Tốc độ, thời gian quan trọng hơn tiền bạc

HẢI VÂN thực hiện| 03/09/2013 01:03

Thoái vốn chậm, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lấy lý do thị trường ảm đạm, trong khi về mặt pháp lý lại gắn với chữ "bảo toàn vốn".

Tốc độ, thời gian quan trọng hơn tiền bạc

Thoái vốn chậm, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lấy lý do thị trường ảm đạm, trong khi về mặt pháp lý lại gắn với chữ "bảo toàn vốn". TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định: "Vấn đề là chủ trương, là tư duy, còn những cái đấy chỉ mang tính kỹ thuật".

Đọc E-paper

* Tiến trình thoái vốn của các DNNN rất chậm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Tái cơ cấu DNNN có rất nhiều vấn đề, thoái vốn chỉ là một phần. Nói về thoái vốn, phải bắt đầu từ đa ngành và cốt lõi; lợi thế, bất lợi thế là cái gì chứ mình đừng nhìn nó quá cực đoan. Cốt lõi và đa ngành, mỗi cái đều có ưu điểm, nhược điểm.

Đa ngành không phải lúc nào cũng là tồi. Đa ngành cũng có khi là ý tưởng tốt, nếu tạo được lợi thế nhờ quy mô. Đối với DNNN, đa ngành có thể nội hóa được chi phí, tạo ra một chuỗi giá trị, tức là liên kết dọc, qua đó tạo ra được giá trị gia tăng.

Nhưng đa ngành cũng mang lại bất lợi. Một là, năng lực quản trị không theo kịp sự bành trướng của các DNNN. Hai là, dính vào những lĩnh vực doanh nghiệp ít hiểu biết, rủi ro rất cao. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà đa ngành Việt Nam thường "chết" vì dính vào bất động sản, tài chính, ngân hàng.

* Thoái vốn, theo ông, tại sao lại là cần thiết đối với DNNN và nằm trong tái cấu trúc DNNN?

- Việc phải rút lui này gắn với chuyện DNNN lao vào những lĩnh vực đáng ra không cần phải nhà nước. DNNN chỉ nên làm những lĩnh vực có lan tỏa, dù tổn phí lớn hơn lợi ích mà xã hội thu được rất nhiều.

Cứ nói doanh nghiệp là lợi nhuận, nói thế là chưa đủ, vấn đề không phải chỉ là lợi nhuận mà còn là thị trường, là cạnh tranh. Đối với tư nhân, nếu chi phí lớn hơn lợi nhuận thì doanh nghiệp không làm.

DNNN có lợi nhuận, nhưng chưa hiệu quả bằng cái tư nhân có thể đem lại. Ở đây có tính cần thiết và điều này lại gắn với một thực tế, những DNNN kinh doanh đa ngành thường không hiệu quả, nhất là trong bối cảnh khó khăn vừa rồi.

Bây giờ rút, thì lập luận cơ bản là phải bảo toàn vốn, nhưng thị trường èo uột, tài sản bị định giá thấp, doanh nghiệp lo ngại không có gì bảo vệ..., nên tiến độ chậm.

Về nguyên tắc, phải hiểu là tốc độ, thời gian quan trọng hơn tiền bạc và cũng phải hiểu tiền bạc này theo nghĩa khác. Cái kia không hẳn là sai, nhưng khác ở chỗ cũng cái đồng vốn ấy nhưng ai sử dụng và sử dụng ở đâu thì hiệu quả.

Chẳng hạn, DNNN có thể bán thiệt một tài sản, nhưng tài sản đó vào tay người sử dụng hiệu quả hơn, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn và cái lợi ích ấy, trong dài hạn sẽ bù lại nhiều hơn cái đã mất. Như vậy, vấn đề ở đây là minh bạch, giám sát và tốc độ.

* Có thể hiểu minh bạch, giám sát là điều kiện cần, nhưng tại sao lại gắn với đó là tốc độ?

Nếu cứ lừng chừng như thế này, cải cách DNNN chậm lại, kéo theo đó là lòng tin thị trường. Lòng tin vô hình nhưng rất quan trọng. Nhìn bối cảnh này, người ta không tin Việt Nam cải cách được.

Cần tốc độ vì lợi ích nhìn theo nghĩa lớn phải được sử dụng nhanh chứ không phải cứ để "chết" đấy. Cái xe đạp cứ để trong kho sẽ hỏng, nhưng để vào một bà buôn thúng bán mẹt thì nó rất có giá trị.

Ngoài ra, sử dụng vốn về như thế nào vẫn còn đang tranh luận. Vốn này, xét cho cùng là vốn của Nhà nước. Việc lấy vốn về, để cho chính doanh nghiệp trước kia đầu tư ngoài ngành sử dụng cho kế hoạch cải cách của mình hay tập trung vào một nguồn để sử dụng ở quy mô lớn hơn, hỗ trợ thị trường, phát triển nghiên cứu khoa học, xử lý nợ xấu...

Tôi nghĩ, cả hai cách nhìn này đều có cái được, cái chưa được, nhưng vấn đề quan trọng là hiệu quả. Cho nên, phải cân đối xem xét, không nên loại trừ ngay một quan điểm nào cả.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tốc độ, thời gian quan trọng hơn tiền bạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO