Tư duy mở: Đã mở thật chưa?

PHAN NGỌC DIỄM HÂN| 07/02/2016 06:40

Hãy tỉnh táo lựa chọn, chọn "mở" thật sự, chứ không phải "mở" nhưng thực chất là "đóng kín bưng"!

Tư duy mở: Đã mở thật chưa?

Khi Tom Cruise và Katie Holmes ly dị, truyền thông đồn đại rằng giáo phái Scientology - tôn giáo của Tom Cruise, đóng vai trò không nhỏ. Ngoài Tom, John Travolta và nhiều ngôi sao khác cũng tham gia Scientology, một tổ chức mà rất nhiều người coi là "tà giáo". 

Đọc E-paper

Tương tự, Madonna và Britney Spears, Demi Moore, Barbra Streisand... thì chọn Kabbalah - giáo phái huyền bí dựa trên triết lý có hơn 4.000 năm tuổi của người Do Thái cổ. Đối với các nước dân chủ coi tự do cá nhân là trên hết, họ không quan trọng hóa vấn đề bạn đang theo tôn giáo nào, đó là lựa chọn của bạn. Các tôn giáo cũng mặc sức hoạt động, miễn không vi phạm pháp luật.

Xét đến cùng, tôn giáo chính là nơi quy tụ những người cùng lý tưởng, cùng quan điểm, cùng chí hướng về một vấn đề nào đó. Từ đó, họ hợp sức nhau, lan truyền lý tưởng, quan điểm, chí hướng này.

Lý tưởng, quan điểm, chí hướng càng phù hợp tâm lý của số đông thì tôn giáo đó càng phổ biến. Đến một lúc, có thể thống trị về mặt tâm linh, tư tưởng của một sắc tộc, một quốc gia, những vùng lãnh thổ...  Mặt trái của sự thống trị này là tính cực đoan, bài xích các tôn giáo khác không cùng lý tưởng, quan điểm và chí hướng.

Xét trong một doanh nghiệp, mỗi công ty đều có tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu riêng. Họ quy tụ những người có cùng tầm nhìn, tin vào khả năng thực hiện sứ mệnh, sẵn sàng hướng đến mục tiêu đã vạch ra, từ đó, họ thiết lập nên một tổ chức có văn hóa doanh nghiệp riêng, triết lý kinh doanh riêng. Đôi khi, là một người đứng bên ngoài, không thể phán xét hay đánh giá.

Và ở góc nhìn khác, một nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng không khác một thủ lĩnh tôn giáo là mấy. Đây chính là người làm sáng rõ triết lý kinh doanh, vạch đường cho tổ chức, khiến nhân viên tin vào tổ chức, thông qua mình.

Các thành viên ấy cũng giống như những giáo dân trong giáo phái. Có người hời hợt, có người nhiệt tình, một lòng tin vào lý tưởng mà họ đang phụng sự. Đi từng bước, để thấy rằng trong môi trường tự do kinh doanh, cũng giống như tự do tôn giáo, có cả những tổ chức rất cực đoan, ví dụ như "bán hàng đa cấp".

>>Nói mãi chuyện bán hàng đa cấp

Trong những năm qua, người ta không ngừng lên án hình thức kinh doanh đa cấp. Thậm chí, coi đó là loại hình phi nhân tính, hủy hoại nhân cách, lừa lọc. Nhưng phải đặt câu hỏi, tại sao họ vẫn tồn tại ở nhiều nước, có công ty phát triển rất mạnh, doanh thu khủng khiếp? Có phải ai cũng gia nhập vì bị lừa?

Ai đã từng dự các sự kiện của các công ty bán hàng đa cấp, mới thấy được sức sống, niềm tin, sự tác động tích cực mà họ truyền sang cho những con người vốn chưa có địa vị, tài sản trong xã hội. Đó là nhờ họ có một triết lý kinh doanh mạnh mẽ, rõ ràng và họ tin vào điều đó.

Họ nhốt "con mồi", những người sắp gia nhập làm chân rết, bằng giá trị hàng đã mua để được tham gia, tiếp theo thì ru ngủ "con mồi" trong ảo tưởng thành công - đến một lúc, con mồi trở thành "vật chủ”, đi săn thêm những "con mồi" khác. Đó là một tiến trình rất tự nhiên đánh vào tâm lý con người, bởi ai cũng khao khát thành công và tiền bạc.

Nhà nước khó có thể cấm đoán loại hình kinh doanh này, vì thực tế, họ không làm gì trái luật. Đa cấp mở ra cho người thiếu kinh nghiệm một cơ hội thành công.

Họ bảo, đến với chúng tôi, dù là bà nội trợ cũng có thể trở thành triệu phú. Cũng có thể! Nếu bán được nhiều sản phẩm. Ngược lại, đa cấp cũng trói thành viên của mình trong một mạng lưới không dễ thoát. Để ở đó, họ cứ bị những cấp bên trên ru ngủ mỗi ngày bằng điệp khúc: thành đạt, thành đạt và thành đạt. Thành viên bị cầm tù trong một nhà tù êm ái của niềm tin và hy vọng.

Ngoài "tôn giáo" đa cấp, môi trường tương tác xã hội linh hoạt với quá nhiều hình thức như hiện nay cũng làm nảy sinh đủ loại "tôn giáo" và "giáo chủ” hỗn tạp. Mỗi ngày, bạn nhận không ít email, tin nhắn, status trên Facebook mời gọi tham gia những buổi "chia sẻ thành công", những "cơ hội gặp gỡ" với các "diễn giả bậc thầy", những "tỷ phú chân đất"...

Xã hội cởi mở đã khiến cho ai cũng có thể trở thành "giáo chủ”. Ai cũng có thể lập ngôn, lập thuyết, đòi làm "người dẫn đường", "người soi sáng"... Đến những buổi chia sẻ, gặp gỡ này, ai cũng thấy mình sắp thành Bill Gates đến nơi! Trí óc sẽ bị đóng khung bởi hình ảnh thành công (có khi là giả tạo) của người diễn thuyết. Tư tưởng bị bít chặt bởi bức tường thành của tiền bạc, địa vị...

Khi trở nên thân thiết, trung thành với một nhóm, một tổ chức, các thành viên không nhận ra mình đang từ từ bị dẫn dắt bởi lối nghĩ, cách làm của người lãnh đạo và các thành viên nòng cốt của nhóm. Đến một lúc, tư duy người này hoàn toàn thay đổi.

Thậm chí, tham gia nhiều nhóm hội quá, đâm "tẩu hỏa nhập ma", nói năng như con bò nhai lại, nhai và nhổ ra hỗn độn các thứ mà họ đã thu nạp từ quá nhiều triết thuyết. Trong khi kinh nghiệm thành công của người khác, 99,9% là không phù hợp với bản thân mình. Ai cũng phải có con đường riêng, bởi từ khi bạn sinh ra cho đến bây giờ, mọi trải nghiệm và giá trị của bạn, có giống ai  đâu? Nên làm sao có bài học chung cho tất cả?

Có những "người dẫn đường" còn đâm nghiện! Bởi cảm giác được người khác tung hô, tin tưởng, nên càng nhiệt tình chia sẻ đến tận những thứ vớ vẩn. "Giáo dân" thì nghiện cảm giác được lắng nghe, được nương náu.

Cho nên, năm 2016, như thông thường người ta hay nói, phải cẩn trọng hơn bao giờ hết! Hãy tỉnh táo lựa chọn, chọn "mở" thật sự, chứ không phải "mở" nhưng thực chất là "đóng kín bưng"!

>>Văn hóa mở: Ở đây, lúc này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tư duy mở: Đã mở thật chưa?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO