TP.HCM cần một cơ chế độc lập hơn về quản lý đô thị

30/09/2015 00:48

Trung ương cần hoàn vốn ngân sách nhiều hơn cho TP.HCM để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương xứng hơn với nhu cầu thực tế của TP và với sự gia tăng hàng năm trong đóng góp cho ngân sách Trung ương.

TP.HCM cần một cơ chế độc lập hơn về quản lý đô thị

Trong mục tiêu phát triển 5 năm tới, TP.HCM có đề ra “Bảy chương trình đột phá”, đáng chú ý là chương trình mới về “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, nhằm từng bước đưa TP.HCM trở thành thành phố (TP) văn minh, hiện đại, có chất lượng và môi trường sống tốt.

Liên quan đến vấn đề trên, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch và phát triển đô thị đã chia sẻ ý kiến của mình.

* Được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, văn hóa của cả nước, TP.HCM thu hút lượng lớn dân nhập cư đến học tập và làm việc. Hiện tượng tăng dân số cơ học đã dẫn đến hạ tầng cơ sở (giao thông, cấp thoát nước, bệnh viện,…) bị quá tải. Theo ông, có giải pháp nào khả thi để TP.HCM giảm dần tình trạng trên?

TP.HCM cần một cơ chế độc lập hơn về quản lý đô thị doanhnhansaigon
TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn

- TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn:

Việc TP.HCM thu hút lượng người nhập cư ngày càng cao là một việc tất yếu xảy ra, khi TP đang đóng vai trò quan trọng nhất trên cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, là nơi tạo nhiều công ăn việc làm và tạo cơ hội phát triển cho người dân.

Có ý kiến cho rằng người nhập cư tạo gánh nặng hạ tầng lên TP. Tuy nhiên cần thấy họ đã đóng góp nhiều cho phát triển của TP, vì thế họ cũng xứng đáng nhận được sự đãi ngộ và chăm lo đời sống tương xứng. Do đó, một mặt, chính quyền Trung ương cần hoàn vốn ngân sách nhiều hơn cho TP. HCM để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương xứng hơn với nhu cầu thực tế của TP và với sự gia tăng hàng năm trong đóng góp cho ngân sách Trung ương.

Mặt khác, tình trạng nhập cư tăng nhanh có thể làm mất cân đối về phát triển kinh tế vùng. Do đó TP.HCM cần năng động hơn trong việc cộng tác và hỗ trợ các đô thị trong vùng đô thị TP.HCM (ví dụ như các tỉnh lân cận) cùng phát triển nhanh để những nơi này cũng thu hút lượng người nhập cư về sống và làm việc. Điều này sẽ giúp các đô thị trong vùng này phát triển về kinh tế lẫn hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không thua kém quá nhiều so với TP.HCM, giúp giảm tải cho TP.HCM.

* Đối với vấn đề thoát nước, phương án xây dựng hồ điều tiết, như kế hoạch Trung tâm chống ngập TP.HCM đã công bố, liệu có là giải pháp tối ưu mà các thành phố lớn trên thế giới đã triển khai?

- Việc thoát nước, chống ngập là một bài toán khoa học thuần túy, nhưng hiện nay chưa giải quyết được là do cách quản lý đô thị chưa hiệu quả và thiếu sự hợp tác đa ngành. Nếu chỉ tập trung chống ngập bằng việc tổ chức nâng cấp hệ thống thoát nước, thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Chính quyền cần phối hợp công tác chống ngập với công tác quy hoạch kiến trúc, tổ chức giao thông và xây dựng hạ tầng phù hợp, để giải quyết vấn đề này không chỉ ở phần ngọn (nguyên nhân từ thiên nhiên như mưa và thủy triều) mà cả phần gốc (nguyên nhân từ con người).

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng ngập ngày càng gia tăng hiện nay là do quy hoạch còn nhiều điểm chưa hợp lý như: bê tông hóa hoặc nhựa hóa mặt đất (ví dụ Đà Lạt làm quá nhiều nhà ni lông để trồng rau), lấp sông và kênh rạch, không kiểm soát chặt chẽ việc phát triển đô thị, thiết kế cốt nền giao thông và thoát nước chưa khoa học… Nếu không giải quyết cả phần ngọn lẫn gốc như trên thì không bao giờ giải quyết được vấn đề ngập lụt, tương tự tình trạng một mặt bác sĩ cho bệnh nhân uống thuốc chữa bệnh gan, nhưng đồng thời cũng cho phép uống rượu thoải mái thì sẽ không bao giờ chữa dứt được bệnh.

* Hạ tầng giao thông với vai trò tăng tính kết nối là một yếu tố quan trọng của đô thị hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển của các hệ thống giao thông công cộng hiện đại có thể sẽ làm giảm mật độ cây xanh và phá vỡ kiến trúc đô thị. Liệu có giải pháp nào dung hòa cho một đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh như TP.HCM không, thưa ông?

- Thật ra, trong hai thập niên qua, phát triển đô thị TP.HCM tuy nhanh nhưng tốn kém và chưa mang lại nhiều hiệu quả, vì thiếu chiến lược phù hợp và thiếu kiểm soát điều phối, mang nặng tính đối phó do sức ép tăng trưởng và cơ chế gò bó. Về mặt chiến lược, kinh nghiệm phát triển đô thị tại các nước cho thấy, cần tập trung phát triển khu ngoại vi và đô thị mới trước để tạo sự kết nối vùng tốt trước, sau đó mới tập trung cải tạo khu đô thị hiện hữu. Nhưng hiện nay chúng ta đang làm ngược lại.

Để giải tỏa sức ép gia tăng dân số, TP nên tập trung vốn ngân sách phát triển các khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại để thu hút người dân về đó. Đến lúc nguồn cung bão hòa thì mới bắt đầu tập trung cải tạo khu đô thị hiện hữu. Nếu nhà đầu tư muốn đầu tư cao tầng vào khu đô thị hiện hữu thì vẫn có thể cho phép, nhưng không dùng vốn ngân sách để cải tạo và nâng cấp hạ tầng, mà nhà đầu tư phải ứng trước kinh phí và được khấu trừ dần vào số thuế các loại phải nộp hàng năm.

Việc khuyến khích cao tầng hóa khu đô thị hiện hữu trước vừa làm cho các khu đô thị mới không phát triển được vì không thu hút được đầu tư, vừa phá hỏng sự cân bằng hạ tầng đã đạt được ở nhiều khu đô thị hiện hữu (tỷ lệ dân số tương hợp với mật độ xây dựng, hệ thống điện nước, thoát nước, trường học, bệnh viện, công viên, cây xanh, hồ điều tiết…), lại có thể gây hại cho các di sản kiến trúc và lấn chiếm không gian xanh, mặt nước hiện có. Ngoài ra, cách làm này rất không kinh tế khi phải cải tạo hệ thống hạ tầng nhiều lần trong thời gian ngắn, lại làm gia tăng các hệ lụy như kẹt xe, ô nhiễm.

Trong khi việc quy hoạch tại các nước tiên tiến thường bắt đầu từ hạ tầng rồi mới đến xây dựng, thì ở Việt Nam lại làm ngược lại. Vì vậy mà có những khu đô thị mới công trình nhà ở có rồi nhưng điện nước, trường học, bệnh viện… đều chưa. Và đó cũng là lý do mà các nhà đầu tư thường thích chọn cách phá bỏ các công trình lịch sử để phát triển dự án tại khu đô thị hiện hữu, vì đã có sẵn hạ tầng và thị trường khách hàng tiềm năng.

Cách làm đó đã dẫn đến thực trạng là các hệ thống giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, đường trên cao,… tập trung tại khu đô thị hiện hữu, cho dù điều đó sẽ làm giảm mật độ cây xanh và có thể phá vỡ mỹ quan đô thị, đồng thời lại rất tốn kém vì phải mở đường, cải tạo hạ tầng, làm gia tăng kẹt xe và ô nhiễm trong thời gian thi công. Tại các nước tiên tiến thì trái lại, các hạ tầng hiện đại như tàu điện, đường cao tốc, đại lộ, và đường trên cao thường ít tập trung tại khu đô thị lịch sử, mà tập trung tại các khu đô thị mới cao tầng, vừa tạo hiệu quả kinh tế, vừa thu hút người dân đến đó sống và làm việc, và vừa bảo vệ được di sản của khu đô thị lịch sử.

Về mặt cơ chế quản lý và tài chính, khó khăn lớn nhất đối với việc thực hiện chiến lược phát triển các khu đô thị mới trong thời gian qua, như đã nói ở trên, là sự thiếu hụt nguồn vốn ngân sách lớn đủ để xây dựng hệ thống hạ tầng, và sự lệ thuộc Trung ương về tổ chức quản lý các dự án lớn trong phát triển đô thị, nên khá khó khăn trong thu hút nguồn vốn xã hội hóa. Do đó, TP.HCM cần một cơ chế độc lập hơn về quản lý đô thị và cần được ưu tiên giao vốn ngân sách cao hơn để phù hợp với nhu cầu phát triển. Cụ thể là được giảm trách nhiệm nộp ngân sách Trung ương hàng năm để tập trung phục vụ cho hạ tầng, ít nhất là trong giai đoạn sức ép nhu cầu phát triển hạ tầng quá lớn hiện nay. Điều này có thể tạm thời làm giảm nguồn ngân sách TP.HCM nộp cho Trung ương trong một thời gian, nhưng thực tế tổng giá trị nộp ngân sách sẽ cao hơn nhiều về lâu dài khi TP.HCM phát triển bền vững.

* Xin cảm ơn ông đã chia sẻ.

Bảy chương trình đột phá của TP.HCM:

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Cải cách hành chính.
- Nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.
- Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông.
- Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
- Giảm ô nhiễm môi trường.
- Chỉnh trang và phát triển đô thị.

>Cộng đồng doanh nghiệp góp ý văn kiện trình Đại hội Đảng XII

>TP.HCM tổ chức thảo luận, góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X

>Để Thủ Thiêm sớm thành "Phố Đông" của TP.HCM

>Cộng đồng doanh nghiệp góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần một cơ chế độc lập hơn về quản lý đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO