ loại hình. Đó là tính phi vật thể của ngôn ngữ văn học, bởi văn học hiện diện với tư cách là nghệ thuật ngôn từ.

Nói trắng ra theo diễn nôm, văn học là nghệ thuật viết chữ của từng nhà văn; trong cái viết riêng tư đặc trưng, dẫn tới tác phẩm văn học là sự tổ chức đặc thù của con chữ, nên bản thảo của nhà văn phải được in ấn, xuất bản thành sách văn học và, đương nhiên, phải dẫn đến cái đọc của độc giả.

* Nhưng “cái đọc của độc giả” hiện nay đã từng được chị cho là “bi kịch” khi không ít người đọc không vỡ chữ văn chương… Vấn đề có thực sự là ở người đọc hay là của cả nhà văn, thưa chị?

- Quan hệ lớn nhất và duy nhất của tác phẩm văn học là quan hệ giữa cái viết và cái đọc, giữa nhà văn và người đọc – đã chỉ thông qua… chữ và chữ. Vì thế, mối bận tâm lớn nhất, đặc trưng nhất của cả hai bên, nhà văn và bạn đọc, chính là việc viết chữ văn chương thế nào và đọc chữ văn chương ra sao.

Ấy là chưa kể đến nghệ thuật chữ của từng nhà văn, nhà thơ, nhất là kiểu nhà thơ như Lê Đạt. Ông thấy chữ thơ có thể tỏa bóng rợp mát cả một vùng tâm linh người đọc, ông thấy chữ có thể lay động và in bóng trên mặt sóng dưới chân cầu, nên cả nghĩ mà đặt tên tập thơ mình là “Bóng chữ”.

Trên tinh thần triết học về lao động con chữ, chưa ai như Lê Đạt, tự gọi cái nghề thơ của mình là nghề làm “phu chữ”.

Trải nghiệm cho tôi biết, có những sách văn học đọc đi đọc lại suốt quãng đời dài của đời sống hữu hạn mà vẫn chưa thể đi đến đáy cùng của con chữ. Chính điều ấy khiến tác phẩm văn chương thứ thiệt luôn xuyên qua thời gian, không gian, để còn mãi và luôn thách thức cái đọc trong sự hữu hạn của đời sống con người.

* Thế thì “bi kịch” ở đây, có vẻ như chị “ám chỉ” người đọc – nhà phê bình?

- Có thể nói, nhà phê bình văn học đứng giữa độc giả và nhà văn. Nhưng đó là một độc giả đặc biệt vì đó là người phải biết cách đọc hay nhất, chính xác nhất và cũng đặc biệt nhất tác phẩm văn chương. Nhưng muốn đọc đến trình độ cao như thế, thì nhà phê bình buộc phải vượt qua được bi kịch “đọc không vỡ chữ”.

Những nhà phê bình mà không đọc vỡ chữ văn chương thì không thể bình luận văn chương một cách độc đáo và thấm thía theo cách riêng. Cả đời tôi vùng vẫy để gắng thoát khỏi cái bi kịch ấy.

Tôi không nói là tất cả những ai cầm bút phê bình văn chương cũng có thể đào thoát khỏi bi kịch ấy, nhưng quả thật, không ít nhà phê bình đã và đang lâm vào cái bi kịch ấy, dù không muốn.

* Liệu nhận xét ấy có bị “bi kịch” hóa không, thưa chị – với tình hình phê bình văn học hiện nay?

- Không hề quá! Chính vì đọc không vỡ chữ nên không ít tác phẩm mới, nhà văn mới xuất hiện bị đối xử một cách bất công. Dẫn chứng nhé:

Chúng ta từng chứng kiến cách đọc văn như đọc báo trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cùng sự quá lời làm tổn thương nhà văn, khi một vài cán bộ văn nghệ ở tỉnh Cà Mau đã kết tội nhà văn nữ này một cách thô bạo và khiên cưỡng…

Ở Việt Nam hiện giờ đã hiển thị một tình trạng không nghề gì ra nghề gì, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Tính nghề nghiệp đang bị tha hóa vào tính nghiệp dư.

Tôi thử hỏi: trong các nhà phê bình văn học, ai sống được bằng nghề phê bình? Không ai cả! Mà các nhà văn, không phải ai cũng có thể viết ra những tác phẩm hay, choáng váng đến mức các nhà phê bình phải “vồ” lấy. Cho nên rất ít việc văn chương để phải làm cho tử tế, nếu ai đó muốn hành nghề phê bình…

* Chị có cho rằng vì thiếu những cây bút phê bình mà sự đọc bây giờ cũng nhiễu loạn?

- Đúng vậy, văn hóa đọc không chỉ bị nhiễu loạn mà còn đang bị xuống cấp trầm trọng vì nhiều lý do, trong đó có lý do nó không hấp dẫn bằng nhiều trò giải trí khác. Nhưng có lẽ, lý do quan trọng nhất là sự giáo dục về việc đọc cho trẻ em từ khi còn nhỏ đã bị lơ là – ngay từ trong mỗi gia đình.

Đọc như thế nào, việc chọn sách ra sao phải trở thành thói quen từ nhỏ. Bố mẹ ham đọc sách, biết cách chọn sách thì sẽ biết dạy con chọn sách và đọc sách.

Sau nữa là lý do khách quan, ở ta thiếu hẳn các bộ sách công cụ để sinh viên tự học thông qua sự đọc nhằm nâng cao sự hiểu biết của mình. Tôi cho rằng, một quốc gia muốn phát triển hiện đại phải có một hệ thống sách công cụ hiện đại cho tất cả các lĩnh vực sinh hoạt văn hóa mà quốc gia ấy muốn phát triển.

Ví dụ, muốn xây dựng một bộ luật thì phải nghiên cứu luật pháp cổ đại, hiện đại, luật pháp phương Tây, luật pháp phương Đông… để có căn cứ mà thiết kế con đường phát triển một cách có chiến lược.

Tất cả các học giả, trí thức của quốc gia này cần phải tập trung trí não mà “tặng” cho nhà nước một hệ thống sách công cụ quốc gia, để chính nhà nước nghiên cứu.

* Theo chị, Ngày hội đọc sách mà Chính phủ vừa quyết định tổ chức vào ngày 21/4 hằng năm – liệu có cải thiện được tình hình?

- Tôi cho rằng muốn cứu lấy văn hóa đọc không thể nói chung chung được. Không thể biến ngày đó thành ngày hội hè, cờ, đèn, kèn trống; kéo nhau đến đó để mua sách giá rẻ và không có lẽ giới trẻ chỉ đến hội sách nhằm tìm sách giải trí?

Mười cuốn sách được coi là bán chạy nhất trong hội sách lần thứ 8 của TP.HCM vừa rồi, trong đó hoàn toàn thiếu vắng sách công cụ, cho một lực lượng bạn đọc rất cơ bản là sinh viên…

Việc đầu tiên phải chỉ ra rằng: giới trẻ mà không tìm đọc sách công cụ thì quốc gia khó mà phát triển được. Bên cạnh đó, không thể trông chờ vào mỗi một ngày hội đọc sách trong năm mà có thể cải thiện được tình hình.

Vừa rồi, ở Thái Bình có người đã nghĩ ra cách làm rất hay là ở mỗi làng, xã (có điều kiện) người ta đều xây dựng tủ sách dòng họ.

Ở nhiều nơi còn có mô hình tủ sách của phụ huynh học sinh trong các trường, ở các cấp học. Tủ sách phụ huynh được tổ chức theo cách mỗi phụ huynh nộp 50 ngàn đồng để mua sách đặt ngay trong lớp học để giờ ra chơi, thay vì chuyện phiếm, ăn quà vặt, học sinh sẽ lấy sách ra đọc.

Mỗi người nộp chỉ 50 ngàn đồng để mua sách, nhưng tập hợp lại, thư viện sẽ có rất nhiều sách, và kết quả là, lượng đọc của một học sinh sẽ tăng gấp 30 lần của 50 ngàn đồng là 1.500.000 đồng (tính theo giá bìa).

Vì vậy, tri thức sau khi được nhận bằng cách đọc, thông qua một thư viện lớp học như thế thì tình hình sẽ hoàn toàn khác: sức đọc ở nông thôn, vốn được coi là yếu vì thiếu vắng sách, sẽ tăng lên đáng kể.

Một dân tộc muốn được coi là phát triển văn hóa thì phải đạt đến một trình độ nào đó về tư duy. Mà trình độ ấy phải được xây dựng trên nền tảng văn hóa đọc.

Nhưng đọc như thế nào lại là chuyện phải bàn. Hội sách vừa qua, căn cứ vào vài chục tỉ đồng bán sách trong một tuần thì thấy rất thành công về doanh thu.

Số người trẻ tham gia hội sách chiếm tới 70% (của gần 1 triệu lượt người). Nhưng theo tôi, như đã phân tích ở trên, đó chưa hẳn là tín hiệu lạc quan về cái sự đọc hôm nay, khi trong số sách bán chạy quá thiên về sách giải trí mà vắng mặt sách tri thức, sách công cụ cho sinh viên Việt, nhất là sách về văn hóa Việt.

* Chị định nghĩa thế nào về văn hóa, thưa chị?

- Văn hóa không phải chỉ khoanh vào lĩnh vực văn nghệ như nhiều người nghĩ. Tôi thích cách định nghĩa của cụ Đào Duy Anh:

Văn hóa là sinh hoạt của dân tộc này đối với môi trường tự nhiên để đẻ ra các giá trị vật chất được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của chính mình.

Và cách ứng xử của dân tộc này đối với môi trường xã hội cũng vậy, đã tạo thành các giá trị tinh thần mà chỉ dân tộc này mới có thôi – bên cạnh các giá trị chung mà toàn thế giới đều có.

Nói tóm lại, văn hóa là sinh hoạt của con người. Văn hóa, theo nghĩa ấy, đã bao trùm tất cả, vì trong sinh hoạt văn hóa chung của một dân tộc, có sinh hoạt về kinh tế, có sinh hoạt về xã hội, chính trị, giáo dục, ẩm thực, v.v…

Một quốc gia được thống nhất, được toàn vẹn lãnh thổ thì trước tiên phải được thống nhất, toàn vẹn về văn hóa (bởi lãnh thổ và chủ quyền về lãnh thổ là một cặp khái niệm cơ bản nằm trong không gian văn hóa Việt, sau đó mới là vấn đề chính trị).

Văn hóa, theo cách hiểu bao trùm như vậy mà đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục… chẳng hạn, là thiếu logic và thiếu chính xác.

* Theo chị, truyền thông văn hóa hiện nay có vấn đề không khi không ít tờ báo, trang web đều có xu hướng “giật gân, câu khách”?

- Quá có vấn đề! Đó là vì một số người trong giới truyền thông đã đặt mục tiêu về lợi ích kinh tế, hiểu theo nghĩa vụ lợi lên trên cả nền văn hóa.

Còn ở khía cạnh khác thì khá nhiều bài phỏng vấn không đạt được tinh thần đặt ra về văn hóa, văn nghệ bởi vì trình độ lệch pha giữa hai bên. Tức là người đi phỏng vấn rất lơ mơ, không hiểu bản sắc văn hóa Việt, nghĩa là không giải mã được văn hóa Việt Nam, với tư cách là nền văn hóa của quốc gia Việt Nam, và văn hóa ấy, mới chính là nền tảng tinh thần của phát triển văn hóa và mới chính là mục tiêu và động lực của sự phát triển văn hóa Việt Nam, nên đã gây ra sự chênh lệch về trình độ và sự lãng phí thì giờ cho cả hai bên.

Tôi đã từng rơi vào tình trạng như vậy khá nhiều lần cho nên tôi hiểu. Nguyên nhân là những nhà báo đó khi còn là sinh viên học trong trường báo chí, đã không tìm được cách học cho tử tế để có phương pháp giải mã văn hóa Việt Nam.

Sự thiếu hiểu biết ấy khiến họ không có đủ hành trang căn bản để làm nghề báo. Điều này dẫn đến tình trạng chụp giật, vội vã, ẩu tả, và cái tinh thần “văn hóa tử tế” họ muốn truyền thông trên báo chí đã không thể có…

* Tôi chợt nhớ đến chương trình Giai điệu tự hào mà chị là người thuộc hội đồng bình luận lớn tuổi, luôn có nhận xét rất xác đáng và sắc nét. Thực lòng, đôi khi tôi băn khoăn không hiểu “tinh thần chương trình muốn truyền thông đến khán giả” là gì – khi mà những giai điệu tự hào đó, ở một số tác phẩm được “cải biên, làm mới”?

- Không phải cải biên. Các bài hát chỉ có một văn bản về âm nhạc và lời (ca từ), với chỉ từng ấy nốt nhạc nguyên thủy, được phối lại/làm mới, trên sự tôn trọng bản gốc.

Tôi đồng thuận hoàn toàn với cách làm ấy (vì nếu làm nguyên như cũ thì có gì phải bàn nữa), trên tinh thần tự hào về giai điệu của các ca khúc, qua năm tháng, đã thành một thứ di sản văn hóa tinh thần của một thời hào hùng đã qua.

Nếu không phải thế thì Đài Truyền hình Việt Nam mình đã không mua format này từ chương trình truyền hình thực tế của CHLB Nga, với tên gốc của nó là “Di sản quốc gia”.

Có lẽ ban tổ chức của chương trình Giai điệu tự hào của Việt Nam cho rằng cần phải làm mới các ca khúc đáng tự hào của âm nhạc Việt Nam, để chủ yếu làm cho các bạn trẻ Việt thích thú và tiếp nối truyền thống dân tộc từ các ca khúc của một thời kỳ lịch sử không thể nào quên ấy của dân tộc Việt Nam, để tự hào, để có động lực nhằm phát triển đất nước.

Nhưng tôi không phủ nhận, trong quá trình làm lại như thế, có ca khúc rất thành công, nhưng cũng có ca khúc “bị làm hỏng”, hoặc ít nhất là không nghe thuận tai, không nhìn thuận mắt.

* Quay qua chuyện riêng một chút. Trở thành nhà phê bình văn học – nghệ thuật, giảng viên cao cấp của khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội)… đó có phải là thiên hướng ngay từ nhỏ của chị?

- Từ hồi bé, trong vô thức, cứ cái gì có chữ là tôi cầm ngay lên đọc. Có lẽ do nhà nghèo, đông chị em, nên tôi chẳng có đồ chơi, trò chơi, thú vui nào ngoài thú đọc chữ, đọc truyện.

Bố tôi là ca sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam, ông mê hát đã đành, nhưng ông lại mê đọc sách vô cùng. Ông có cái thẻ mượn sách của Thư viện Quốc gia ở con phố rất đẹp của Hà Nội là phố Tràng Thi.

Mỗi khi ông vào đó mượn sách là tôi lại nằn nèo xin theo ông, tìm cách trốn vào phòng mượn sách, để mượn/đọc cùng ông. Bố đọc sách gì con đọc nấy.

Bảy, tám tuổi đầu đã đọc Giai cấp công nhân Việt Nam của Trần Văn Giàu. Chẳng hiểu gì, vẫn thích và vô cùng thích khi đọc những nhà văn Pháp: H. Balzac, V. Hugo, A. Daudet…, các nhà văn Nga như L. Tolstoï, A. Tsekhov, A. Puskin…

Những điều đó khiến đứa con gái nghịch ngợm như tôi, vừa ham đọc lại vừa ham chơi, học đến lớp 10 cuối cấp 3, đoạt liền hai giải: Giải nhất văn toàn tỉnh (Thái Nguyên, nơi tôi sơ tán ở trường cấp 3 huyện Phú Bình) và giải nhất chạy việt dã 1.500 mét. Chẳng liên quan gì với nhau nhỉ?

* Những người phụ nữ tài sắc thì hay gặp trắc trở. Chị là một người như vậy. Chị có muốn đánh đổi một trong hai thứ (sắc, tài) để được vẹn toàn thứ còn lại không?

- Tính cách nào thì sẽ gặp số phận ấy. Tôi không được như chị nói là “vẹn toàn” thế đâu. Tôi chỉ là một người phụ nữ có tư duy độc lập nên hay gặp trục trặc.

Trông tôi vậy thôi, nhưng hành xử của tôi thì như bất kỳ người phụ nữ nào của đất nước này: “thương người như thể thương thân” (thậm chí còn thương hơn thương thân).

Có khác chăng là nếu bị vấp ngã, tôi sẽ gắng nhanh chóng tự đứng lên và cố sức làm lại từ đầu. Vì đó không còn là lựa chọn nữa mặc dù bản chất của nó là lựa chọn việc đi đến đích của tính cách.

Giờ thì tôi bằng lòng với hoàn cảnh gia đình riêng của tôi – đó là gia đình đơn. Nhà văn Xuân Cang “phán” số phận của tôi theo phép nghiên cứu kinh dịch của ông, rằng, số tôi là phải “xắn tay áo lên”, tự giải quyết mọi chuyện, nhất là những chuyện do thế hệ cũ để lại, hoặc đang làm dở dang.

Nhưng tất cả phẩm hạnh ấy lại phải đạt đến sự tự nhiên và phải làm “cứ như không”, chứ không phải làm một cách nhọc nhằn, hì hụi, hoặc vất vả, khổ sở. Theo ông, tôi là người “cứ như không mà đi đến cùng”…

* Nếu bây giờ phải “tự họa” chân dung mình thì chị sẽ thể hiện thế nào?

- Một người đàn bà cô đơn, thường phải “một mình đi trên đường”. Khi ngã thì vịn vào chữ văn chương mà đứng dậy, khi yêu thì không bao giờ phải nói “rất tiếc”.

Khi nghĩ thì rất thích nghĩ bằng đầu, không thích nghĩ bằng bụng, nhưng trong thực tế ứng xử thì lại hay mủi lòng thương cảm. Khi sống thì chỉ ham thích nhất hai việc: Dạy học và viết văn.

Và từng có nhiều lầm lạc trong đời vì sự ngây thơ và cả tin… Cho đến khi về cõi, thì tôi vẫn là tôi như thế, chẳng thay đổi và dù muốn, cũng không thay đổi gì được nữa…

* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

>Kinh nghiệm xây dựng văn hóa đọc
>Định nghĩa lại "văn hóa đọc"
>
Văn hóa đọc và nhận thức của xã hội
>Văn hóa đọc ở Việt Nam: Bắt đầu từ đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa đọc không chỉ bị nhiễu loạn…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO