Từ Sơn Đoòng, nghĩ về chuyện phát triển bền vững

21/05/2015 05:33

Những báu vật trời cho, như Sơn Đoòng, mong manh về mặt sinh thái đến nỗi một khi bị bàn tay con người hủy hoại, coi như vô phương cứu chữa.

Từ Sơn Đoòng, nghĩ về chuyện phát triển bền vững

Làm khán giả “choáng ngợp”. Làm khán giả “mê mệt”. “Hạ knock-out” khán giả... Đó là những từ ngữ được báo chí trong nước dùng để mô tả ấn tượng của hàng triệu khán giả trước vẻ đẹp của hang Én, hang Sơn Đoòng của Việt Nam khi xem hãng truyền hình ABC của Mỹ trực tiếp truyền đi những hình ảnh quay bằng flycam từ trong hang, trong chương trình nổi tiếng “Good Morning America” của hãng.

Dân mạng Việt Nam còn phấn khích hơn khi chứng kiến ông Phó thủ tướng vẻ ngoài giản dị, trẻ trung trèo non lội suối cùng êkíp thực hiện bộ phim và trả lời phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh từ trong hang.

Hang Sơn Đoòng đúng là một báu vật mà thiên nhiên đã nhẫn nại tạo tác từ hàng triệu năm trước để dành ban tặng cho tỉnh Quảng Bình, cho Việt Nam. Và việc hãng ABC giới thiệu Sơn Đoòng trong một chương trình truyền hình trực tiếp có nhiều người xem quả là một cú PR tuyệt vời cho du lịch Việt Nam, đất nước Việt Nam. Quả là đáng mừng!

>>Hang Sơn Đoòng lên sóng truyền hình trực tiếp tại Mỹ

Nhưng mừng đó mà lo đó. Ngay trong cuộc trả lời phỏng vấn người dẫn chương trình từ trong hang, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói: “Phát triển bền vững không chỉ là yêu cầu sống còn đối với du lịch mà với cả nền kinh tế. Cần đảm bảo phát triển song hành với bảo vệ môi trường; gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp và quan trọng hơn là người dân địa phương có thể tham gia và thừa hưởng thành quả phát triển”.

Đó không phải là nỗi lo vô căn cứ khi ngay trước ngày diễn ra chương trình của ABC, ngành du lịch Việt Nam đã liên tục báo động về sự sụt giảm du khách do nhiều nguyên nhân, còn báo Tuổi Trẻ thì đăng một phóng sự về nạn chèo kéo và chặt chém du khách nước ngoài mua dừa ở ngay trước một điểm tham quan nổi tiếng là dinh Thống Nhất.

Chèo kéo, chặt chém, bắt chẹt du khách, cũng giống như cạnh tranh không phải bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ mà bằng cách phá giá lẫn nhau, tạo thành một cuộc đua xuống đáy khiến tất cả đều bị thiệt hại, chẳng khác nào những thứ “rác” trong ngành du lịch. Chúng xuất phát từ một nếp tư duy, một lối làm ăn chỉ thấy cái lợi trước mắt, ăn xổi ở thì, hoàn toàn đi ngược lại sự phát triển bền vững. Và bên cạnh đó là nạn xả rác thật bừa bãi, gây ô nhiễm trầm trọng, hủy hoại môi trường thiên nhiên ở hầu hết các điểm du lịch, kể cả những điểm còn hoang sơ, mới được khai phá.

>>Sơn Đoòng - thử thách không dành cho khách du lịch

Một lần đến tham quan Ao Tiên trong hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, một viên ngọc quý giữa hồ, chúng tôi đã trông thấy rác thải từ những vỏ gói mì tôm, bánh kẹo mà du khách ăn và xả bừa bãi tại chỗ từ bao giờ. Đảo Bình Ba ở vịnh Cam Ranh, một điểm tham quan mới thu hút khách du lịch chưa lâu cũng đã bắt đầu ô nhiễm rác ở các bãi tắm, với những bao đựng thức ăn chăn nuôi chìm dưới làn nước.

Cái khẩu hiệu nổi tiếng của dân du lịch “Không để lại gì ngoài những dấu chân, không lấy đi thứ gì ngoài những tấm ảnh” dường như còn khá xa lạ với số đông khách du lịch nước ta, ngay cả nơi những người trẻ được xem là “văn minh”. Danh sách những điểm tham quan, những danh thắng ô nhiễm kể ra còn dài.

Chưa kể, dọc hai bên các quốc lộ, cảnh thường thấy là rác nylon bay phấp phới mỗi lúc xe chở du khách chạy qua. Có lẽ, để làm giảm thói quen xả rác bừa bãi nơi công cộng ở nhiều người Việt, phải cần đến một cuộc vận động tầm cỡ quốc gia kiên trì, lâu dài, cộng thêm việc xử phạt nghiêm khắc hành vi xả rác không đúng nơi quy định. Nhưng thôi, đó là chuyện lâu dài, mặc dù không bao giờ là quá sớm để khuyến khích người dân xây dựng những tập quán tốt.

Đáng lo lắng hơn cả là không bao giờ thiếu những nhóm lợi ích thèm muốn biến những báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho người dân thành những con bò sữa mang lại lợi nhuận cho riêng họ, bất kể nguy cơ hủy hoại những báu vật trời cho ấy. Một con kênh bị lấp, vẫn có thể khôi phục bằng rất nhiều tiền, dù là tiền đi vay.

Nhưng có những báu vật trời cho, như Sơn Đoòng, mong manh về mặt sinh thái đến nỗi một khi bị bàn tay con người hủy hoại, coi như vô phương cứu chữa. Muốn phát triển bền vững, phải biết kháng cự lại những nhóm lợi ích ấy.

>>Sơn Đoòng kỳ vỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ Sơn Đoòng, nghĩ về chuyện phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO