Tín hiệu quan tâm rõ ràng từ Chính phủ

TRÌNH TIÊU thực hiện| 11/05/2016 06:30

Những động thái gần đây của Chính phủ đã đưa ra tín hiệu rõ ràng là Nhà nước, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng hết sức quan tâm và quyết liệt thực hiện các cam kết trước Quốc hội và người dân.

Tín hiệu quan tâm rõ ràng từ Chính phủ

Trong cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngày 29/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng cán bộ, công chức về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, chuyển mạnh sang tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN. GS-TSKH. Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho đây là "cách hỗ trợ tốt nhất giúp DN và nền kinh tế phát triển". 

Đọc E-paper

* Ông bình luận thế nào về sự kiện Thủ tướng Chính phủ vừa tổ chức đối thoại với doanh nghiệp?

- Thủ tướng nhiệm kỳ mới đã có những hành động đầu tiên hướng tới DN, làm đúng chức năng của Chính phủ là kiến tạo phát triển. Việc đối thoại sớm với cộng đồng DN chứng tỏ Chính phủ và cá nhân Thủ tướng rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sau khi đã có Nghị quyết 19/2016/NQ-CP.

Ngay sau buổi đối thoại với DN tại TP.HCM, Thủ tướng đã gặp gỡ người lao động ở Đồng Nai, từ đó có thể góp phần hoàn thiện các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trường học nhằm giúp công nhân có cuộc sống tốt hơn.

* Những động thái ấy là cần thiết, song chưa đủ để cải thiện môi trường kinh doanh hay xử lý những tồn tại của nền kinh tế. Ông nói gì về điều này?

- Đúng vậy. Chính phủ cần có thêm những tham vấn của các học giả về nhiều vấn đề của đất nước, những bất ổn đang diễn biến phức tạp, ví dụ nợ công, thâm hụt ngân sách, trong khi vẫn phải đẩy mạnh đầu tư phát triển. Bên cạnh đó là vấn đề về tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và xử lý nợ xấu trong điều kiện hội nhập sâu, để DN và người dân yên tâm sản xuất - kinh doanh.

* Có ý kiến cho rằng, môi trường kinh doanh thiếu công bằng và không minh bạch đã khiến quy mô DN ngày càng bị thu hẹp, quan điểm của ông về điều này ra sao?

- Vấn đề này cần xem xét ở nhiều khía cạnh. Trước hết là vị trí của DN tư nhân. Một số người nhầm lẫn giữa khu vực kinh tế tư nhân đồng nhất với DN tư nhân. Theo thống kê, DN tư nhân chỉ chiếm 11% GDP, trong khi hộ kinh doanh chiếm tới 32% GDP. Do đó, cần có giải pháp đưa kinh tế hộ vào phạm vi của Luật Doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai là quy mô DN tư nhân. Hiện nay, cả nước có hơn 500.000 DN tư nhân với khoảng 10 triệu lao động, bình quân chưa tới 20 người/DN. Nếu có thể huy động lao động từ 10 triệu tăng lên 30 triệu làm việc trong các DN (trong tổng số 50 triệu lao động cả nước) và đưa tổng số DN cả nước lên 2 triệu như mục tiêu đề ra thì tổng số lao động mà khu vực tư nhân thu hút được là lớn nhất.

Do đó, cần khuyến khích hình thành một số DN tư nhân quy mô lớn để tiếp thu công nghệ hiện đại, tham gia cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách phải xem xét đặc tính, đặc trưng của loại hình DN để tránh ngộ nhận và đưa ra những chính sách không đúng về DN tư nhân.

* Sau những tác động mới của Chính phủ, theo ông, môi trường kinh doanh năm nay sẽ theo xu hướng nào?

- Đây không phải là lần đầu Thủ tướng Chính phủ đối thoại với DN, nhưng chuỗi hành động vừa qua sẽ giúp củng cố niềm tin của DN và người dân vào một Chính phủ năng động với những hành động thiết thực. Còn sớm để nói về kết quả, hiệu quả đến mức nào, nhưng rõ ràng những động thái gần đây của Chính phủ đã đưa ra tín hiệu rõ ràng là Nhà nước, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng hết sức quan tâm và quyết liệt thực hiện các cam kết trước Quốc hội và người dân.

Lạc quan một cách tỉnh táo là ý kiến của tôi lúc này.

* Cảm ơn ông!

>Chính phủ ra nghị quyết "cứu" doanh nghiệp

>Thủ tướng Nga Putin bế “công dân 7 tỷ”

>Thủ tướng Ý chấp nhận từ chức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín hiệu quan tâm rõ ràng từ Chính phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO