Trở thành triệu phú đôla từ vườn cây ăn trái

CẨM TÚ/DNSGCT| 18/07/2017 00:33

Khu vườn chưa có tên nhưng được thiết kế sạch đẹp, trái cây không phun thuốc nên khách tham quan có thể bẻ ăn tại chỗ đồng thời với việc tìm hiểu quy trình trồng trọt hiện đại.

Trở thành triệu phú đôla từ vườn cây ăn trái

Theo chương trình tour của khu du lịch Cao Minh tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, sau khi tham quan hồ Trị An, chúng tôi dừng chân tại vườn ổi cao sản ở ấp 3, xã Hiếu Liêm trong cùng huyện.

Đọc E-paper

Khu vườn chưa có tên nhưng được thiết kế sạch đẹp, trái cây không phun thuốc nên khách tham quan có thể bẻ ăn tại chỗ đồng thời với việc tìm hiểu quy trình trồng trọt hiện đại.

Thành công lớn nhờ mạnh dạn làm khác

Mới cách đây 20 năm, xã Hiếu Liêm còn bị gọi là vùng đất “chết”. Mảnh đất đầy vết tích bom đạn này hầu như không có người làm ăn sinh sống. Vậy mà khoảng từ năm 1997 cho đến chục năm sau, một số người đến đây lập nghiệp bằng nghề trồng trọt đã trở thành tỉ phú.

Khoảng năm 2007, Hiếu Liêm trở nên nổi tiếng trong tỉnh về các vườn cây có múi (cam, quýt) chất lượng cao. Dù thời điểm đó thấy hầu hết các chủ vườn xung quanh đều khấm khá với cam quýt, vợ chồng bà Nguyễn Thị Loan – chủ khu vườn đã nói ở trên vẫn quyết tâm làm giàu bằng một giống trái cây mới. Đó là giống ổi từ Đài Loan mà ông bà phải khó khăn lắm mới đem cây giống về Việt Nam.

Ưu điểm của trái ổi này là vỏ láng, nhiều nước, ít hạt, giòn ngọt và thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định. Bên cạnh đó đây là loại cây dễ trồng, năng suất cao, ít tốn phân bón nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu định kỳ phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây.

>>Trở thành triệu phú nhờ làm nông nghiệp

Đặc biệt, ổi Đài Loan rất thích hợp với những hộ muốn có thu nhập nhanh hoặc lấy ngắn nuôi dài khi chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang chuyên canh các loại cây trồng khác, bởi từ khi trồng đến thu hoạch chỉ mất khoảng 6 tháng.

Bà Lan cho biết ổi trong vườn bà ra hoa nhiều và liên tục, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao, thu hoạch quanh năm. Để ổi cho trái lớn, bán được giá cao, bà chăm bón kỹ từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên vun gốc, xới tơi đất để rễ cây ổi phát triển, đồng thời thường xuyên tỉa đọt và cho cây mang lượng trái vừa đủ.

Khi trái ổi to bằng đầu ngón chân cái, bà dùng túi xốp thưa bọc bên trong và túi nylon bọc bên ngoài để hạn chế sâu bệnh gây hại cho ổi. Hiện khu vườn 12ha của bà mỗi ngày cho sản lượng lên đến 2 tấn (trung bình 1ha có thể trồng khoảng 700 cây ổi), giá bán ổn định 20 ngàn/kg.

Ngoài ổi, khu vườn của bà còn trồng thanh long tím, xoài Đài Loan. Gần đây, khách du lịch tham quan khu vực hồ Trị An – rừng Mã Đà thường ghé vườn thưởng thức trái cây sạch và mua về làm quà.

Tương tự như trường hợp bà Nguyễn Thị Loan, ông Vũ Văn Bằng – một nông dân có tiếng ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh, Lâm Đồng gần đây đã nhận được nhiều giấy khen trong ngành nông nghiệp do thu được đến 14 tỉ đồng năm 2016 từ khu vườn sầu riêng 21ha của mình.

>>Xuất khẩu cây trầu bà có hoa sang Bỉ

Gần mười năm trước, ông Vũ Văn Bằng bị nhiều người coi là… gàn dở khi chặt hết vườn cà phê đang sai trái để trồng sầu riêng. Lúc này cà phê đang được giá, còn sầu riêng rớt giá mạnh chỉ còn từ 10.000-15.000 đồng/kg. Tuy nhiên sầu riêng rớt giá là sầu riêng trồng bằng hạt, còn sầu riêng ông Bằng trồng là sầu riêng ghép từ các giống mới chất lượng cao của Thái Lan như Dona và Mongthong.

Các giống này tuy đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc phức tạp hơn nhưng bù lại sẽ cho năng suất và chất lượng cũng cao hơn hẳn. Ông cho biết: “Múi sầu riêng giống mới cơm vàng, hạt lép, vị ngậy như sữa, cầm không ướt tay. Đã đi nhiều nơi tìm hiểu, tôi thấy loại quả này chẳng bao giờ bị thừa ế. Mặt khác, trồng sầu riêng ít tốn công mà lợi nhuận lại cao. Với 20ha đất, nếu trồng sầu riêng chỉ phải thuê 15 người làm, còn trồng cà phê thì lượng nhân công tăng gấp 3 lần”.

Trồng cây cũng phải biết tính đường dài


Đúng như dự tính của ông Vũ Văn Bằng, năm 2011, vườn sầu riêng đầu tiên của ông ra trái bói và năm sau đạt sản lượng hàng chục tấn. Ngay vụ đó ông trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục phá bỏ vườn cà phê thứ hai rồi thứ ba để trồng sầu riêng.

Niên vụ 2014, gia đình ông thu được 100 tấn sầu riêng; năm 2015, tăng lên 200 tấn; năm 2016 thu hơn 300 tấn. Hiện gia đình ông Bằng đã trồng được 5.000 cây sầu riêng, trong đó 3.500 cây cho thu hoạch ổn định từ 1-2 tạ/cây, sản lượng lên tới 30 tấn/ha, cá biệt có cây cho tới 3 tạ quả.

Nhờ đạt sản lượng lớn, chất lượng cao nên mấy năm nay, khi sầu riêng vừa ra hoa, đậu quả là thương lái đến tận vườn hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất sang Trung Quốc. Năm 2016, thương lái chốt giá tới 41.000 đồng/kg.

Có ngày cao điểm ông thu tới 26 tấn quả trị giá cả tỉ đồng. Chỉ trong vài năm tới, khi 5.000 cây đều cho thu hoạch ổn định thì mỗi năm ông có từ 400-500 tấn sầu riêng và thu nhập có thể đạt tầm 15 tỉ đồng/năm.

>>Trái cây Việt vào EU, Mỹ: Rào cản ở đâu?

Nhiều người tìm đến ông Bằng học hỏi kinh nghiệm và nêu thắc mắc vì sao thông thường sầu riêng cho thu hoạch liên tục trong 50-60 năm nhưng họ mới trồng 10 năm thì cây chết. Trong khu vực có một số vườn rộng 2-3 ha, sầu riêng bị suy kiệt, rụng trái, chết hàng loạt.

Ông Bằng đến tận nơi tìm hiểu và lý do ông tìm thấy là: Khi sầu riêng khan hiếm, thương lái tranh mua đẩy giá lên cao ngất ngưởng, có thời điểm đến hơn 100.000 đồng/kg (trong khi giá sầu riêng khoảng 30.000 đồng/kg là nông dân lời nhiều rồi). Một số nông dân chạy theo lợi nhuận nên tăng lượng phân bón và xịt thuốc liên tục để thu nhiều quả. Làm như thế sẽ vắt kiệt sức cây.

Một khi cây đã yếu sẽ có nhiều sự cố, đặc biệt căn bệnh đáng sợ là xì mủ mặc sức tấn công, tuổi thọ của cây sầu riêng sẽ sụt giảm. Thông thường đến năm thứ tư, sầu riêng bắt đầu cho quả. Tuy nhiên theo ông Bằng, nếu thấy cây chưa đủ độ sinh trưởng thì hãy mạnh dạn loại bỏ quả non để tập trung dinh dưỡng nuôi cây, chờ đến vụ sau hãy ăn quả.

Ông Bằng cho biết vào thời điểm gia đình ông đang thu hoạch lứa sầu riêng đầu tiên, có hai kỹ sư chuyên trồng sầu riêng từ Đắk Lắk sang hỏi thuê toàn bộ khu vườn. Họ thương lượng năm đầu trả cho ông số tiền tương đương 150 tấn quả, những năm sau 200 tấn. Họ đề nghị được đặt cọc 1 tỉ đồng và năm năm sau mới lấy lại số tiền cọc này.

Sau mấy ngày theo các kỹ sư sang tận Đắk Lắk, ông Bằng đã từ chối cho thuê vườn. Theo ông, nếu chăm sóc tốt và khai thác điều độ thì sầu riêng cho thu hoạch gần trọn một đời người, còn nếu khai thác kiểu tận thu thì chỉ dăm năm là cây chết.

Cái lợi về chăm sóc cây lâu dài lớn hơn rất nhiều so với việc cố thu nhiều tiền trước mắt bằng cách tận diệt cây!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trở thành triệu phú đôla từ vườn cây ăn trái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO