Thu nhập ngoài lương: Không chỉ là tham nhũng vặt

QUỲNH NHƯ/DNSGCT| 29/04/2013 07:28

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh người cán bộ công chức xuất hiện thật đáng buồn. Do tiền lương không đủ sống mà họ phải kiếm thêm bằng nhiều cách, thậm chí là vòi vĩnh, nhũng nhiễu…

Thu nhập ngoài lương: Không chỉ là tham nhũng vặt

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh người cán bộ công chức xuất hiện thật đáng buồn. Do tiền lương không đủ sống mà họ phải kiếm thêm bằng nhiều cách, thậm chí là vòi vĩnh, nhũng nhiễu…

Đọc E-paper

Còn lãnh đạo một số địa phương cũng đã tăng cường một số biện pháp để quản lý công chức như cấm uống bia rượu trong giờ làm việc, quay phim, theo dõi những cán bộ công chức “cúp cua” ăn cắp giờ công để phát lên tivi v.v…

Thủ tục hành chính phức tạp dễ làm phát sinh tiêu cực - Ảnh: MINH HOA

Liên tiếp các cuộc khảo sát, điều tra xã hội học liên quan đến hệ thống cán bộ công chức đều cho ra những kết quả không hay, nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, cần phải được phân tích thấu đáo.

Trước hết xin được đề cập đến đề tài khoa học do Thanh tra chính phủ thực hiện mà kết quả mới được công bố cách nay hai tuần, với tiêu đề chạy trên các báo là 79% cán bộ công chức (CBCC) có thu nhập ngoài lương.

Theo đó, năm 2012, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới khảo sát gần 2.000 CBCC ở 10 địa phương và năm bộ, ngành. Kết quả cho thấy, 79% CBCC trả lời có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, 20% không có và 1% không trả lời.

Trong số những người có thu nhập ngoài lương, hơn 50% trả lời đó là tiền bồi dưỡng từ các cuộc họp; hơn 60% có nguồn thu do tiết kiệm được các khoản chi theo định mức khoán; hơn 5% được chia từ các khoản hoa hồng hoặc quỹ riêng của đơn vị; gần 5% có nguồn thu ngoài lương từ khoản biếu, tặng; 40% có nguồn thu khác.

Những thông tin này nói lên điều gì?

Thực ra, mục tiêu của đề tài nghiên cứu nói trên là “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn”, vì vậy đối tượng nghiên cứu có lẽ là nhóm CBCC loại “đặc biệt”, có chức có quyền, chứ không đại diện cho hàng triệu CBCC nói chung.

Về nguồn thu nhập ngoài lương của họ, theo kết quả khảo sát, đến từ việc tiết kiệm các khoản chi được khoán. Nếu đúng vậy thì những công chức nhà nước được khảo sát đã làm việc hiệu quả hơn, năng suất lao động cao hơn… Đây là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát không chỉ có vậy.Thu nhập ngoài lương còn đến từ tiền bồi dưỡng ở các cuộc họp, từ các khoản chi hoa hồng, từ biếu tặng – đây mới là điều đáng nói. Những khoản thu nhập này không đến với phần lớn CBCC mà chỉ đến với một số ít những người có chức vụ, quyền hạn, hoặc ở những vị trí có thể giúp người khác hưởng lợi nhờ sự bất cân xứng thông tin, hay những vị trí mà ý kiến, quyết định của họ… có thể làm phát sinh quyền lợi như thẩm định đầu tư, thu chi ngân sách, đề bạt cán bộ…

Chính mảng tối này đã khiến cho toàn bộ bức tranh về những người làm việc trong hệ thống công quyền trở nên u ám, trong khi phần lớn công chức, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa, những khu vực nghèo, vẫn còn đang vật lộn với cuộc sống khó khăn vì khoản tiền lương còm cõi mà chẳng biết kêu ai.

Về mức thu nhập ngoài lương, kết quả khảo sát cho thấy, 82,7% số người có khoản thu nhập ngoài thấp hơn 50% lương; 11,1% số người có thu nhập ngoài bằng khoảng 50% – 100% tiền lương; 2,1% số người có thu nhập ngoài cao hơn lương nhưng không quá 5 lần tiền lương; 0,2% số người thu nhập ngoài bằng 5-10 lần tiền lương. Số người có thu nhập ngoài cao hơn 10 lần tiền lương chiếm 0,2%. Có 3,6% số người không trả lời khi được hỏi về mức thu nhập ngoài lương.

Với con số 82,7% số người có thu nhập ngoài lương mà khoản tiền này chưa bằng phân nửa tiền lương thì có thể xem đây là dạng tham nhũng “vặt”. Điều đáng quan tâm hơn là những trường hợp có thu nhập ngoài lương bằng gấp 5-10 lần tiền lương, thậm chí còn hơn nữa. Đây là một dạng tham nhũng khác, khá quan trọng.

Liên quan đến vấn đề này, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012 (PCI 2012), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng thực hiện và mới được công bố gần đây đã ghi nhận tình trạng tham nhũng vặt giảm đi rất nhiều, còn tình trạng tham nhũng chính sách lại gia tăng đáng kể.

Theo báo cáo này, các khoản lót tay đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục hành chính đã giảm cả về tần suất và giá trị. 53% số doanh nghiệp được hỏi nhận định chi phí này là phổ biến và chiếm 6,4% doanh thu. Trong khi trước đó vào năm 2006, 70% doanh nghiệp cho rằng đây là loại chi phí không thể thiếu, chiếm đến 13% doanh thu.

Trái lại, tình trạng trục lợi từ các quy định, chính sách lại không hề được cải thiện mà ngày càng tệ hơn và việc chi hoa hồng trong các hợp đồng với chính phủ vẫn tiếp tục là vấn đề nhức nhối. Có đến 40% doanh nghiệp qua điều tra đã thừa nhận đã chi hoa hồng để có được hợp đồng, tăng mạnh so với mức 23% của năm 2011. Doanh nghiệp càng lớn thì xác suất trả hoa hồng càng cao, nhưng với các doanh nghiệp có từ 100 lao động trở lên thì tình hình có giảm đôi chút. Báo cáo nhận xét: “Sự thay đổi này có thể do những doanh nghiệp lớn, có mối liên hệ mật thiết với lãnh đạo địa phương, không phải đầu tư nhiều vào chi phí hoa hồng”. 

Tỷ lệ doanh nghiệp trả hoa hồng trong mua sắm công theo ngành

Năm

Sản xuất

Xây dựng cơ bản

Dịch vụ/thương mại

2010

21,1%

30,6%

44,8%

2011

30,6%

30,8%

18,2%

2012

34,1%

42,5%

35,4%

Nguồn: Báo cáo PCI 2012

Như vậy, kết quả khảo sát PCI đã góp phần cho thấy rõ hơn rằng tham nhũng đang dần thay đổi cách thức. Các loại tham nhũng vặt ngày càng bị thu hẹp do hàng loạt những cải tiến về thủ tục hành chính, hoặc những quy định công khai minh bạch hơn. Điều này khá phù hợp với kết quả 82,7% số người có thu nhập ngoài lương mà khoản tiền này chưa bằng phân nửa tiền lương.

Trong khi đó, quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với cơ quan chính phủ, hay các doanh nghiệp nhà nước lại gia tăng. Đây mới chính là phần quan trọng và cũng tương đồng với kết quả khảo sát trong đề tài do Thanh tra chính phủ thực hiện.

Thực ra, điều đáng ngại hơn là mối quan hệ thân hữu, hay chính xác hơn là cộng sinh, giữa doanh nghiệp với một số CBCC có chức, có quyền đang gây ra những hệ lụy rất lớn như làm xói mòn lòng tin vào bộ máy công quyền, vào hệ thống luật lệ, tạo ra một trường kinh doanh không lành mạnh,…

Những điều này ai cũng biết, còn biện pháp chống tham nhũng thì cũng đã được nêu ra rất nhiều, từ các cấp lãnh đạo cao nhất đến các diễn đàn trong nước và quốc tế. Vấn đề còn lại là liệu mỗi người có đủ quyết tâm, đủ niềm tin để chống tham nhũng hay không.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thu nhập ngoài lương: Không chỉ là tham nhũng vặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO