TPP và hội tụ thể chế

TS. NGUYỄN TÚ ANH - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) (HẢI VÂN ghi )| 14/10/2015 00:28

Khác với WTO, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giải quyết những vấn đề sau biên giới, do đó đòi hỏi tạo ra một sự hội tụ về thể chế.

TPP và hội tụ thể chế

Khác với WTO, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giải quyết những vấn đề sau biên giới, do đó đòi hỏi tạo ra một sự hội tụ về thể chế. Việt Nam đã cùng 11 quốc gia khác cam kết một chuẩn mực chung về kinh doanh, trong đó có vấn đề lao động, quyền tổ chức công đoàn độc lập...

Đọc E-paper

Rõ ràng, gia nhập TPP, Việt Nam sẽ tiếp cận sâu rộng hơn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Nhật Bản. Thỏa thuận này chắc chắn sẽ giúp kinh tế của Việt Nam phát triển nhanh hơn, Việt Nam có nhiều tiềm năng trở thành một nước xuất khẩu đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, tham gia TPP, không chỉ doanh nghiệp (DN) phải cạnh tranh khốc liệt, mà các thỏa thuận sẽ còn tác động đến những tổ chức chính trị, xã hội mà lâu nay vẫn được cho là duy nhất của Việt Nam.

TPP cũng hội tụ một điểm quan trọng là chuẩn mực đối xử của nhà nước đối với DN, nhà nước đối với thị trường. TPP đưa ra những cam kết về việc nhà nước không can thiệp làm tổn hại DN. Tham gia vào TPP, điểm lớn nhất mang lại cho Việt Nam là sức ép thay đổi thể chế kinh tế.

Điều này không thể trì hoãn bởi chỉ có thay đổi thể chế mới tạo ra được môi trường kinh doanh ổn định, dễ dự báo hơn và chi phí của DN cho những khoản này cũng thấp hơn.

Nước ta chuẩn bị tham gia một môi trường cạnh tranh rất mới, rất mở, nhưng với mặt bằng bằng thấp như hiện nay, cả Nhà nước và DN sẽ bị rủi ro, đặc biệt Nhà nước sẽ bị rủi ro rất lớn nếu vẫn giữ cách hành xử với DN như lâu nay.

Một tuần sau khi TPP đạt được thỏa thuận, DN có hai xu hướng: kỳ vọng và không quan tâm.

Điều này hoàn toàn hiểu được nếu nhìn sang các quốc gia như Mỹ, Canada..., một nền kinh tế có các hiệp hội DN theo dõi, đánh giá và cung cấp thông tin liên tục và thường xuyên cho DN thành viên.

Lịch sử đàm phán TPP ghi nhận sự lên tiếng của các hội đoàn Canada, Mexico... về quyền lợi của DN nước họ, một trong những nguyên nhân khiến Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước TPP hồi tháng 7/2015 tại Mỹ không đạt được thỏa thuận như kỳ vọng.

Chuẩn bị cho môi trường kinh doanh mới, các chính sách từ trên tác động xuống dưới cần có cơ chế phản hồi. DN không thể phản hồi riêng lẻ mà cần có tổ chức, nhóm đại diện.

Hiện nay, vai trò hiệp hội quá yếu, DN không có sự kết nối, không có sự chia sẻ thông tin và cũng không có người đại diện một cách sâu sát.

Nhiều người cảm thấy DN thờ ơ, nhưng thực tế, DN muốn quan tâm mà không biết phải làm gì để quan tâm được, bởi hai lý do: không có đủ tính chuyên gia để quan tâm đến TPP và không đủ thời gian theo dõi sát quá trình đàm phán. Hiện nay, thông tin về TPP đến DN Việt Nam vẫn rất mù mờ.

Một mình Bộ Công Thương hay VCCI không thể đi đến từng DN để nói về TPP, mà cần phân cấp đến nhiều tổ chức, ngành nghề và những ngành nghề ấy phải được Nhà nước trao một số quyền nhất định.

Tham gia TPP là cơ hội lớn cho DN Việt Nam. Nếu Nhà nước chủ động đồng hành cùng DN, thì với tinh thần dám nghĩ, dàm làm, doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể nắm được cơ hội.

Điều quan trọng là Nhà nước phải tạo ra được thể chế, tạo điều kiện về mặt chính sách trong khuôn khổ cho phép thay vì đặt thêm những rào cản không đáng có đối với DN như hiện nay.

Hơn nữa trong việc thực thi phải thống nhất để tạo ra sự hỗ trợ cho DN.

Những cải cách kinh tế vừa qua mới chỉ là những thay đổi về chính sách.

Muốn thay đổi thể chế, phải quay ngược lại những năm cuối thập niên 1980, tức thể chế chỉ thực sự thay đổi khi cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Sự thay đổi thể chế lần này đòi hỏi nhận thức chung của toàn bộ hệ thống chính trị và cơ quan cao nhất của hệ thống chính trị phải nắm lấy vai trò chủ đạo.

Nền kinh tế vận hành tương tự một cỗ máy tính, thể chế là hệ điều hành máy tính, chính sách là phần mềm để cài đặt hệ điều hành.

Việc thay đổi phần mềm, nâng cấp phần mềm, tất nhiên sẽ có những cải thiện nhất định, nhưng với một hệ điều hành cũ kỹ, bộ máy sẽ vẫn trì trệ, việc cài đặt thêm những phần mềm mới có thể không tương thích, thậm chí gây xung đột.

Bây giờ, nước ta phải nâng cấp "hệ điều hành", đấy là các quy chế chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, trong đó có vấn đề giữa Chính phủ với các cơ quan thuộc Chính phủ, giữa cơ quan trung ương với các cơ quan địa phương, giữa giao tiếp của Nhà nước với thị trường, giữa giao tiếp của Nhà nước với DN, với xã hội.

Quyền của người lao động trong TPP rất mở, tham gia TPP, Việt Nam đã cam kết về vấn đề này. Nhưng Nhà nước phải cam kết cho người lao động được quyền cử người đại diện mà họ muốn, thay vì người đại diện bắt buộc. Nhà nước đã chấp nhận thay đổi đấy thì phải chấp nhận cả những thay đổi khác.

Đối mới thể chế lần này tác động trực tiếp lên toàn bộ nền kinh tế. Nếu chưa có sự quyết tâm chính trị đủ lớn, chưa có sự chỉ đạo từ cơ quan cao nhất xuống một cách quyết liệt thì quá trình đổi mới thể chế có thể sẽ vẫn xảy ra nhưng không nhanh và sâu sắc như kỳ vọng.

>TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

>5 tác động của TPP đối với nông nghiệp Việt Nam

>Doanh nghiệp Việt "đón đầu" TPP tại Mexico

> Vào TPP, lương của người lao động có tăng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP và hội tụ thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO