Tiền đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

PHAN ĐÌNH MẠNH| 26/12/2016 06:20

Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), Việt Nam đang đối mặt với cả những lợi thế và khó khăn.

Tiền đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Quay về quá khứ, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, Anh đã làm một điều xưa nay hiếm là đưa máy móc (máy hơi nước) vào hoạt động sản xuất, góp phần quan trọng trong việc đưa nước Anh trở thành nền công nghiệp hàng đầu thế giới.

Đọc E-paper

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai với đặc trưng là sản xuất hàng loạt, Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản đã nổi lên như những nền kinh tế đầy mạnh mẽ.

Nối tiếp thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, cuộc cách mạng công nghiệp lần ba với sự xuất hiện của máy tính và công nghệ thông tin mà chúng ta đang sống đã sản sinh ra những con rồng châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và gần đây là Trung Quốc.

Thực tế Việt Nam đã từng có cơ hội tham gia vào nhóm các quốc gia tiêu biểu trong các cuộc cách mạng công nghiệp, nếu những hành động yêu nước của Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu thành hiện thực. Nhưng vì những lý do khác nhau, cả chủ quan lẫn khách quan mà những tư tưởng yêu nước này đã không thành hiện thực.

Lần này, đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), Việt Nam đang đối mặt với cả những lợi thế và khó khăn. Nếu đất nước có thể tận dụng cơ hội và biến những bất lợi thành lợi thế thì chúng ta hoàn toàn có thể mơ trỗi dậy trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này.

Một lợi thế dễ thấy là Việt Nam đang sống trong hòa bình và ổn định, xã hội ngày càng cởi mở. Học sinh, sinh viên được tiếp cận với tri thức bên ngoài cho nên những cái hay, cái đẹp của một đất nước hiện đại (thông qua TV, facebook, du lịch...) đều được tiếp cận.

Đây là những điều không thể thấy rõ ràng ở thời kỳ đầu công cuộc chống Pháp. Thực tế, trong thời kỳ đó vì xã hội đồng nhất và khép kín nên những ý tưởng hay không có cơ hội được dẫn chứng lan tỏa.

Một điểm đặc biệt là sau thời gian phát triển thì nguồn lực gần như đang cạn dần, môi trường ngày càng bị phá hủy. Trong khi đó công nghệ ngày càng phát triển, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất ngày càng trở nên phổ biến; lương nhân công ngày càng tăng... Những điều này thúc đẩy chính phủ và doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo để gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong dài hạn. Đây là một bất lợi nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây cũng là yếu tố “đẩy” để chúng ta nhìn lại và tìm cách khắc phục những bất lợi này.

Chẳng hạn như việc nghiên cứu ra cách làm bạn với thiên nhiên, những công nghệ, sản phẩm mới tiết kiệm năng lượng và hiệu quả, những phương thức kinh doanh mới...

>>Business 4.0: Doanh nghiệp sống sao trong thời đại số?

Thực tế đã chứng minh, tại các nước có nguồn lực hạn chế (ngoài yếu tố con người) lại là những quốc gia có khả năng phát triển mạnh nhất. Minh chứng cho điều này là Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia có nguồn lực rất khiêm tốn nhưng đã tận dụng được cơ hội của thời đại và đưa ra những chính sách thích hợp để không ngừng cải thiện khả năng sản xuất, thích ứng với thời đại.

Tại Hàn Quốc, trong quá trình phát triển công nghiệp của mình, họ luôn tạo ra những cuộc “khủng hoảng” tích cực mà ở đó nếu các công ty Hàn Quốc chưa sở hữu được những nguồn công nghệ dẫn đầu, họ luôn xem đó là nỗi thất vọng và luôn cố gắng để bắt kịp. Và khi đã bắt kịp thì họ lại tạo ra “khủng hoảng” để luôn sáng tạo nhằm không bị bặt kịp. Nhờ vậy, Hàn Quốc có thể thực hiện được các cuộc bứt phá về công nghệ để đuổi kịp phương Tây và Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần này, đất nước cũng sẽ chứng kiến hiệu ứng toàn cầu hóa không chỉ đến từ sự phát triển tự nhiên (do việc giao lưu, trao đổi giữa những cá nhân trong phạm vi toàn cầu) mà còn đến từ những tổ chức (như WB, IMF, WTO), những hiệp định TPP, AFTA...

Việc tiếp cận với những tổ chức, hiệp định này một mặt tạo cơ hội lớn hơn từ thị trường mở nhưng cũng đồng thời làm giảm hiệu lực của các chính sách nhằm nuôi dưỡng những doanh nghiệp trong nước trước cạnh tranh từ nước ngoài. Việc bảo hộ đã từng được thực hiện trước đây bởi Mỹ và sau đó là Hàn Quốc và một số quốc gia trong thời kỳ đầu phát triển đất nước nhưng thời đại ngày nay, chúng ta không thể áp dụng các chính sách bảo hộ kiểu cũ nữa.

Hơn nữa, trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, những nước có nền kinh tế mở, tự do cạnh tranh thường phát triển nhanh hơn những nước dùng chính sách bảo hộ, khép kín.

Với sự hội nhập sâu rộng, Việt Nam cần có một chính sách công nghệ (yếu tố then chốt trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo) phù hợp để vẫn có thể hội nhập nhưng không bị lấn át và thua trận ngay trên sân nhà và xa hơn nữa là có thể bắt kịp với tốc độ thay đổi công nghệ chóng mặt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này.

Vì vậy mỗi người chúng ta dù là doanh nghiệp hay cá nhân, hãy là những Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu hay Nguyễn Trường Tộ. Hãy mang trong mình một ý thức phát triển và hội nhập và nỗi sợ bị thua cuộc để không ngừng nghiên cứu, khám phá ra những giá trị mới nhằm đóng góp một phần vào công cuộc hội nhập và thành công của đất nước trong thời đại mới.

>>22 ngành công nghệ cao được trả lương cao nhất Mỹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền đề của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO