Vẫn còn những nghịch lý

MINH HẰNG| 09/04/2012 09:29

Những tưởng với những chính sách tài chính - tiền tệ tuần tự và có dự tính như thời gian qua, hoạt động của thị trường sẽ trong tầm kiểm soát mà các nhà hoạch định đã vạch ra, thế nhưng đây đó vẫn còn những nghịch lý, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng.

Vẫn còn những nghịch lý

Những tưởng với những chính sách tài chính - tiền tệ tuần tự và có dự tính như thời gian qua, hoạt động của thị trường sẽ trong tầm kiểm soát mà các nhà hoạch định đã vạch ra, thế nhưng đây đó vẫn còn những nghịch lý, đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng.

Đầu tiên, trần lãi suất hạ 1% đã được một thời gian nhưng nhiều ngân hàng vẫn đang thương lượng lãi suất huy động cao hơn mức trần 13%/năm với khách hàng để kéo tiền gửi về mình.

Nếu trước kia, phải là khách hàng lớn với khoản tiền gửi hàng tỉ đồng trở lên mới được quyền thương lượng lãi suất với ngân hàng, thì nay các khách hàng với một vài trăm triệu đồng cũng có thể có quyền đó. Có vẻ như việc ấn định giảm lãi suất chưa phản ánh đầy đủ áp lực về thanh khoản ở một số ngân hàng thương mại.

Tiếp đến, một nghịch lý nữa cũng liên quan đến việc thương lượng lãi suất này là có ngân hàng cho biết dù trong quỹ vẫn còn hàng trăm tỉ đồng tiền mặt chưa cho vay, nhưng vẫn phải tham gia cuộc đua ngầm lãi suất huy động này để giữ chân khách hàng lớn.

Cái vòng khá luẩn quẩn khi một số ngân hàng tham gia cuộc đua không phải vì căng thẳng thanh khoản mà vì sợ nếu không theo trào lưu thì sẽ ít người chọn để gửi tiền. Nhân viên giao dịch của các ngân hàng phải vận động người quen, bạn bè gửi tiền vào ngân hàng mình với lời nhắn nhủ “gửi ở đâu cũng lãi suất chừng đó, gửi ở đây giúp cho mình đạt được chỉ tiêu…”.

Cuối cùng, là nghịch lý bất cân xứng cung cầu giữa người cho vay - ngân hàng và người cần vay - doanh nghiệp, người dân. Ngân hàng vừa phải từ chối những yêu cầu xin vay, vừa phải nỗ lực tìm kiếm đối tượng phù hợp để cho vay.

Có những doanh nghiệp rất cần nguồn vốn của ngân hàng để thoát khỏi cảnh thập tử nhất sinh nhưng ngân hàng không dám cho vay, vì sợ rằng không biết sau này sẽ dựa vào đâu để thu hồi vốn, lãi sổ sách thì có mà lãi thực tế thì không. Cho vay như vậy chỉ làm tăng số liệu ở phần… nợ xấu.

Để giải ngân nguồn vốn vay, ngân hàng buộc phải “căng tai căng mắt” tìm những người có nhu cầu vay vốn có khả năng trả nợ cao. Các nhân viên tín dụng của ngân hàng thời gian qua phải nỗ lực tìm kiếm người vay để đạt được chỉ tiêu.

Khổ nỗi, người có năng lực tài chính đáp ứng được những yêu cầu cho vay khắt khe của ngân hàng lại… không có ý định vay ngân hàng ở thời điểm lãi suất cho vay 18 - 20% như bây giờ. Họ đợi khi lãi suất hạ thêm mới vay để kinh doanh hoặc mua sắm.

Nghĩa là có những nghịch lý đang tồn tại trong hệ thống ngân hàng thương mại, mà để giải quyết nó chỉ bằng các biện pháp mang tính hành chính thôi thì chưa đủ.

Vậy nên, đằng sau những tín hiệu tích cực như lạm phát được kiềm chế, lãi suất huy động đang giảm trên các bảng niêm yết của các ngân hàng, lãi suất cho vay cũng có một số đối tượng được miễn giảm, người vay được chào đón… là một số tồn tại nêu trên.

Cũng như trong thời buổi kinh tế khó khăn, mọi doanh nghiệp đều phải tiết kiệm để giảm chi phí, cố gắng vượt qua khó khăn, thì có những ngân hàng có nguồn vốn sở hữu của Nhà nước vẫn cần phải có chỉ đạo để “tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh”.

Người ta phải đặt câu hỏi, rằng nếu có cạnh tranh bình đẳng thực sự, thì có cần phải có những lời nhắc nhở như vậy không, hay thực sự có những ngân hàng có lợi thế hơn ngân hàng khác?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn còn những nghịch lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO