TPP sẽ làm thuốc đắt hơn

17/12/2013 09:16

Nếu thỏa thuận về thuốc được thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và kinh doanh thuốc của các công ty trong nước.

TPP sẽ làm thuốc đắt hơn

Nếu thỏa thuận về thuốc được thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất và kinh doanh thuốc của các công ty trong nước.

Thuốc nhập khẩu chiếm tới hơn 70% thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2012, xét về giá trị.

>Monsanto, TPP và sự thống trị lương thực toàn cầu
>Đường đến TPP: Trở lực ở ngay bên trong nước Mỹ
>
Hiệp định TPP: Cơ hội ẩn trong thách thức
>Lợi thế gia công trong TPP

Vòng đàm phán cuối cùng trong năm nay tại Singapore giữa 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc mà không có nhiều tiến triển. Các quốc gia vẫn còn bất đồng ở nhiều vấn đề, nhất là vấn đề liên quan đến thuốc.

Theo hãng tin AFP, vấn đề này bắt nguồn từ việc Mỹ muốn có 12 năm bảo hộ cho các loại thuốc sinh học, một loại thuốc được phát triển từ các mô động thực vật, chứ không phải từ các loại hóa chất và được sử dụng để điều trị các căn bệnh như ung thư và tiểu đường. Được biết, thời gian bảo hộ các loại thuốc ở Mỹ hiện khoảng 5 năm. Theo Mỹ, điều luật này sẽ giúp khuyến khích hơn nữa việc nghiên cứu và phát triển của các công ty dược phẩm khi gia tăng cơ hội thu hồi vốn đầu tư cũng như tích cực nghiên cứu các thuốc mới.

Jay Taylor, Phó Chủ tịch Bộ phận Quan hệ quốc tế của nhóm các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ, cho rằng các công ty dược phẩm phải cần trung bình đến 10-13 năm và đầu tư hơn 1 tỉ USD để phát triển một phương pháp chữa trị mới và không phải tất cả các dự án này đều thành công, dẫn đến một số công ty dược phẩm bị thua lỗ. “Chúng tôi không cho rằng bảo vệ quyền tác giả là cản trở quyền tiếp cận thuốc. Nó là chất xúc tác cần thiết đối với việc phát triển các loại thuốc mới”, Taylor nói.

Đứng dưới góc độ kinh doanh của một doanh nghiệp sản xuất thuốc Mỹ, điều này không sai, nhưng đối với nhiều quốc gia nghèo trong đó có Việt Nam, đây sẽ là một thách thức khó giải quyết. Bởi lẽ, hiện nay, đa số nước nghèo đều phụ thuộc vào thuốc phiên bản, một sản phẩm thuốc có công thức giống như thuốc gốc ban đầu nhưng chỉ được sản xuất hàng loạt với chi phí rẻ khi thời gian bảo hộ thuốc gốc hết hiệu lực.

Theo tổ chức nhân quyền toàn cầu Medecins Sans Frontieres (MSF), nếu thỏa thuận này được chấp nhận, đường sống của hàng triệu người, vốn phụ thuộc vào các loại thuốc phiên bản với giá mua hợp túi tiền, sẽ bị tác động nghiêm trọng.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 1/3 dân số các quốc gia đang phát triển hiện không có khả năng tiếp cận các loại thuốc cần thiết cho nhu cầu thường xuyên.

Đó là lý do thỏa thuận về lĩnh vực thuốc trong TPP đã bị các quốc gia đang phát triển phản đối. Thậm chí, người dân ở các nước phát triển cũng không lấy gì làm thích thú trước viễn cảnh phải chi nhiều hơn cho thuốc men.

Theo một khảo sát của tổ chức hoạt động xã hội Avaaz, có tới 62% người dân Mỹ, 63% người Úc, 70% người New Zealand và 75% người dân Chile phản đối việc tiếp cận hạn chế đến thuốc phiên bản thông qua các thỏa thuận về quyền sở hữu này.

Hãy quay trở lại với các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm Việt Nam. Nếu thỏa thuận thuốc được thông qua, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất và kinh doanh thuốc của các công ty trong nước, đặc biệt là việc nhận giấy phép để sản xuất hàng loạt thuốc phiên bản.

Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu thuốc ngày càng gia tăng ở Việt Nam, các sản phẩm thuốc có chất lượng cao của nước ngoài sẽ tác động lớn đến khả năng cạnh tranh của các công ty dược phẩm trong nước khi cửa nhập khẩu và đầu tư cho khối ngoại sẽ được mở rộng hơn. Khi được hỏi về viễn cảnh này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị một công ty dược phẩm lớn ở Việt Nam (không muốn nêu tên) đã từ chối trả lời với lý do chưa biết gì về thông tin này.

Thị trường thuốc Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng. Theo công ty tư vấn Business Monitor International, Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 175 quốc gia về tốc độ tăng chi tiêu thuốc. Còn theo công ty tư vấn y tế Pacific Bridge Medical, Việt Nam là một trong những thị trường dược phẩm tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Năm 2012, thị trường thuốc Việt Nam có doanh thu gần 3 tỉ USD, tương đương 1/3 thị trường Ấn Độ. Tăng trưởng của lĩnh vực thuốc chữa bệnh có thể lên đến hơn 20%/năm từ nay đến năm 2017.

Năm 2010, chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam là 104 USD/năm. Theo Pacific Bridge Medical, mức chi tiêu này có thể sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2015 chủ yếu nhờ tầng lớp có thu nhập cao tăng lên, dân số già hơn và sự mở rộng của hệ thống bảo hiểm sức khỏe quốc gia.

Thị trường tiêu thụ hấp dẫn là thế, nhưng chiếc bánh thị phần cũng không dễ rơi vào tay các công ty sản xuất thuốc trong nước, dù đang áp đảo về số lượng (chiếm gần 86% tổng số công ty dược phẩm năm 2012). Sản phẩm của các công ty trong nước đa phần là các loại thuốc phiên bản, vốn vẫn còn gây nghi ngại cho thị trường trong khi người dân vẫn dành sự tin tưởng lớn vào thuốc nhập, nhất là các loại thuốc đặc trị. Năm 2012, thuốc nhập khẩu chiếm đến hơn 70% thị trường dược phẩm Việt Nam xét về giá trị, theo Pacific Bridge Medical.

Rõ ràng, nếu đàm phán không khéo thì sau khi gia nhập TPP, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến giá thuốc không những không giảm mà còn tăng lên, trong khi những lợi ích về dược phẩm thì vẫn chưa thấy rõ. Đồng thời, thuốc ngoại (do doanh nghiệp FDI sản xuất hay nhập khẩu) sẽ ngày càng áp đảo hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP sẽ làm thuốc đắt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO