Thực trạng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NGUYỄN MINH SƠN(*)| 12/06/2018 03:37

Chính phủ vừa trình Quốc hội Báo cáo Tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Thực trạng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Kết quả rất đáng ghi nhận nhưng nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, đặc biệt là những vi phạm nghiêm trọng, khó khắc phục lại chủ yếu xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Vấn đề này cần được nhìn từ hai góc độ: đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp. Từ góc độ của đại diện chủ sở hữu có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp này vẫn có bộ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản.

Việc các cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc thực hiện hai chức năng nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát. Cách thức thực hiện giám sát, đánh giá hiện chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của DNNN mang tính thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu.

Việc giám sát đánh giá của chủ sở hữu cũng căn cứ vào kết quả thực hiện so với kế hoạch do các DNNN tự xây dựng và đăng ký nên chưa phản ánh được yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Cạnh đó, việc hình thành và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về DNNN nói chung để phục vụ công tác giám sát, đánh giá còn rất hạn chế; một số trường hợp còn thiếu tính độc lập với hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và ban điều hành nên không thể phát huy vai trò là công cụ cảnh báo sớm, ngăn ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN.

Khắc phục các bất cập này, trong từng DNNN cần tạo lập ba vòng kiểm soát theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất, phát hiện và quản lý rủi ro trong hoạt động hằng ngày thông qua kiểm soát nội bộ. Thứ hai, theo dõi, giám sát rủi ro trong doanh nghiệp thông qua hệ thống quản trị rủi ro. Thứ ba, kiểm toán nội bộ để bảo vệ vốn nhà nước.

Một điểm nữa, báo cáo trên của Chính phủ còn tương đối đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của các DNNN. Chính phủ cho biết, đến ngày 31/12/2016, đã có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài, đầu tư tại 110 công trình với tổng vốn đã thực hiện hơn 7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản, trồng cây cao su, trong đó 15,5% công trình báo lỗ, 29% công trình lỗ lũy khế, 46,6% công trình không có báo cáo doanh thu, lợi nhuận. Riêng năm 2016, lợi nhuận từ các công trình ở nước ngoài được chia cho Việt Nam là 145 triệu đô la Mỹ.

Với những gì diễn ra trong thực tế, báo cáo trên cần làm rõ công trình thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ, hòa vốn, lãi; quốc gia, doanh nghiệp đã đầu tư, hạn chế vướng mắc và nguyên nhân của việc lỗ. Chính phủ cần rà soát, tổng kết vấn đề này để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại những công trình đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng, trong đó cần chú ý đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời những vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số công trình quan trọng.

Một điểm nữa, quá trình cổ phần hóa DNNN cần quan tâm hơn đến xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước khi cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 đều không tính giá trị lợi thế thuê đất vào giá trị doanh nghiệp.

Có một số DNNN có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, như Công ty CP Khách sạn Kim Liên đưa ra giá khởi điểm mỗi cổ phiếu là 30.600 đồng, nhưng giá trúng thầu là 274.200 đồng.

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI cũng cho thấy việc xác định giá đất cụ thể tại một số địa phương còn lúng túng, bộ máy và cơ sở bảo đảm cho việc xác định giá đất chưa đáp ứng yêu cầu thông tin về giá đất trên thị trường.

Như vậy, thông số quan trọng để xác định đơn giá thuê đất là tỷ lệ % và giá đất cụ thể đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất của doanh nghiệp cổ phần. Do đó, để bảo đảm lợi ích của Nhà nước và phản ánh đúng giá trị thực tế của doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét lại quy định liên quan đến xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất và giá trị DNNN khi cổ phần hóa.

 (*) Tác giả là Đại biểu Quốc hội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực trạng quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO