Từ chuyện Biển Đông, bàn chuyện "trứng" và "giỏ" trong kinh doanh

02/06/2014 07:37

Bỏ trứng trong một giỏ là điều tối kỵ trong hoạt động kinh tế. Bài học này cần phải rút kinh nghiệm ngay khi tình hình Biển Đông có diễn biến phức tạp”, TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ.

Từ chuyện Biển Đông, bàn chuyện

“Bỏ trứng trong một giỏ là điều tối kỵ trong hoạt động kinh tế. Bài học này cần phải rút kinh nghiệm ngay khi tình hình Biển Đông có diễn biến phức tạp”, TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ.

* Thưa ông, Trung Quốc là đối tác quan trọng của Việt Nam trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế. Sự kiện bất ổn ở Biển Đông khiến nhiều người lo ngại đến "sức khoẻ" của nền kinh tế nước ta?

TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM

- Không phải bây giờ, khi mà tình hình biển Đông diễn biến phức tạp chúng ta mới tính đến việc không để nền kinh tế quá phụ thuộc vào bất cứ đối tác nào.

Trên thực tế, chúng ta đã và đã đang chuyển hướng thị trường thương mại, đầu tư ra nhiều thị trường, đối tác; duy trì đối tác truyền thống, tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới, mở rộng thị trường tại đối tác đã có để nền kinh tế Việt Nam không phụ thuộc vào bất cứ một nền kinh tế nào.

Trong hoạt động đầu tư, kinh doanh ngay cả với tổ chức, cá nhân, việc bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ là vô cùng nguy hiểm, vô cùng rủi ro.

Với một quốc gia, nếu bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ không chỉ quá rủi ro, mà có khi còn trở thành “con tin”, phụ thuộc vào người khác.

Ý thức rất rõ điều này, nên từ nhiều năm qua, chúng ta đã phân tán rủi ro thông qua việc tham gia, ký kết nhiều hiệp ước song phương, đa phương với nhiều quốc gia, khu vực và tham gia sân chơi thương mại, đầu tư toàn cầu.

* Nói là như vậy, nhưng trên thực tế, nền kinh tế nước ta - đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc quá lớn?

- Quy mô nền Trung Quốc lớn hơn chúng ta, họ lại phát triển trước chúng ta và giữa Việt Nam với Trung Quốc có hàng ngàn km đường biên giới nên hoạt động kinh tế nói chung, thương mại, đầu tư, du lịch… nói riêng có sự phụ thuộc lẫn nhau cũng là điều bình thường.

Để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào bất cứ nền kinh tế nào, như tôi nói là giảm dần việc bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ. Đây là vấn đề lớn, lâu dài nên không dễ gì thay đổi ngay được mà cần phải có thời gian và có chính sách chuyển hướng hợp lý.

* Có nghĩa là phải phân tán nguồn lực cả đầu ra lẫn đầu vào của nền kinh tế. Thưa ông, chúng ta nên phân tán nguồn lực ở đâu?

- Chúng ta đã gia nhập ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sắp tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với một sân chơi rộng mở toàn cầu, có lẽ không cần phải trả lời câu hỏi phân tán nguồn lực ở đâu. Nhưng theo tôi, nguồn lực mà chúng ta cần quan tâm nhất chính là thị trường nội địa.

Thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân là niềm mơ ước của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài, thế mà chúng ta lại đi nhập khẩu hàng tiêu dùng từ những thứ thông thường nhất, đơn giản nhất như cái tăm, đôi đũa…

Vì vậy, doanh nghiệp nội địa cần đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất của người dân, như đồ gia dụng thông thường, từ cái tăm, đôi đũa, sau đó đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ. Hãy bắt đầu từ việc sản xuất linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu từ đơn giản đến phức tạp để thay thế nhập khẩu, tự chủ trong hoạt động sản xuất, đến đáp ứng nhu cầu của người dân.

* Tuyệt đại đa số doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, TP.HCM bị thiệt hại sau khi một bộ phận kẻ xấu kích động, dẫn đến biểu tình quá khích đêm 13 và ngày 14/5 gây ra đã hoạt động trở lại. Nhưng đến nay, vẫn còn một số lo ngại, sự việc này ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Sau vụ việc đáng tiếc xảy ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thấy rằng, Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương của Việt Nam đã có những phản ứng tích cực, kịp thời để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Chính phủ hiểu rất rõ rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam và nhà đầu tư là có đi, có lại; hai bên cùng có lợi và hai bên cùng thiệt hại nếu như quyền lợi của một bên bị ảnh hưởng. Những phản ứng kịp thời vừa qua của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp đã thể hiện rất rõ quan điểm này.

Chúng ta coi doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam và Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán trong vấn đề bảo vệ nhà đầu tư, môi trường đầu tư. Điều này không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ bằng hành động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, mà chúng ta còn chủ động tham gia, đàm phán, ký kết các hiệp ước song phương và đa phương với các quốc gia, tổ chức kinh tế, thương mại, đầu tư. Theo tôi, đây chính là hành động rõ nhất trong việc bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ chuyện Biển Đông, bàn chuyện "trứng" và "giỏ" trong kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO